Triều Tiên bị "tố" vẫn âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân
(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây tuyên bố Triều Tiên đã dừng phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng những bằng chứng được hé lộ cho thấy một sự thật hoàn toàn khác về chương trình ngầm của Bình Nhưỡng.
Những hình ảnh vệ tinh được công bố và thông tin do tình báo Mỹ tiết lộ cho thấy Triều Tiên đã chế tạo các tên lửa và đầu đạn hạt nhân với tốc độ nhanh chưa từng có trong suốt một năm kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố dừng các vụ thử vũ khí và dự cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái.
Theo các chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân, Triều Tiên dường như đã bổ sung thêm vài tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào kho vũ khí của nước này. Thậm chí Bình Nhưỡng được cho là sở hữu đủ nguyên liệu phân hạch để chế tạo thêm hàng loạt bom hạt nhân.
"Không có dấu hiệu nào cho thấy các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ phát triển chậm lại hay tạm dừng. Thay vào đó, chúng còn đạt đến một cấp độ mới", Melissa Hanham, chuyên gia trong lĩnh vực sử dụng hình ảnh vệ tinh và các dữ liệu công khai để phân tích hiện tượng phổ biến vũ khí, nhận định.
Các báo cáo gần đây cho thấy Triều Tiên tiếp tục vận hành hai cơ sở được cho là làm giàu uranium, trong đó một cơ sở nằm gần trung tâm hạt nhân Yongbyon được xây dựng từ lâu tại nước này và một nơi được cho là cơ sở máy ly tâm.
Tháng 7/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thừa nhận trong bản tường trình trước Thượng viện rằng Triều Tiên vẫn đang sản xuất nguyên liệu phân hạch.
Các báo cáo khác tiết lộ Triều Tiên đã tăng cường kho vũ khí của nước này trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều và hiện vẫn vận hành một nhà máy được cho là chế tạo các tên lửa ICBM đầu tiên của Bình Nhưỡng với khả năng tấn công lục địa Mỹ.
Cũng theo các thông tin trên, Triều Tiên gần đây đã mở rộng một nhà máy được cho là nơi chế tạo các động cơ cho tên lửa mới, sử dụng nhiên liệu rắn và dễ che giấu, đồng thời phát triển một căn cứ ngầm dành cho các tên lửa tầm xa.
Theo Bloomberg, mặc dù Tổng thống Trump đã ca ngợi quyết định của nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi dừng các vụ thử vũ khí và dỡ bỏ một số cơ sở thử nghiệm vũ khí nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh tại Tây Thái Bình Dương, song những động thái này cũng không thể ngăn Triều Tiên ngầm phát triển những vũ khí mới có khả năng đe dọa Mỹ.
Chiến lược của Triều Tiên
Hình ảnh vệ tinh cho thấy cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên vẫn đang hoạt động bình thường bất chấp cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng (Ảnh: CNES)
Cho đến nay, nhiều người vẫn hoài nghi về các cam kết phi hạt nhân hóa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bao gồm lời khẳng định của ông trong thông điệp năm mới rằng trong năm 2018, Triều Tiên "không còn chế tạo, thử nghiệm vũ khí hạt nhân, và cũng không sử dụng hay phổ biến chúng".
Một năm trước, ông Kim Jong-un đã chỉ đạo sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo sau khi dừng các vụ thử vũ khí. Trước đó, Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa ICBM có tầm bắn tới Mỹ và đây là vụ phóng cuối cùng trong số hơn 40 vụ phóng do Bình Nhưỡng tiến hành trong vòng 24 tháng.
Các chuyên gia về chống phổ biến vũ khí hạt nhân cho rằng chiến lược của ông Kim Jong-un là âm thầm củng cố kho vũ khí của Triều Tiên trong khi xây dựng bầu không khí ngoại giao cần thiết để Bình Nhưỡng có thể né tránh các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.
Các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với chính quyền Trump trong những tháng vừa qua đã tạo cho ông Kim Jong-un không gian để hoàn thiện các công nghệ cần thiết trước khi đủ khả năng tấn công Mỹ. Giới phân tích nhận định sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Triều Tiên sở hữu công nghệ dẫn đường và hồi quyển cho tên lửa.
"Tôi chưa thấy một nước nào từng chế tạo được ICBM mà gặp khó khăn trong việc chế tạo thiết bị hồi quyển", Jeffrey Lewis, chuyên gia về phổ biến vũ khí tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California, cho biết.
Ông Lewis và các đồng nghiệp đã công bố một số báo cáo cho thấy Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển vũ khí trong năm 2018, đồng thời xác định một cơ sở được cho là nơi làm giàu uranium ngầm ở phía bắc Triều Tiên và một căn cứ tên lửa mở rộng gần biên giới với Trung Quốc.
Triều Tiên tháo dỡ và đánh sập bãi thử hạt nhân Punggye-ri ngày 24/5/2018. (Ảnh: Reuters)
Dựa trên hình ảnh vệ tinh do 38 North, trang mạng chuyên phân tích về Triều Tiên, công bố ngày 9/1, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon, nơi ông Kim Jong-un tuyên bố sẽ dỡ bỏ để đổi lấy sự nhượng bộ của Mỹ, thực chất vẫn đang hoạt động, thậm chí được vận hành tốt.
Các điều tra viên cho rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã bước sang giai đoạn có thể tự phát triển mà không cần tiến hành các vụ thử. Điều này khiến việc giám sát trở nên khó khăn hơn.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng nhấn mạnh sự lo ngại về việc giám sát chương trình hạt nhân của Triều Tiên. IAEA thừa nhận thông tin về chương trình này rất hạn chế và ngày càng ít đi.
"Họ không cần thử ICBM nữa vì đã hài lòng với vũ khí này rồi. Thay vào đó, họ đang đi theo chỉ đạo của ông Kim Jong-un, đó là sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân cũng như số tên lửa cần thiết để vận chuyển các đầu đạn đó", chuyên gia Hanham nhận định.
Hiện Triều Tiên có chính xác bao nhiêu đầu đạn hạt nhân vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí năm ngoái ước tính Bình Nhưỡng sở hữu ít nhất 15 quả bom hạt nhân và đã có đủ nguyên liệu phân hạch để sản xuất thêm 6-7 quả/năm. Tính đến năm 2020, số đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có thể nằm trong khoảng từ 20-100, vượt qua kho vũ khí với 80 đầu đạn hạt nhân của Israel.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn không sẵn sàng tiết lộ quy mô kho vũ khí của Triều Tiên, dù giới chức Mỹ luôn tìm cách để tiếp cận thông tin này. Nếu Triều Tiên không tiết lộ và cũng không cho phép cộng đồng quốc tế thanh sát, gần như không thể biết chính xác họ đang sở hữu những vũ khí nào. Mạng lưới đường hầm và cơ sở ngầm để cất giấu vũ khí của Triều Tiên khiến ngay cả các cơ quan tình báo cũng gặp khó khăn trong việc phát hiện, chứ chưa nói đến vệ tinh thương mại.
Thành Đạt
Theo Bloomberg