Triều Tiên chỉ trích Mỹ “hai mặt” trong chương trình phát triển vệ tinh
(Dân trí) - Triều Tiên cho rằng việc Washington tìm cách gây sức ép lên chương trình phát triển vệ tinh của Bình Nhưỡng là hành vi tiêu chuẩn kép phi lý vì chính Mỹ là nước phóng vệ tinh nhiều nhất trên thế giới.
Theo AP, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In Ryong hôm nay 18/10 đã tham dự một phiên họp của ủy ban thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với chủ đề “Hợp tác quốc tế về việc sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ”. Tại phiên họp, ông Kim đã thông báo kế hoạch 5 năm của Triều Tiên, giai đoạn từ 2016-2020, nhằm “phát triển các vệ tinh ứng dụng góp phần phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân”.
Trong bài phát biểu trước ủy ban, Phó Đại sứ Triều Tiên đã viện dẫn hiệp ước về không gian vũ trụ của Liên Hợp Quốc để giải thích cho chương trình phát triển vệ tinh của Bình Nhưỡng. Theo ông Kim, hiệp ước đã nêu rõ rằng “không gian vũ trụ là tài sản chung của nhân loại và tất cả các nước có thể phát triển công nghệ ở không gian vũ trụ mà không bị phân biệt đối xử”.
Phó Đại sứ Kim In Ryong cho rằng không có bất kỳ chi tiết nào trong hiệp ước của Liên Hợp Quốc gọi các vụ phóng vệ tinh như Triều Tiên đang thực hiện là nguy cơ tiềm tàng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Theo ông Kim, việc Mỹ tìm cách gây sức ép lên chương trình phát triển vệ tinh của Bình Nhưỡng là “đạo đức giả” vì chính Washington cũng đang phóng những vệ tinh như vậy.
“Mỹ là nước phóng nhiều vệ tinh nhất, nhưng chính Mỹ lại cho rằng các vụ phóng vệ tinh của chúng tôi là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Đây là những lời cáo buộc phi lý và là tiêu chuẩn kép cực đoan (của Mỹ)”, nhà ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh.
Phó Đại sứ Kim cáo buộc Mỹ tìm cách ngăn chặn nỗ lực phát triển vệ tinh hòa bình với mục đích phát triển kinh tế của Triều Tiên, đồng thời “điên cuồng phi hợp pháp hóa chương trình phát triển không gian vũ trụ” mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi. Theo ông Kim, là quốc gia thành viên của một số hiệp ước về không gian vũ trụ, các hoạt động phát triển không gian của Triều Tiên đều dựa trên “nền tảng pháp luật trên tất cả các phương diện”.
Cho đến nay Liên Hợp Quốc, Mỹ và một số quốc gia khác vẫn xem các vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên là “vỏ bọc” cho các vụ thử nghiệm công nghệ tên lửa, đặc biệt là tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Phó Đại sứ Kim tuyên bố quyền của Triều Tiên trong việc chế tạo và phóng vệ tinh nhân tạo sẽ không thay đổi chỉ vì những lời cáo buộc của Mỹ.
Thành Đạt
Tổng hợp