1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung, Nhật thực sự muốn gì ở biển Hoa Đông?

Bế tắc ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang trôi dạt theo hướng bị đẩy tới một cuộc đối đầu quân sự. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos hồi tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã công khai so sánh mối quan hệ căng thẳng Trung- Nhật hiện tại với những gì từng xảy ra giữa Anh và Đức trước Thế chiến thứ nhất.

 Một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông giờ đây không phải là vấn đề có xảy ra hay không, mà là khi nào, nếu như các hành động khiêu khích vẫn tiếp diễn. Vì thế, hiểu được Trung Quốc và Nhật Bản thực sự muốn gì từ tranh chấp trên biển Hoa Đông là điều kiện tiên quyết cho bất cứ nỗ lực hiệu quả nào nhằm duy trì hòa bình trong khu vực.

Trung, Nhật thực sự muốn gì ở biển Hoa Đông?

Tàu tuần duyên Nhật Bản áp sát tàu hải giám Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters

Ông Tập Cận Bình muốn giữ “thể diện”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền lực trong lúc căng thẳng Trung - Nhật trên biển Hoa Đông bùng phát vào cuối năm 2012. Khi đó, phong trào bài Nhật và các cuộc nổi loạn tại Trung Quốc (sau khi Nhật quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư) đã trở thành thách thức chính trị đầu tiên với ông Tập. Để tháo ngòi giận giữ trong nước, ông đã chọn cách tiếp cận mạnh tay với Nhật Bản bằng việc triển khai các tàu trinh sát và hải giám tới vùng biển tranh chấp.

Tháng 11/2013, Trung Quốc thông báo Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ), bao trùm lên cả quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Hành động này càng thổi bùng thêm căng thẳng giữa hai quốc gia, mà sau đó còn bị “đổ thêm dầu” thêm bởi chuyến viếng thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Người ta có thể nói rằng ông Tập đang sử dụng tranh chấp quần đảo để củng cố quyền lực. Điều đó có thể đã đúng vào cuối năm 2012, bởi trong bối cảnh quyền lực chính trị đang được chuyển giao, ông không còn lựa chọn nào khác là phải cứng rắn. Tuy nhiên, lý lẽ đó nay không còn chính xác nữa, khi ông Tập Cận Bình đã củng cố thành công quyền lực trong đảng Cộng sản Trung Quốc (CPP). Lúc này, ông có thể đang suy tính về một giải pháp làm dịu căng thẳng Trung- Nhật để tập trung xử lý các xung đột sắc tộc nội địa tại Tân Cương cũng như mở rộng hơn cải cách kinh tế.

Điều ông Tập mong muốn ở biển Hoa Đông là một sự thừa nhận từ phía Nhật Bản, kể cả đó chỉ là thừa nhận “mồm mép”. Theo truyền thống “có đi có lại” của Trung Quốc, Nhật Bản đã tiến “một bước chân” bằng cách quốc hữu hóa ba hòn đảo tranh chấp, thì Trung Quốc, ít nhất cũng phải “đòi lại một bước” bằng cách buộc Nhật phải công nhận sự tồn tại của tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Cả hoạt động tuần tiễu hàng ngày lẫn việc tuyên bố ADIZ của Bắc Kinh đều chỉ nhằm đạt mục tiêu chừng mực đó.

Shinzo Abe tìm “những thay đổi”

Ông Abe nắm cương vị Thủ tướng sau “cuộc khủng hoảng quốc hữu hóa” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 12/2012. Do đó ông không phải là người chịu trách nhiệm gốc cho quan hệ căng thẳng Nhật - Trung. Tuy vậy, người đứng đầu nội các Nhật đã không làm gì để tiết giảm những căng thẳng đó. Thậm chí chuyến thăm đền Yasukuni hồi tháng 12 năm ngoái của ông còn đẩy quan hệ vốn đã mong manh giữa hai nước xuống mức thấp nhất.

Vậy Abe muốn gì từ căng thẳng này? Suy đoán logic đầu tiên là ông muốn duy trì quyền lực. Việc theo đuổi chính sách cánh hữu bằng cách “chọc giận” Trung Quốc có thể mở rộng uy tín của ông, ít nhất là ở trong nước. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Nhật nên biết rằng, sự ủng hộ ở nội địa thường dựa trên sức khỏe nền kinh tế Nhật nhiều hơn là chiến thuật "đập Trung Quốc" của ông. Việc hủy hoại các mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, không phải là một lựa chọn khôn ngoan với bất cứ chính trị gia Nhật nào đang tìm cách tái tranh cử Thủ tướng.

Ông Abe muốn bình thường hóa nước Nhật bằng cách sửa đổi Điều 9 Hiến pháp.

Ông Abe muốn "bình thường hóa" nước Nhật bằng cách sửa đổi Điều 9 Hiến pháp.

Mục tiêu tối thượng của ông Abe trong tranh chấp với Trung Quốc rõ ràng là nhằm thay đổi bản Hiến pháp hòa bình, vốn chối bỏ quyền dính líu vào chiến tranh của Nhật Bản. Là một nhà lãnh đạo theo đường lối bảo thủ mạnh mẽ, ông Abe nuôi dưỡng giấc mơ chính trị khôi phục trạng thái “bình thường” của nước Nhật bằng cách thay đổi bản hiến pháp được áp đặt bởi các nước thắng trận sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đầu tháng 1 năm nay, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã hủy bỏ cam kết “không bao giờ phát động chiến tranh” tại hội nghị thường niên của đảng ở Tokyo. Bản thân ông Abe cũng tuyên bố rằng đã đến lúc phải xem xét lại bản hiến pháp hòa bình.

Bước đi tiếp theo có thể dự đoán của ông sẽ là lựa chọn thời điểm phù hợp để loại bỏ Điều 9 Hiến pháp, mở đường cho Nhật được tự do tiến hành các hoạt động quân sự. Với ông Abe, một Nhật Bản “bình thường” có thể còn giá trị hơn cả một Nhật Bản “giàu có”, mặc dù sự bình thường này chắc chắn sẽ gợi nhớ hầu hết các nước châu Á về chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong quá khứ.

Tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư đã mang đến cơ hội tốt nhất để ông Abe tiến hành kế hoạch thay đổi cuộc chơi này. Ông có thể sử dụng sự khiêu khích từ Trung Quốc để minh chứng cho nhu cầu cấp bách phải xem xét lại Hiến pháp. Một mặt, vị Thủ tướng Nhật có thể chìa cây bài chủ quyền lãnh thổ để làm câm lặng những tiếng nói chỉ trích của phe đối lập trong nước. Mặt khác, ông đã sử dụng hiệp ước an ninh để kéo Mỹ vào các tranh chấp. Do vậy, không có lý do nào để ông Abe dịu giọng trong tranh chấp đảo, kể cả trong một sự nhượng bộ “mồm mép”. Trên thực tế, một khả năng chắc chắn xảy ra hơn là ông sẽ cố ý làm leo thang căng thẳng, bởi không có sự kích thích nào tốt hơn thế để hợp pháp hóa việc xem xét lại hiến pháp hòa bình.

Và vai trò của Mỹ

Nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Nhật đang lớn dần. Trung Quốc cần một giải pháp để giữ “thể diện”, trong khi Nhật lại không chịu nhượng bộ. Những ký ức lịch sử, chủ nghĩa dân tộc đang lớn mạnh và một cuộc đua tranh chiến lược dường như đã đẩy hai quốc gia tới bên bờ một cuộc xung đột tiềm tàng. Ngay cả khi những cái đầu lạnh ở Bắc Kinh cuối cùng đã nhận ra mục đích cuối cùng của ông Abe, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan là làm thế nào để tự tháo ngòi tranh chấp đảo.

Mỹ đã cam kết bảo vệ Nhật trước các cuộc tấn công, kể cả liên quan đến tranh chấp chủ quyền.

Mỹ đã cam kết bảo vệ Nhật trước các cuộc tấn công, kể cả liên quan đến tranh chấp chủ quyền.

Mỹ đã cử các quan chức cấp cao tới khu vực trong nỗ lực "dập lửa" ở cả Bắc Kinh lẫn Tokyo trong tháng 1 vừa qua. Tuy vậy, những nỗ lực này xem ra không thành công, sau khi Washington công khai cam kết bảo vệ Nhật trước các cuộc tấn công, kể cả những cuộc tấn công liên quan đến tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Cam kết này đã tạo cho Thủ tướng Shinzo Abe cái vỏ mà ông cần để thách thức Trung Quốc.

Nếu Mỹ muốn duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á, họ cần sử dụng quyền lực và sức ảnh hưởng để ngăn kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của ông Abe. Đặt điều này lên hàng đầu, Mỹ nên thuyết phục Nhật chấp nhận sự tồn tại của tranh chấp với Trung Quốc xung quanh Senkaku/Điếu Ngư. Sự nhượng bộ này sẽ không thay đổi được thực tế là Nhật Bản đang kiểm soát hiệu quả quần đảo, trong khi lại trao cho ông Tập cơ hội để giữ thể diện mà ông cần ở trong nước trước khi làm dịu căng thẳng với Nhật.

Theo Phan Long
Baotintuc.vn/The Diplomat