Triều Tiên thách thức dư luận quốc tế bằng vụ thử hạt nhân
(Dân trí) - Triều Tiên hôm nay đã tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước tới nay và tuyên bố đây là bước ngoặt về công nghệ với thiết bị được “thu nhỏ”, thách thức các cường quốc thế giới, trong đó có cả “người bảo trợ” duy nhất của nước này-Trung Quốc.
Tuyên bố về việc thu nhỏ thiết bị hạt nhân của Triều Tiên chắc chắn sẽ là mối lo ngại đặc biệt đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy nước này đang tiến được một bước gần hơn tới đích phát triển được một đầu đạn hạt nhân gắn lên tên lửa đạn đạo.
Xác nhận của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA được đưa ra gần 3 giờ sau khi các nhà theo dõi địa chấn phát hiện một rung chấn bất thường vào 2h57 GMT ở khu vực bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên, giáp giới Trung Quốc.
Giới phân tích cho biết thời gian tiến hành vụ thử có vẻ như được Triều Tiên tính toán kỹ lưỡng nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế. Nó được tiến hành ngay trước khi Tổng thống Mỹ Obama có bài phát biểu liên bang bắt đầu nhiệm kỳ hai.
Ông Obama đã lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là “hành động khiêu khích cao độ” và là mối đe dọa đối với an ninh của nước Mỹ, khu vực cũng như quốc tế. Ông kêu gọi quốc tế cần phải có phản ứng “nhanh” và “thiết thực”, trong khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã sẵn sàng nhóm họp.
Một loạt các nước khác trong đó có Nga lên án vụ thử, trong khi Nhật coi vụ thử là “mối đe dọa lớn” đối với an ninh của chính nước này.
Đây là vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên nắm quyền kế nhiệm cha, cố lãnh đạo Kim Jong-il. Giới phân tích an ninh cho rằng vụ thử mang ý nghĩa lớn lao, nhất là sau vụ phóng tên lửa thành công vào tháng 12 năm ngoái.
”Vụ phóng (tên lửa) và vụ thử hạt nhân là bằng chứng rõ ràng cho thấy ông Kim và chính quyền của ông không có ý định đàm phán từ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong nay mai”, Paul Carroll, giám đốc dự án tại Quỹ Ploughshares có trụ sở tại Mỹ cho hay.
Hai vụ thử trước của Triều Tiên, năm 2006 và 2009 đã khiến Liên hợp quốc áp đặt một loạt lệnh trừng phạt và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt mới khi nhóm họp vào sáng ngày thứ ba ở New York.
Hiện Trung Quốc chưa có phản ứng gì về vụ việc song một nhà ngoại giao Liên hợp quốc cho biết Bắc Kinh đã tỏ rõ không hài lòng với Triều Tiên về vụ thử.
“Người Trung Quốc đã ra cảnh báo mạnh mẽ đối với Triều Tiên khi có dấu hiệu vụ thử sắp diễn ra”, nhà ngoại giao giấu tên cho biết và ông cho rằng vụ thử là “một thách thức lớn đối với người Trung Quốc”.
Về mặt kỹ thuật, cùng với khía cạnh thu nhỏ thiết bị hạt nhân, giới chuyên gia đang nóng lòng muốn biết liệu Triều Tiên có phải đã chuyển pluton sang một chương trình hạt nhân tự cấp và mới, sử dụng urani hay không.
Tuyên bố của KCNA không nói rõ loại nguyên liệu tách được sử dụng song nhấn mạnh thành công của vụ thử đã tạo cho Triều Tiên khả năng hạt nhân “đa dạng”.
Triều Tiên có một lượng khá lớn trữ lượng quặng urani và Triều Tiên dễ dàng che giấu việc làm giàu urani hơn, bởi urani có thể được làm giàu bằng các máy ly tâm, chứ không cần lò phản ứng giống như làm giàu pluton.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vụ nổ ngày hôm nay tạo ra 6- 7 kiloton, lớn hơn rất nhiều so với hai vụ thử hạt nhân sử dụng pluton năm 2006 và 2009. Vụ thả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới do Mỹ thực hiện đối với thành phố Hiroshima năm 1945 tương đương với 15 kiloton. Vụ thử đầu tiên của Triều Tiên sản sinh ra chỉ chưa đầy 1kiloton và được xem là thất bại, trong khi theo Hàn Quốc vụ thử thứ hai sản sinh ra từ 2-6 kiloton.
Vụ thử thứ ba này đặt ra thách thức lớn về ngoại giao và an ninh đối với ông Obama cũng như lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình.
Paik Hak-Soon, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Sejong tại Seoul, cho rằng ông Kim Jong-un định gây ra một cuộc khủng hoảng mà từ đó buộc cộng đồng quốc tế phải thỏa hiệp theo những điều khoản của ông.
“Liên hợp quốc hiện đang hết lựa chọn và có thể biết các lệnh trừng phạt mới sẽ chỉ có rất ít tác dụng”, ông Paik đánh giá. “Lựa chọn thực sự duy nhất để khống chế khiêu khích thêm là bắt đầu đàm phán với Triều Tiên, nhưng điều đó sẽ vô cùng khó khăn, do áp lực chính trị nội địa đối với giới lãnh đạo ở Mỹ, Hàn, Nhật”, ông Paik khẳng định.
Khi đã làm giàu được urani, khả năng thu nhỏ được đầu đạn sẽ củng cố thêm cho Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa hồi tháng 12, vụ thử đánh dấu bước tiến lớn trong con đường chinh phục sức mạnh đạn đạo của nước này.
Tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Mỹ và các đồng minh sẽ hối thúc Trung Quốc cứng rắn hơn với đồng minh khó nắm bắt của họ. Nhưng giới phân tích cho rằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc chỉ có hạn do nước này lo ngại một Triều Tiên có thể bị sụp đổ và viễn cảnh tái thống nhất liên Triều sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới biên giới nước này.
Phan Anh
Theo AFP