1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung, Ấn đua nhau "ve vãn" các quốc đảo Thái Bình Dương

(Dân trí) - Hai đối thủ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng cường sự "ve vãn" các quốc đảo Thái Bình Dương trong tuần này khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi đều tới thăm Fiji sau khi kết thúc thượng đỉnh G20 tại Úc.

 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Cả ông Tập và ông Modi đều có các cuộc gặp thượng đỉnh "mini" trong chuyến dừng chân ở Fiji, gặp gỡ 12 lãnh đạo khu vực tham dự Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Thái Bình Dương trong bối cảnh họ tìm kiếm sự ủng hộ của một trong những khối bỏ phiếu lớn nhất tại Liên hợp quốc.
 
Bà Sandra Tarte, giám đốc chương trình các vấn đề quốc tế và chính trị tại Đại học Nam Thái Bình Dương ở thủ đô Suva của Fiji, cho rằng rõ ràng là Ấn Độ và Trung Quốc muốn xây dựng các mối quan hệ chiến lược với Thái Bình Dương.
 
"Rõ ràng là có một ý định nhằm tiến hành các cuộc gặp song phương và đó là lý do tại sao lãnh đạo nhiều quốc gia khác tới đây, nhưng nhìn từ quan điểm của Trung Quốc và Ấn Độ, khu vực có tầm quan trọng và trên thực tế có 12 lá phiếu tại Liên hợp quốc", bà Tarte nói.
 
"Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tầm quan trọng và mối liên quan chiến lược, về mặt kinh tế, chính trị cũng như an ninh", chuyên gia trên cho biết thêm.
 
Một chủ đề nhiều khả năng là trung tâm của các cuộc thảo luận sẽ là thay đổi khí hậu, lĩnh vực các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ hoan nghênh sự trợ giúp.
 
"Trung Quốc và Ấn Độ, họ không chỉ là các cường quốc kinh tế và chính trị toàn cầu, mà họ còn là những bên góp phần gây ra vấn đề thay đổi khí hậu, trong khi các quốc gia Thái Bình Dương là nạn nhân của thay đổi khí hậu".
 
"Trước đây, đã xảy ra thế bế tắc giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển về việc làm thế nào tiếp cận vấn đề này và liệu các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ có phải nhượng bộ hay không. Đối với các các quốc đảo nhỏ, họ không quan tâm tới việc ai sẽ nhượng bộ, miễn là có nhượng bộ", bà Tarte nói.

Giai đoạn thuận lợi cho Fiji và Vanuatu

Thủ tướng Modi đến Fiji vào hôm nay 19/11 trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày, và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới đây vào thứ Bảy. Các nước sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Thái Bình Dương cùng với Fiji gồm có Samoa, Tonga, Quần đảo Cook, Niue, Nauru, Vanuatu và Liên bang Micronesia.

Ngoại trưởng Vanuatu Sato Kilman, người sẽ gặp ông Modi trước khi Thủ tướng Vanuatu Joe Natuman tới Suva gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, đã nhìn thấy lợi ích của tất cả các bên liên quan.

“Đây là một giai đoạn thuận lợi không chỉ cho Fiji và Vanuatu mà còn cho tất cả mọi người, những ai quan tâm tới sự phát triển kinh tế và đời sống”, ông Kilman nói với tờ Fiji Sun.

Mặc dù có nhiều người Ấn Độ sinh sống tại Fiji nhưng ông Modi sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên từ New Delhi đến thăm kể từ Thủ tướng Indira Gandhi vào năm 1981 và cũng là người đầu tiên có tiếp xúc rộng rãi với một loạt các lãnh đạo khu vực.

Nhưng bà Tarte nhận thấy rằng Ấn Độ sẽ không mở rộng sự hiện diện tại Nam Thái Bình Dương giống quy mô như Trung Quốc.

“Ấn Độ không có tầm với ngoại giao như Trung Quốc. Mối quan hệ kinh tế của nước này cũng không rộng và phát triển như Trung Quốc”.

“Trung Quốc đã có lịch sử lâu dài các mối quan hệ kinh tế và Trung Quốc thuộc Thái Bình Dương trong khi Ấn Độ thuộc tiểu lục địa Ấn Độ, trong Ấn Độ Dương, nên không có cùng mối liên kết”, bà Tarte nhận định.

Viện Lowy, một tổ chức nghiên cứu chính sách tại Sydney, ước tính rằng trong khoảng thời gian 2005-2011, Trung Quốc đã chi 600 triệu USD trong các khoản “vay mềm” cho các quốc gia Thái Bình Dương như Tonga, Samoa và Fiji.

Fiji, với dân số 900.000 người, hiện là quốc đảo Nam Thái Bình Dương đông dân nhất và có nền kinh tế mạnh nhất khu vực. Fiji được xem là một trung tâm ngoại giao và kinh tế của khu vực.

An Bình
Theo AFP