Triều Tiên: Chiến sự ở Ukraine trở thành "nghĩa địa" của vũ khí phương Tây
(Dân trí) - Triều Tiên bình luận sau khi quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự trị giá hơn 60 tỷ USD cho Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên phụ trách các vấn đề về Nga Im Chon Il ngày 24/4 cho biết chiến trường ở Ukraine từ lâu đã trở thành "nghĩa địa" của nhiều loại vũ khí được Mỹ và NATO quảng bá.
"Chiến trường Ukraine từ lâu đã trở thành nghĩa địa của nhiều loại vũ khí được Mỹ và NATO ca ngợi", quan chức này cho biết trong một tuyên bố được hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đăng tải.
Thứ trưởng Triều Tiên cho rằng dự luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine được Hạ viện Mỹ thông qua hồi tuần trước chỉ có thể giúp Ukraine "phấn chấn trong giây lát trước nỗi lo ngại do thất thế trên chiến trường".
Trong diễn biến mới nhất, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật nói trên. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ ký thành luật và khởi động quá trình nối lại viện trợ cho Ukraine sau nhiều tháng gián đoạn.
Theo quan chức Triều Tiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như làm theo sự chỉ đạo của phương Tây và không hiểu rõ về đối thủ của mình (ám chỉ Nga).
Quan chức này cho rằng, bất cứ gói viện trợ nào của Mỹ cho Ukraine không thể ngăn chặn được đà tiến của lực lượng Nga trên tiền tuyến.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 23/4 cho biết phần lớn số tiền viện trợ hơn 60 tỷ USD Mỹ dành cho Ukraine sẽ tài trợ cho ngành công nghiệp quân sự của phía Washington.
"Washington dự định phân bổ gần 61 tỷ USD cho chính quyền Kiev để ngăn chặn sự sụp đổ của lực lượng vũ trang Ukraine. Phần lớn số tiền phân bổ sẽ tài trợ cho ngành công nghiệp quân sự của Mỹ. Chính quyền Mỹ tuyên bố rằng người Ukraine sẽ thiệt mạng vì lợi ích của Washington trong chiến đấu chống lại Nga", ông Shoigu cáo buộc.
Ông Shoigu cũng cho rằng: "Các quân nhân Nga đã xóa tan huyền thoại về tính ưu việt của vũ khí phương Tây", khi nhắc tới cuộc phản công của Ukraine được NATO hỗ trợ nhưng bất thành vào hồi năm ngoái.
"Chúng tôi sẽ tăng cường cường độ tấn công vào các trung tâm hậu cần và kho chứa vũ khí của phương Tây", Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Giới chức Nga nhiều lần chỉ trích phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng hành động này chỉ khiến xung đột kéo dài và gây thêm đau khổ cho người dân Ukraine. Moscow cũng cảnh báo, bất cứ vũ khí bên ngoài nào đưa vào Ukraine đều trở thành mục tiêu phá hủy chính đáng của Nga.
Hồi đầu tháng, Politico dẫn lời các quan chức quân sự Ukraine ẩn danh cho biết, có một xu hướng "đáng tiếc" là vũ khí phương Tây gửi cho Kiev quá chậm đến mức chúng trở nên không còn phù hợp với tình hình chiến trường. Điều này khiến nhiều vũ khí dù hiện đại nhưng không tác chiến như kỳ vọng.
Trong khi các đồng minh phương Tây của Ukraine đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và thiết bị, một số hệ thống tiên tiến hơn mà họ đã cam kết, ví dụ như máy bay chiến đấu F-16, vẫn chậm tiến độ và vẫn chưa ra được chiến trường.
Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, Nga thường sẽ tìm ra chiến thuật nhằm "bắt bài" các loại vũ khí mới của phương Tây khi chúng xuất hiện, nguồn tin cho biết.