Triều Tiên bị nghi đang bí mật vận hành 16 cơ sở tên lửa đạn đạo
(Dân trí) - Triều Tiên được cho là vẫn đang duy trì chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tại 16 cơ sở bí mật, New York Times đưa tin.
New York Times dẫn một báo cáo phân tích hình ảnh chụp từ vệ tinh thương mại cho biết, các chuyên gia đã phát hiện ra Triều Tiên vẫn đang bí mật vận hành 16 cơ sở phát triển tên lửa đạn đạo. Theo đó, chương trình Beyond Parallel thuộc trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (Mỹ) ngày 12/11 đã công bố thông tin nói trên.
Tiến sĩ Victor Cha, người đứng đầu chương trình, từng được chính quyền ông Trump cân nhắc cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc hồi năm ngoái và tên ông đã bị loại khỏi danh sách sau khi ông phản đối chính sách Triều Tiên của Nhà Trắng.
Trong những tháng qua, ông Trump tỏ ra khá lạc quan với tình hình Triều Tiên. Trong một buổi vận động tranh cử, Tổng thống Mỹ nói rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “đã phải lòng nhau” sau một khoảng thời gian căng thẳng, phát ngôn thể hiện sự tin tưởng của ông Trump với mục tiêu phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn chưa có nhiều tiến triển thực sự trong quá trình đàm phán. Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố rằng họ sẽ không cử phái đoàn tới New York gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo để bàn về hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Triều Tiên cũng chưa cung cấp danh sách cơ sở hạt nhân, vũ khí, tên lửa của nước này cho Mỹ.
Nói về 16 cơ sở mới được phát hiện, ông Cha nhận định rằng những địa điểm này vẫn chưa bị đóng băng hoạt động và các công việc sản xuất và chế tạo vẫn đang tiếp tục diễn ra. Ông quan ngại rằng ông Trump có thể sẽ chấp nhận một thỏa thuận có thể gây bất lợi cho Mỹ khi Triều Tiên chỉ phá hủy 1 vài cơ sở và Washington sẽ đáp trả bằng hiệp ước hòa bình.
Chuyên gia nghiên cứu Triều Triên Joseph Bermudez, đồng tác giả của bản báo cáo, nhận định rằng Bình Nhưỡng dường như đang tối đa hóa năng lực sản xuất và cảnh báo rằng mọi tên lửa ở những cơ sở này đều có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Bản báo cáo lần này chỉ ra một cơ sở tên lửa ở Sakkanmol, cách khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều 80 km. Đây là một trong những cơ sở gần Hàn Quốc nhất. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các cơ sở ở đây đều có điểm kiểm tra, tòa nhà trụ sở, khu vực an ninh, khu vực bảo trì, lối vào các hầm ngầm, nơi cất giấu các tên lửa di động và xe tải vận chuyển. Căn cứ này nằm trong thung lũng hẹp sát núi.
Mỗi lối vào đường ngầm được ngụy trang để tránh trở thành mục tiêu của hỏa lực và các vụ không kích. Báo cáo nói rằng cơ sở Sakkanmol có 7 đường hầm dài có thể chứa 18 phương tiện để vận chuyển tên lửa.
Triều Tiên có đang "đánh lạc hướng" Mỹ?
Các hình ảnh trên cho thấy Triều Tiên dường như đang “đánh lạc hướng” khi tuyên bố sẽ phá hủy và dừng hoạt động những cơ sở tên lửa chính, nhưng vẫn âm thầm phát triển các cơ sở bí mật nhằm tạo ra tên lửa đầu đạn thường và tên lửa hạt nhân, báo cáo nhận định.
Các chuyên gia cho rằng nghi vấn những cơ sở tên lửa ngầm của Triều Tiên trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng chính sách đối ngoại của ông đang đi đến mục tiêu Triều Tiên loại bỏ hoàn toàn chương trình tên lửa và hạt nhân.
“Chúng tôi không việc gì phải vội vã. Lệnh trừng phạt vẫn còn đó. Các tên lửa đã bị dừng phát triển. Những người bị (Triên Tiên) bắt giữ đã về nhà”, ông Trump nói hôm 7/11, một ngày sau khi đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện.
Tuyên bố của ông Trump có một phần chính xác do Triều Tiên trong 1 năm qua đã ngừng các vụ phóng thử tên lửa. Tuy nhiên, các quan chức tình báo Mỹ nói rằng Triều Tiên vẫn đang tiếp tục sản xuất nguyên liệu để chế tạo vũ khí và tên lửa hạt nhân. Ngoài ra, Bình Nhưỡng được cho là vẫn đang phát triển các tên lửa có bệ phóng di động và được giấu kín trong các cơ sở bí mật trong núi.
Mặt khác, giới quan sát cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế có khả năng sẽ bị suy yếu, do Triều Tiên đã có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Washington và tuyên bố sẽ phi hạt nhân hóa để đổi lại sự hợp tác về kinh tế và thương mại với Nga và Trung Quốc.
Thêm vào đó, chương trình của chính phủ Mỹ nhằm sử dụng vệ tinh thế hệ mới, kích thước nhỏ nhằm để truy dò các hệ thống tên lửa di động, hiện đã bị dừng lại, theo New York Times. Ban đầu, Lầu Năm Góc dường như muốn sử dụng các thiết bị này để có thể có những cánh báo sớm khi Triều Tiên triển khai hệ thống tên lửa di động. Tuy nhiên, vì một vài nguyên nhân, chương trình được ấp ủ từ thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đến nay vẫn chưa được đưa vào hoạt động.
Nếu căng thẳng leo thang, tên lửa có thể được chuyển ra bãi phóng nhanh chóng và sẵn sàng khai hỏa trong 1 giờ đồng hồ. Chính vì vậy, Mỹ cần phải có các vệ tinh kích thước nhỏ để có thể cảnh báo sớm, báo cáo cho biết. Các vệ tinh này có một loại cảm biến đặc biệt có thể xuyên qua mây, cung cấp dữ liệu chính xác.
Trong khi đó, các chuyên gia nói rằng hệ thống vệ tinh kích thước lớn Mỹ đang triển khai ở thời điểm này chưa thật sự hiệu quả và chỉ giảm sát được 30% tổng số các cơ sở tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Đức Hoàng
Theo NYT