1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trừng phạt mọi quốc gia mua S-400, Mỹ bất lực?

Chính sách quốc phòng của Nga đang tỏ ra hiệu quả hơn Mỹ, khi giá thành vũ khí và thiết bị quân sự Nga luôn thấp hơn Mỹ rất nhiều...

Mỹ tuyên bố trừng phạt bất cứ quốc gia nào muốn sở hữu S-400 của Nga

Sputnik ngày 23/8 đưa tin, trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho hay Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nếu mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.

"Chúng tôi chống lại tất các cả hành động của bất cứ đồng minh và đối tác nào của Mỹ nhằm có thể sở hữu hệ thống phòng thủ S-400 của Nga. Chúng tôi nói rõ rằng Mỹ có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt trên toàn thế giới."

Mỹ đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ khi quyết mua bằng được tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga. Và theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thì Washington bày tỏ lo ngại về khả năng tăng Nga sớm giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert

"Nếu điều này xảy ra thì nó sẽ làm phiền chúng tôi. Bởi đồng minh trong NATO, như Thổ Nhĩ Kỳ, sử dụng S-400, là mâu thuẫn với chính sách của chúng tôi", bà Heather Nauert nhấn mạnh.

Như vậy là Mỹ dường như không chấp nhận bỏ qua cho bất cứ đồng minh-đối tác nào mua S-400 của Nga và với những phản ứng trong thời gian qua thì dường như các đồng minh-đối tác có nhu cầu sở hữu S-400 cũng tỏ ra không "ngán" Mỹ.

Bởi ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, thì Ấn Độ - đối tác quan trọng của Mỹ tại Nam Á - cũng đã thoả thuận với Nga về việc mua bán S-400, nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin đến New Delhi hồi tháng 10/2016 và quá trình đàm phán đã vào giai đoạn cuối.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman thì hợp đồng chuyển giao S-400 sẽ được New Delhi và Moscow ký kết vào tháng 10/2018, bất chấp lời đe doạ của Washington, The Economic Times tường thuật.

Trong khi đó, Qatar và Ả-Rập Saudi đang mâu thuẫn chỉ vì cả hai đều muốn sở hữu S-400, khiến cho cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các đồng minh của Mỹ tại vùng Vịnh vốn đang bế tắc càng trở nên bế tắc hơn.

Hồi tháng 1/2018, Đại sứ Qatar tại Nga, Fahad Bin Mohamed Al-Attiyah, cho biết Qatar có kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, bởi theo Doha thì S-400 là hệ thống phòng thủ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, theo Le Monde.

Nhà ngoại giao Qatar cũng tiết lộ rằng đàm phán giữa Doha với Moscow đang trong "giai đoạn quyết định". Điều này khiến cho Riyadh sôi sục vì lo ngại việc Doha sở hữu S-400 sẽ gây nguy hiểm cho an ninh trong Vịnh Ba Tư.

Quốc vương Salman của Ả-Rập Saudi đã gửi thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đề nghị Paris tìm mọi cách giúp ngăn chặn Doha sở hữu S-400 để giữ gìn sự ổn định cho Vịnh Ba Tư và cả khu vực Trung Đông.


Hệ thống phòng thủ S-400 của Nga đắt như tôm tươi ngay cả khi chưa khai hoả trên chiến trường

Hệ thống phòng thủ S-400 của Nga đắt như tôm tươi ngay cả khi chưa khai hoả trên chiến trường

Tuy nhiên, đáng nói là chính Ả rập Saudi cũng mong muốn sớm được sở hữu S-400 mà Riyadh đã thoả thuận với Moscow nhân chuyến thăm của Quốc vương Salman đến Nga hồi tháng 10/2017.

Đại sứ Ả-Rập Saudi tại Nga Raid Ben Khalid Krimli đã xác nhận rằng hiện tại hai bên đang thảo luận về vấn đề “kỹ thuật”, sau khi các chuyên gia đưa ra quyết định, Nga và Ả-rập Saudi sẽ bước vào vòng đàm phán cuối cùng.

Như vậy, cả Riyadh và Doha đều mong muốn sớm sở hữu S-400 và Nga cho thấy không dừng lại việc đàm phán với đối tác nào, điều đó đồng nghĩa tương lai S-400 sẽ nằm trong kho vũ khí của Qatar và “liên minh trừng phạt”.

Rõ ràng, ngoài Trung Quốc, đồng minh và đối tác của Mỹ là những khách hàng đầu tiên và mong muốn sở hữu S-400 hơn cả. Và chính đồng minh-đối tác của Mỹ đã làm cho S-400 "đắt như tôm tươi" ngay từ khi nó chưa khai hoả trên chiến trường.

Cho đến lúc này, khát vọng của các đồng minh-đối tác được sở hữu S-400 của Nga đã làm lu mờ nỗi lo sợ trừng phạt của Mỹ. Điều này khiến Washington nổi giận nên tuyên bố sẽ trừng phạt cả thế giới nếu quốc gia nào cũng muốn sở hữu S-400.

Mỹ bất lực dọa trừng phạt cả thế giới vì S-400

Tham vọng sở hữu S-400 bị thách thức bởi Luật chống các đối thủ của Mỹ bằng những biện pháp trừng phạt (CAATSA), song các đồng minh-đối tác vẫn quyết có được S-400 cho thấy "cây gậy Mỹ" dường như mất công hiệu trong trường hợp này.

Còn nhớ ngày 17/3 vừa qua, một nhóm các nhà lập pháp Mỹ, đứng đầu là Thượng ​nghị sĩ Bob Menendez, đã gửi một bức thư cho Bộ Ngoại giao Mỹ nêu vấn đề Nga sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt mới nếu xuất khẩu S-400.

Theo nhóm của ông Menendez, căn cứ Luật chống các đối thủ của Mỹ bằng những biện pháp trừng phạt, bất kỳ thương vụ mua bán S-400 nào mà Nga và các đối tác thực hiện sẽ bị coi là gây ra hậu quả cho nước Mỹ, vi phạm CAATSA.

Đến nay S-400 đã được chuyển giao cho Trung Quốc và Nga cho biết sẽ chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019. Ấn Độ kỳ vọng cũng sẽ sớm nhận được S-400, còn Qatar và Ả-rập Saudi thì quyết "thua đủ" để có S-400 trước đối thủ.

Rõ ràng, các đồng minh-đối tác của Mỹ đã sẵn sàng vi phạm CAATSA, miễn là sớm có được S-400 của Nga trong kho vũ khí của mình. Điều này làm sao Washington không phẫn uất cho được.

Nhiều luồng dư luận cho rằng Mỹ có thể trừng phạt cả đối thủ lẫn đối tác-đồng minh để giải toả thì có gì phải phẫn uất? Tuy nhiên, nếu Washington áp đặt các biện pháp trừng với bất cứ quốc gia nào sở hữu S-400 của Nga, thì sẽ là "lợi bất cập hại".

Bởi hành động của Washington chỉ như một sự khẳng định S-400 của Nga quá lợi hại so với vũ khí Mỹ và như thế thì khác gì Washington có màn quảng cáo tuyệt vời cho S-400 giúp Moscow.

Nếu như vậy các hệ thống phòng thủ THAAD hay Aegis đang được Mỹ quảng bá sẽ trở nên mất sức hút với khách hàng. Đơn giản, nếu Washington trừng phạt tức là không dám cho sản phẩm của mình cạnh tranh với sản phẩm của Nga trên thị trường.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu để điều đó xảy ra sẽ là thảm hoạ với Mỹ, bởi nó có thể gây hiệu ứng bất lợi cho sức mạnh Mỹ từ bờ đông Đại Tây Dương đến Địa Trung Hải, từ Trung Đông đến Đông Bắc Á...

Đặc biệt, khi đó những đơn hàng đã gửi tới Mỹ sẽ có thể bị huỷ ngang - trong đó có đơn hàng kỷ lục 350 tỷ USD của Ả-rập Saudi - còn những đơn hàng mới sẽ ít đi, giá trị đơn hàng sẽ nhỏ đi - kiểu đặt hàng lấy lệ.


S-400 không những khiến THAAD lao đao

S-400 không những khiến THAAD lao đao

Bất lợi như vậy mà sao Washington không thay đổi lối hành xử với Moscow và các đồng minh-đối tác về những thương vụ S-400? Giới phân tích cho rằng đây chính là sự bế tắc của Washington, nên buộc lòng phải sử dụng biện pháp trừng phạt.

Bởi theo như nội dung một bức thư các nghị sĩ Mỹ gửi Uỷ ban Tình báo Hạ viện Mỹ, thì cho thấy Nga đang đàm phán về các hợp tác phòng thủ tiềm năng với nhiều quốc gia khác nhau, mà cung cấp S-400 cho đối tác chỉ là một trong các nội dung hợp tác.

Chẳng hạn, trong hợp tác Nga-Ấn Độ. Ngày 30/5, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry từng cho biết Mỹ rất quan ngại hợp tác quân sự Nga-Ấn sẽ làm phương hại tới các chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự Mỹ-Ấn.

Bởi trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 15/10/2016 của Tổng thống Putin, ngoài thoả thuận về mua bán hệ thống S-400, Moscow và New Delhi còn thoả thuận về việc Nga cung cấp 4 tàu khu trục hiện đại cho hải quân Ấn Độ.

Trong khi Thủ tướng Modi có tham vọng thúc đẩy ngành công nghiệp phòng của Ấn Độ với chính sách "Made in India”, thực hiện liên kết với công ty công nghiệp quốc phòng của nước ngoài để chuyển giao công nghệ.

Và khát vọng đó của New Delhi đã được Moscow đáp ứng, khi Tổng thống Putin đã tạo điều kiện cho sự ra đời một liên doanh Nga - Ấn, kỳ vọng sẽ sản xuất ít nhất 200 máy bay trực thăng Kamov 226T phục vụ cho nhu cầu của quân đội Ấn Độ.

Đây là một thách thức rất lớn với Mỹ, không chỉ là mất bạn hàng mà còn ảnh hưởng tới các chương trình hợp tác của Mỹ. Bởi chính sách quốc phòng của Nga đang tỏ ra hiệu quả hơn Mỹ, khi giá thành vũ khí và thiết bị quân sự luôn thấp hơn Mỹ rất nhiều.


Mà còn khiến cho chương trình hợp tác sản xuất F-35 chết yểu

Mà còn khiến cho chương trình hợp tác sản xuất F-35 chết yểu

Điều đó thể hiện rõ qua chương trình hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu F-35 giữa Mỹ với 9 đối tác khác tỏ ra quá tốn kém, đến mức Canada rút lui, Italy thì tính huỷ hợp đồng và chấp nhận bị phạt, buộc Lockheed Martin phải hứa giảm giá F-35.

Có thể thấy đây là mới là nguyên nhân chính khiến Washington tính trừng phạt cả thế giới nếu quốc gia nào cũng muốn sở hữu S-400. Rõ ràng, Washington dường như đã thực sự hoảng loạn trước Học thuyết quân sự mới của Nga dưới triều đại Putin.

Theo Ngọc Việt

Báo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm