Triều Tiên “đóng băng” tài sản doanh nghiệp Hàn Quốc
(Dân trí) - Triều Tiên ngày 11/2 đã tuyên bố sẽ trục xuất mọi công dân Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung Kaesong, đồng thời đóng băng mọi tài sản, máy móc, nguyên vật liệu của doanh nghiệp Hàn Quốc, sau khi Seoul tuyên bố đóng cửa cơ sở này.
Theo tờ Telegraph, từ sáng sớm thứ Năm, những xe tải chở theo nhiều đồ đạc cùng ô tô cá nhân đã xếp hàng đông trước chốt kiểm soát tại phía biên giới Hàn Quốc. Tới đầu giờ chiều, các xe trở về với đầy hàng hóa tồn kho, thiết bị và giấy tờ của 124 công ty hoạt động tại khu công nghiệp này.
Các doanh nghiệp ban đầu tới đây với mong muốn tranh thủ nguồn nhân công giá rẻ và ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, giờ họ buộc phải bỏ lại các cơ sở sản xuất của mình.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết ưu tiên lúc này là đảm bảo công dân nước mình có thể rời Kaesong an toàn.
“Trong sáng thứ Năm, những người Hàn Quốc đang ở đó có thể vào và ra khỏi khu công nghiệp một cách dễ dàng”, một người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết. “Chính phủ đang tìm cách đưa người Hàn Quốc ra khỏi đó càng sớm càng tốt”.
Quyết định đóng cửa Kaesong là vũ khí ngoại giao mạnh nhất của Seoul, với mục tiêu gây tổn thương lớn về kinh tế cho Bình Nhưỡng. Triều Tiên trước đây cũng từng đóng cửa cơ sở này để phản đối các chính sách của Hàn Quốc.
Phát biểu từ New York hôm thứ Tư, ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần phải áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất chống lại Triều Tiên, sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa vừa qua.
“Các biện pháp mạnh và toàn diện Hội đồng Bảo an cần đưa ra nên có sự khác biệt rõ ràng so với phản ứng trước 3 vụ thử hạt nhân trước đây”, ông Yun nói. “Tương tự như việc hành động sai trái liên tiếp phải bị trừng phạt nặng hơn, những sự vi phạm mang tính thường xuyên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an phải trả những cái giá rất cao”.
“Hành động tuyên chiến”
Về phần mình, Triều Tiên ngày 11/2 tuyên bố việc Hàn Quốc rút toàn bộ công dân khỏi Kaesong là “hành động tuyên chiến”.
Triều Tiên cũng tuyên bố khu công nghiệp này là vùng kiểm soát quân sự, và sẽ cắt đứt hai đường dây nóng liên lạc liên Triều, hãng thông tấn KCNA đưa tin.
“Không thể tha thứ được đó là hành động đình chỉ hoàn toàn hoạt động tại Kaesong của những con rối, đổ lỗi cho các vụ thử bom nhiệt hạch và phóng vệ tinh của Triều Tiên”, Ủy ban Tái thống nhất Hòa bình Triều Tiên tuyên bố, với ám chỉ Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng đề ra thời hạn cuối là 17 giờ (giờ Bình Nhưỡng) ngày 11/2 để mọi công dân Hàn Quốc rời khỏi Kaesong.
Triều Tiên “sẽ phong tỏa hoàn toàn mọi tài sản, bao gồm thiết bị, nguyên vật liệu và sản phẩm”, của các công ty Hàn Quốc, thông báo của Ủy ban trên khẳng định.
Doanh thu từ Kaesong – khoảng 110 triệu USD tiền lương và phí trong năm 2015 – được xem như đáng để Bình Nhưỡng mạo hiểm việc để công nhân tiếp xúc với những ảnh hưởng từ người láng giềng giàu có.
Dù những năm gần đây người Triều Tiên đã tăng tiếp cận với các ấn phẩm truyền thông lậu từ Hàn Quốc và Trung Quốc, Bình Nhưỡng vẫn thận trọng khi tuyển lựa công nhân làm việc tại Kaesong. Mục đích là để đảm bảo họ tiếp xúc ở mức tối thiểu với các quản lý người Hàn Quốc.
“Những công nhân Triều Tiên đó được trang bị rất kỹ lưỡng về mặt tư tưởng”, Koo Ja-ick, một người từng làm việc 4 năm tại một công ty may mặc ở Kaesong cho biết. “Họ không bao giờ hành động một mình. Họ luôn làm việc và đi lại theo nhóm hai người, ngay cả những người cấp quản lý cũng vậy. Họ không bao giờ một mình vào nhà vệ sinh, luôn luôn đi theo nhóm”.
Mức lương trung bình mỗi công nhân Triều Tiên tại Kaesong nhận được tương đương 160 USD/tháng, và được trả qua một công ty quản lý của nhà nước. Các công nhân nhận được khoảng 20% số lương dưới dạng phiếu mua hàng và tiền Triều Tiên, Cho Bong-hyun, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Triều Tiên tại ngân hàng công nghiệp Hàn Quốc (IBK) cho biết.
Trong ngày thứ Năm, cổ phiếu của một số công ty lớn tại Kaesong đã lao dốc mạnh, với mức giảm có thể lên tới 10% hoặc cao hơn. Cổ phiếu của các công ty quốc phòng lại được hưởng lợi.
Thanh Tùng
Theo AFP, Telegraph