Trung - Mỹ: Tìm niềm tin từ những khác biệt
(Dân trí) - Chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc đang được đặc biệt theo dõi. Diễn tiến mới nhất giữa hai cường quốc lớn nhất hành tinh, cặp quan hệ chi phối thế giới trong thập kỷ tới, được cho là sẽ dẫn đến những thỏa hiệp liên quan đến lợi ích của khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Obama trong một cuộc gặp gỡ tại Seoul hồi năm ngoái.
“Có khác biệt và nhạy cảm”
Sự kiện ngày 19/1 Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đặt chân xuống Washington được xem là chuyến công du cấp nhà nước quan trọng nhất trong 30 năm qua. Ngay trước chuyến đi, ông Hồ Cẩm Đào thừa nhận giữa Trung Quốc và Mỹ “có những khác biệt và những vấn đề nhạy cảm”.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh dù năm 2009, các lãnh đạo hai bên đã cam kết tìm kiếm hợp tác, nhưng năm 2010 vẫn đầy ắp những thách thức, đối đầu nghiêm trọng như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, cọ sát kinh tế - thương mại, vấn đề Biển Đông, tỷ giá đồng Nhân dân tệ, quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên…
Trong 12 tháng qua, Trung Quốc-Mỹ đã không đạt được đồng thuận về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc; đưa ra những tuyên bố đầy nghi ngờ về khả năng và tham vọng quân sự của nhau. Trung Quốc lần đầu tiên đe doạ trừng phạt các công ty Mỹ tham gia bán vũ khí cho Đài Loan, tiến hành các cuộc tập trận hải quân quy mô phức tạp và lớn chưa từng thấy ở Tây Thái Bình Dương, công bố chế tạo và triển khai máy bay chiến đấu tàng hình mới… Phía Mỹ cũng không chịu “lép” với những cuộc tập trận chung với các nước lớn quanh Trung Quốc, khiến dư luận thậm chí lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Năm 2010, Trung Quốc đã phóng 15 vệ tinh, hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc đã trở thành đối thủ đối với hệ thống GPS của Mỹ và vượt xa chương trình Galileo đang gặp vô vàn khó khăn của châu Âu. Việc Trung Quốc công bố máy bay tiêm kích J-20 cho thấy rằng chương trình máy bay chiến đầu tàng hình của Trung Quốc đã tiến bộ hơn rất nhiều so với dự báo chung. Hải quân Trung Quốc đã xây dựng một hạm đội tàu ngầm hùng mạnh với các tàu ngầm thế hệ Jin mới có trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-2 và qua đó giúp tăng khả năng của lực lượng hạt nhân của Trung Quốc. Đây là những vấn đề khiến Mỹ đau đầu.
Dù vậy, lãnh đạo hai nước đã gặp gỡ tại nhiều diễn đàn đa phương, duy trì sự tiếp xúc và hợp tác trong lĩnh vực song phương rộng rãi và trên vấn đề quốc tế và khu vực.
Kỳ vọng không chỉ của hai bên
Bất chấp tất cả những khác biệt và bất đồng, phải nói là hai quốc gia đang nghiêm túc muốn cải thiện quan hệ cũng như hợp tác. Nhà Trắng đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào với nghi thức trang trọng nhất. Đó là một dấu hiệu rõ ràng rằng Washington đang rất muốn giải quyết những vấn đề sau một năm quan hệ song gió với Bắc Kinh. Lúc này, hơn bao giờ hết, Washington đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc giải quyết một loạt những vấn đề mang tầm thế giới từ cái mà Mỹ gọi là tham vọng hạt nhân của Iran cho đến hồi phục kinh tế toàn cầu, chống tình trạng Trái Đất nóng lên…
Chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào được kỳ vọng trước hết là sẽ tạo được bầu không khí thân hiện hơn sau một năm Washington và Bắc Kinh liên tục xảy ra bất đồng. Quan chức của cả hai bên cùng phát đi tín hiệu rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ cố gắng để năm 2010 đầy sóng gió lại phía sau và thể hiện mình là đối tác chứ không phải là đối thủ của nhau.
Nhiều chuyên gia và Cố vấn Chính phủ Mỹ đều quan tâm cao độ những ảnh hưởng do chuyến thăm này mang lại đối với quan hệ Mỹ-Trung. Họ cho rằng năm 2012 tổng tuyển cử ở Mỹ có thể khiến những nhân tố không ổn định trong quan hệ hai nước nhiều lên, còn năm 2011 sẽ là năm tương đối bình ổn, là năm then chốt tăng thêm hiểu biết, tăng cường tin cậy lẫn nhau. Đây sẽ là chuyến thăm mở đầu trong năm 2011 trong hành động ngoại giao quan trọng của Trung Quốc, nhà lãnh đạo hai nước có thể cùng quy hoạch bức tranh hợp tác tương lai.
Xem xét từ góc độ chính trị hiện thực, phía Trung Quốc cũng có ý nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị và an ninh giữa Trung Quốc và Mỹ nhằm làm dịu bớt sức ép chiến lược về mặt địa duyên mà Mỹ gây ra cho Trung Quốc. Trong bối cảnh Mỹ tăng cường trở lại châu Á và can dự ngày càng mạnh vào công việc của châu Á, việc này càng quan trọng.
Dù vậy, hai bên còn có những kỳ vọng khác nhau đặt vào động thái ngoại giao này: phía Mỹ là vấn đề định giá lại đồng Nhân dân tệ, cán cân thương mại, các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, Iran; Phía Trung Quốc là việc công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, dỡ bỏ cấm vận vũ khí công nghệ cao (được áp dụng từ năm 1989).
Trong bối cảnh thế giới đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế cũng như những mối đe dọa về an ninh và môi trường, chuyến thăm Mỹ của ông Hồ Cẩm Đào có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ông Obama từng nói ông tin rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ định hình thế kỷ 21.