1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trào lưu đàn ông “trát phấn tô son” bùng nổ ở Trung Quốc

(Dân trí) - Ngày càng nhiều đàn ông Trung Quốc quan tâm tới diện mạo bên ngoài và tích cực sử dụng son phấn để làm đẹp cho bản thân. Ngành mĩ phẩm dành cho đàn ông tại quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ.


Lan Haoyi giới thiệu mĩ phẩm trực tuyến (Ảnh: AFP)

Lan Haoyi giới thiệu mĩ phẩm trực tuyến (Ảnh: AFP)

Khi Jiang Cheng lần đầu bôi thử kem che khuyết điểm lên mặt vào thời điểm anh vẫn đang là sinh viên năm nhất, Jiang cảm thấy vô cùng tự tin và bắt đầu đam mê mĩ phẩm từ đó. Hiện thời, anh là một trong hàng trăm người đàn ông Trung Quốc chia sẻ bí kíp làm đẹp trực tuyến và kiếm được tiền nhờ sự bùng nổ của ngành mĩ phẩm cho nam giới.

“Tôi phát hiện ra rằng việc trang điểm khá dễ dàng. Phụ nữ không hiểu được cách trang điểm cho đàn ông. Vì thế nếu một cô gái trang điểm cho tôi, họ có thể sẽ không đạt được hiệu quả tôi muốn”, chàng trai 24 tuổi vừa nói vừa cầm chổi đánh kem nền trên gương mặt.

Vào mỗi cuối tuần, Jiang dành vài giờ đồng hồ trước chiếc điện thoại iPhone tại một căn phòng nhỏ, trực tiếp thử một loại mĩ phẩm hay trào lưu trang điểm mới trước hàng trăm người đàn ông khác và những người này có thể đặt mua các sản phẩm ngay sau khi Jiang giới thiệu.

Những người nổi tiếng về kinh nghiệm làm đẹp trực tuyến ở Trung Quốc, thường được gọi với cái tên “wang hong” hoặc “sao mạng”, đã giúp xóa đi ranh giới giữa giải trí và thương mại điện tử.

Các ông lớn công nghệ ở Trung Quốc như Alibaba và JD.com đã tung ra các nền tảng phát sóng trực tuyến cho phép người xem có thể mua hàng ngay lập tức khi xem các đoạn video. Và các công ty mỹ phẩm sẵn sàng chi rất nhiều tiền để thuê “sao mạng” và phần lớn họ mang giới tính nữ, để giới thiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, thị trường cũng như quan điểm về giới tính đã có sự chuyển dịch. Mĩ phẩm hiện tại không chỉ là sản phẩm độc quyền mà chỉ phụ nữ mới được sử dụng và các “sao mạng” nam giới chứng minh rằng hoàn toàn vẫn ổn nếu đàn ông tô một chút má hồng lên mặt.

Jiang cho biết 1 tháng anh nhận được tiền công khoảng 730 USD để giới thiệu các sản phẩm mĩ phẩm.

Thị trường trang điểm cho nam giới Trung Quốc dự đoán sẽ tăng trưởng 15,2 % trong 5 năm tới, trong khi đó tốc độ tăng trưởng trên toàn cầu là 11 %, theo công ty nghiên cứu Euromonitor.

Các hãng mĩ phẩm nước ngoài như La Mer hay Aesop bắt đầu bắt tay với những nhân vật nổi tiếng như Lan Haoyi để giới thiệu sản phẩm của các công ty này tới gần 1,4 triệu người theo dõi Lan.

Lan, 27 tuổi, tiêu khoảng 1.500 USD mỗi tháng để mua mĩ phẩm. Lan cho biết tại Trung Quốc thuật ngữ “những miếng thịt tươi”, ám chỉ đàn ông trẻ, đẹp trai, ngày càng trở thành xu hướng. Anh cho rằng việc đàn ông trang điểm sẽ dần trở nên quen thuộc trong tương lai.

Tuy nhiên, Lan cho biết anh cũng nhận được nhiều phản hồi trái chiều và những thông điệp xúc phạm, chỉ trích vì thói quen làm đẹp của mình. “Tại sao đàn ông mà lại trông như thế? Vì sao đàn ông lại trang điểm”, Lan kể về những lời lẽ không mấy thiện cảm mà anh nhận được.

Jiang không dám trang điểm trước mặt bố mẹ vì sợ bị chê cười. “Tôi không muốn cãi nhau với họ. Quan điểm thẩm mĩ, định nghĩa về những giá trị trong cuộc sống của chúng tôi khác nhau. Họ chỉ là không thể chấp nhận việc đàn ông trang điểm hàng ngày.

Mo Fei, giám đốc điều hành hãng Chetti Rouge chuyên mĩ phẩm cho nam giới cho rằng quan điểm trên sẽ thay đổi trong tương lai. Mo cho biết Chetti Rouge hiện đã chuyển mô hình kinh doanh của công ty lên mô hình trực tuyến sau hơn 10 năm hoạt động. Mo nói rằng việc đàn ông vào trung tâm thương mại để mua mĩ phẩm vẫn có thể khiến họ ngại ngùng, vì vậy việc chuyển hướng lên kinh doanh trực tuyến là hướng đi đúng đắn cho Chetti Rouge ở thời điểm hiện tại.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm