1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc - Ấn Độ hoàn tất rút quân khỏi biên giới tranh chấp

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hai cường quốc hạt nhân đã rút quân khỏi khu vực mà họ tranh chấp chủ quyền ở Himalaya sau các nỗ lực hàn gắn quan hệ.

Trung Quốc - Ấn Độ hoàn tất rút quân khỏi biên giới tranh chấp - 1

Trung Quốc và Ấn Độ trước đó đã đạt được thỏa thuận về hoạt động tuần tra chung ở biên giới tranh chấp (Ảnh minh họa: AFP).

Ấn Độ và Trung Quốc đã hoàn tất việc rút quân khỏi 2 điểm trên biên giới ở khu vực Himalaya đang tranh chấp theo đúng kế hoạch, một quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết vào ngày 30/10.

Hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân đã đạt được thỏa thuận vào tuần trước về việc tuần tra biên giới tại vùng Ladakh để chấm dứt tình trạng đối đầu quân sự kéo dài 4 năm, mở đường cho việc cải thiện quan hệ chính trị và kinh tế song phương.

Việc rút quân bắt đầu vào tuần trước đã hoàn tất và quá trình xác minh đang được tiến hành, quan chức Ấn Độ nói với Reuters.

Binh lính sẽ trao đổi kẹo như một cử chỉ thiện chí vào ngày 31/10 và sẽ bắt đầu tuần tra biên giới ngay sau khi các chỉ huy trên bộ hoàn thiện các quy định, ông nói thêm.

Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này.

Trung Quốc và Ấn Độ có hàng nghìn km đường biên giới chưa được phân định dọc theo dãy Himalaya. Đường kiểm soát thực tế (LAC) hiện tại là ranh giới ngừng bắn sau khi 2 bên tiến hành một cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962. Trong hàng chục năm qua, xung đột ở khu vực tranh chấp chủ quyền vẫn diễn ra.

Cuộc giao tranh nghiêm trọng đã nổ ra vào ngày 15/6/2020 khi ít nhất 24 binh sĩ 2 bên đã thiệt mạng ở Thung lũng Galwan, Lakdah.

Kể từ đó, cả hai bên đều triển khai binh sĩ và khí tài ra gần khu vực xảy ra xung đột. Đồng thời, Bắc Kinh và New Delhi đã bắt đầu các cuộc đàm phán thông qua các kênh ngoại giao và quân sự.

Căng thẳng này đã ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế và các vấn đề khác giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Ví dụ, New Delhi đã thắt chặt các hạn chế đối với khoản đầu tư từ Trung Quốc vào Ấn Độ.

Vài ngày sau khi hai nước đạt được hiệp ước biên giới mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc hội đàm chính thức đầu tiên sau 5 năm bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga và nhất trí tăng cường trao đổi và giải quyết xung đột để giúp cải thiện quan hệ.

Theo Reuters