1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trừng phạt Nga: Mỹ muốn kéo dài, EU dùng dằng

Trong khi Tổng thống Mỹ yêu cầu kéo dài lệnh trừng phạt Nga thêm 1 năm thì EU vẫn đang tranh cãi về việc mở rộng trừng phạt.

Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây đã đề cập đến khả năng gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga trong năm nay, nhưng trên thực tế, các lệnh trừng phạt đã được kéo dài tới ngày 6/3/2017 vì theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, chính sách của Moscow “tiếp tục là mối đe dọa đối với lợi ích an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao của Mỹ”.

Đại sứ Mỹ tại Nga John Tefft, trong một cuộc trò chuyện trực tuyến với người sử dụng Facebook, cũng cho biết: “Mục đích các lệnh trừng phạt của Mỹ là bảo vệ Crimea, gây sức ép lên Nga để chấm dứt sự chiếm đóng của Moscow và trả lại bán đảo này cho Ukraine”.

Tiêu hủy hoa quả, thực phẩm nhập lậu vào Nga.
Tiêu hủy hoa quả, thực phẩm nhập lậu vào Nga.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) chưa tìm được tiếng nói chung trong quan điểm về các lệnh cấm vận Nga. Một số quốc gia châu Âu đã nhất trí kéo dài các biện pháp trừng phạt đối với một số cá nhân người Nga mà theo họ đã gây nên khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Ở một số quốc gia khác, người ta hoài nghi rằng liệu việc gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế có mang lại ý nghĩa nào hay không?

Các quan chức Brussels và các chính trị gia châu Âu cho rằng việc thực hiện thỏa thuận Minsk sẽ giúp gỡ bỏ trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, một vài người trong số họ cũng nói rằng các biện pháp trừng phạt không chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế của Nga mà còn của cả EU, chính vì vậy cần phải giảm thiểu chúng.

Vụ trưởng Vụ Hội nhập châu Âu thuộc Viện châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Nga Olga Potemkin khi trả lời phỏng vấn Báo Độc lập đã nhận định rằng, Mỹ chắc chắn sẽ gây áp lực đối với châu Âu, nhưng cũng không nên phóng đại sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ.

Chuyên gia này nói: “Brussels cũng có quan điểm riêng của mình liên quan đến các biện pháp trừng phạt, bởi vậy, các áp lực của Washington không phải là lý do duy nhất khiến EU có thể không hủy lệnh cấm vận. Đã từ lâu có thông tin về việc một số nước phản đối. Tuy nhiên, quan điểm của Đức rõ ràng hơn so với các quốc gia tuyên bố chống lại trừng phạt nhưng lại nhất trí bỏ phiếu 'ủng hộ' khi nói đến việc kéo dài trừng phạt".

Tính đến nay cuộc chiến trừng phạt, cấm vận giữa Nga và phương Tây đã kéo dài gần 2 năm và nó khiến người dân Nga bị ảnh hưởng nặng nề.

Các số liệu thống kê của Nga mới đây cho biết cấm vận hàng hóa, thực phẩm khiến người tiêu dùng Nga phải mua đắt hơn, thiệt hại tới 400 tỷ rúp (khoảng 5,4 tỷ USD), trong khi chất lượng hàng hóa lại giảm.

Lệnh cấm vận và cấm vận đáp trả cũng đã không tạo ra lợi thế đặc biệt nào cho nông dân Nga, như sự "cam kết" của giới chức nước này, khi cho rằng cấm vận, cấm nhập khẩu hoa quả, thực phẩm sẽ tạo lợi thế cho hàng hóa trong nước phát triển.

Sự hỗ trợ phần nào mà người dân Nga nhận được, thực ra, đến từ chính sự mất giá của đồng rúp. Và như một kết quả tất yếu, giảm nhập khẩu đã dẫn đến thực tế là việc tiêu thụ các thực phẩm cơ bản giảm.

Giới chức Nga cho rằng lệnh cấm vận mà phương Tây và Mỹ áp đặt hồi tháng 8/2014 lại là nguyên cớ, tạo sức bật cần thiết để hỗ trợ nền sản xuất nông nghiệp trong nước.

Nhưng trên thực tế, hỗ trợ cho người nông dân không đến từ lệnh cấm vận, mà lại xuất phát từ việc đồng nội tệ mất giá gần 2 lần. Vào cuối năm 2015 sản xuất nông nghiệp tăng 3% so với năm 2014; sản xuất thực phẩm tăng 2%.

Trong bối cảnh sa sút của nền kinh tế Nga, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm còn 3,7% năm 2015, thì liệu có thể coi đây là bằng chứng về lợi ích của các lệnh cấm vận?

Giám đốc Viện Phân tích chiến lược Nga Igor Nikolaev cho rằng nếu chúng ta so sánh tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trước và sau cuộc chiến trừng phạt - cấm vận, chúng ta sẽ không nhận thấy có điểm gì tích cực, mà chỉ thấy một tông màu ảm đạm.

Hậu quả cơ bản của lệnh cấm vận chính là mức tăng giá lương thực. Tính bình quân giá lương thực, thực phẩm giai đoạn 2009-2013 so với giai đoạn 2014-2016 đã có sự khác biệt.

Thịt và gia cầm tăng giá 13% trong 3 năm qua, thay vì 8% giai đoạn 2009-2013; tương tự tỷ lệ cá và hải sản tăng 36% so với mức tăng 10%; sữa và các sản phẩm sữa - tăng 18% thay vì 16%. Riêng mặt hàng rau quả, mức tăng là 39%, trong khi mức tăng trong giai đoạn 2009-2013 là 41%.

Theo An Nhiên (Tổng hợp)

Đất Việt