1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trứng “bẩn” nhiễm thuốc trừ sâu lan rộng tới 11 nước châu Âu

Ngày 10/8, các nước Đan Mạch, Romania và Slovakia đều thông báo phát hiện số lượng lớn trứng nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu độc hại.

Như vậy, vụ bê bối trứng "bẩn" đã ảnh hưởng tới 11 quốc gia Liên minh châu Âu (EU), gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng.

Cơ quan Thực phẩm và thú y Đan Mạch thông báo có 20 tấn trứng nhiễm thuốc trừ sâu fipronil được bán tại thị trường nước này.


Hàng triệu quả trứng đã được loại khỏi các siêu thị ở châu Âu trong tuần qua. (Ảnh: RTE)

Hàng triệu quả trứng đã được loại khỏi các siêu thị ở châu Âu trong tuần qua. (Ảnh: RTE)

Số trứng đã được luộc và bóc vỏ sẵn này do một công ty của Bỉ cung cấp và phần lớn được bán tới các quán cafe và các công ty cung cấp thực phẩm, không bày bán rộng rãi tại các cửa hàng bán lẻ của Đan Mạch.

Tuy nhiên, cơ quan trên cũng trấn an người dân rằng số trứng này không đe dọa tới sức khỏe người dùng do kết quả kiểm tra tại Hà Lan cho thấy fipronil có trong trứng chỉ ở mức rất thấp.

Mặc dù vậy, do fipronil là hóa chất cấm trong thực phẩm, số trứng trên vẫn sẽ bị thu hồi. Cơ quan Thực phẩm và thú y Đan Mạch khẳng định đang theo dõi sát sao vụ việc.

Trong khi đó, Romania cho biết đã phát hiện 1 tấn lòng đỏ trứng sống có chứa fipronil tại một nhà kho ở miền Tây nước này. Cơ quan y tế thú y của Romania cho biết số lòng đỏ trứng này được nhập từ Đức nhưng chưa được phân phối ra thị trường. Các nhân viên giám sát của cơ quan trên đang giám sát chặt chẽ các nông trại gia cầm trên toàn quốc.

Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Slovakia cũng thông báo đã phát hiện một lô trứng luộc sẵn có chứa fipronil tại một nhà kho ở miền Tây. Bộ trên cho biết chính quyền Slovakia trước đó đã nhận được cảnh báo về các lô trứng "bẩn" được nhập khẩu vào nước này từ hệ thống cảnh báo khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU).

Với thế mạnh về chăn nuôi gia cầm, Hà Lan là một trong những nước xuất khẩu trứng lớn nhất thế giới. Riêng trong năm 2016, khoảng 1.000 trang trại của Hà Lan đã sản xuất hơn 10 tỷ quả trứng. Số trứng này có mặt trên thị trường nội địa và nhiều nước trong khu vực.

Bởi vậy, các chuyên gia lo ngại vụ bê bối trứng bẩn với thiệt hại lên tới hàng triệu euro này sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với ngành chăn nuôi gia cầm và các thị trường nông sản tại Châu Âu - vốn chỉ mới đang trên đà hồi phục sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt cúm gia cầm năm 2016.

Vụ bê bối về thực phẩm "bẩn" và thực phẩm giả đang là nỗi lo của người tiêu dùng châu Âu.

Để ngăn chặn tình trạng này, từ 6 năm qua, Cơ quan cảnh sát liên minh châu Âu (Europol) và Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) thường xuyên tiến hành các chiến dịch truy quét thực phẩm “bẩn”, thực phẩm giả và kém chất lượng.

Lực lượng chức năng đã tiến hành hàng trăm nghìn cuộc kiểm tra tại các cửa hàng, chợ, sân bay, cảng biển, các khu công nghiệp và thu giữ lượng thực phẩm giả có hại cho sức khỏe trị giá lên tới hàng trăm triệu euro, đồng thời thu giữ, tiêu hủy hàng chục tấn thực phẩm kém chất lượng.

Tuy nhiên, để ngăn chặn các vụ bê bối “trứng bẩn”, “thịt ngựa bẩn” đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành và lương tâm của người kinh doanh.

“Đây là thời điểm để phối hợp hành động một cách quyết đóan và minh bạch, không tham gia đổ lỗi”, ông (Daniel Rosario, quan chức phụ trách vấn đề thương mại của Uỷ ban châu Âu cho biết.

Theo ông: “Đây là những gì công dân châu Âu mong đợi từ chúng tôi và cũng là những gì chúng tôi sẽ làm. Trách nhiệm điều tra và thực hiện các biện pháp thích hợp đã được Ủy ban châu Âu tiến hành và sẽ thực hiện tất cả các biện pháp nhằm hỗ trợ cơ quan điều tra làm nhiệm vụ. Ủy ban cũng sẵn sàng cùng với các nước thành viên, thảo luận ở cấp độ chính trị nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm và tiếp tục nâng cao hiệu quả của hệ thống của EU”.

Cho tới nay, vụ bê bối trứng "bẩn" đã ảnh hưởng tới 11 quốc gia châu Âu, với hàng triệu quả trứng được thu hồi.

Fipronil được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để diệt bọ chét, rận, bọ chó, nhưng bị EU cấm sử dụng trong xử lý các loại động vật làm thực phẩm cho con người như gia cầm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu sử dụng với số lượng lớn, loại hóa chất này có thể "gây nguy hiểm nhẹ" cho thận, gan và tuyến giáp.

Vụ việc trên được cho là bắt nguồn từ Hà Lan sau khi một công ty của nước này là Chickfriend sử dụng fipronil tại các trang trại gia cầm để diệt bọ đỏ ký sinh trên gà.

Theo Vũ Anh Tuấn

VOV