1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên thừa nhận thiếu lương thực trầm trọng, nguy cơ đối mặt nạn đói

Thành Đạt

(Dân trí) - Triều Tiên thừa nhận nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực tồi tệ nhất trong hơn một thập niên.

Triều Tiên thừa nhận thiếu lương thực trầm trọng, nguy cơ đối mặt nạn đói - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm nông trại ở Triều Tiên (Ảnh: KCNA).

Theo Bloomberg, trong báo cáo Đánh giá Quốc gia Tự nguyện về các Mục tiêu Phát triển Bền vững gửi Liên Hợp Quốc, Triều Tiên cho biết sản lượng lương thực tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất vào năm 2018 do "thiên tai và khả năng chống chịu kém, thiếu nguyên vật liệu canh tác và mức độ cơ giới hóa thấp".

Phái bộ của Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc đã thông báo về báo cáo của Triều Tiên hôm 13/7 và đây dường như là lần đầu tiên Triều Tiên công khai báo cáo này.

Triều Tiên cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn hiện tại của nước này là do các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

"Những trở ngại chính đối với nỗ lực của chính phủ Triều Tiên nhằm giúp đất nước đạt được sự phát triển bền vững bao gồm các biện pháp trừng phạt và phong tỏa liên tục đối với Triều Tiên", báo cáo cho biết.

Các lệnh trừng phạt quốc tế khiến hoạt động thương mại của Triều Tiên với các quốc gia khác trở nên vô cùng hạn chế, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của Triều Tiên.

Trước đó, trong cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 6, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa nhận "tình hình lương thực của người dân đang trở nên căng thẳng khi ngành nông nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản xuất ngũ cốc vì thiệt hại do bão vào năm ngoái".

Bão Hagupit đổ bộ vào Triều Tiên hồi đầu tháng 8/2020 là một trong số ít cơn bão được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố báo cáo thiệt hại chi tiết. Cơn bão đã phá hủy 40.000 ha đất trồng trọt và 16.680 ngôi nhà tại Triều Tiên.

Một trong những dấu hiệu rõ nhất cho thấy tình hình lương thực "đáng lo ngại" ở Triều Tiên là giá các loại thực phẩm cơ bản đều tăng vọt.

Tình hình lương thực ở Triều Tiên được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nước này chưa có dấu hiệu nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, vốn được áp dụng để ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Biên giới bị đóng cửa cũng khiến Triều Tiên gặp khó khăn trong việc nhận viện trợ lương thực - hoạt động vốn không bị áp lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng thẳng thừng từ chối đề nghị viện trợ của Mỹ.

Nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên là Trung Quốc, nhưng xuất khẩu lương thực của nước này sang Triều Tiên đã giảm 80% kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.

Tổ chức Nông Lương (FAO) ước tính Triều Tiên thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực trong năm nay. Trong khi đó, một tổ chức tư vấn ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết Triều Tiên có thể thiếu khoảng 1,3 triệu tấn lương thực.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, khoảng 40% dân số Triều Tiên bị thiếu lương thực, thêm vào đó là tình trạng "mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng đang phổ biến". Trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng xuất hiện với ngoại hình sụt cân rõ rệt.

Nền kinh tế Triều Tiên được dự đoán sẽ khó tăng trưởng trong năm nay, sau đợt suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên khi nước này tiếp tục vật lộn với đại dịch Covid-19, các lệnh trừng phạt và tình trạng gián đoạn thương mại với Trung Quốc.

Ông Kim Jong-un đã từ chối lời kêu gọi từ Mỹ về việc nối lại các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân, mặc dù điều này có thể giúp giảm bớt các lệnh trừng phạt vốn bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook phát biểu trước Quốc hội vào tháng trước rằng, Triều Tiên dường như tập trung vào giải quyết các vấn đề nội bộ, thay vì làm gia tăng căng thẳng khu vực thông qua các động thái quân sự khiêu khích.