Trung Quốc bùng nổ mốt phẫu thuật chỉnh giọng nói
(Dân trí) - Những năm gần đây, nhiều người dân Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận phẫu thuật chỉnh giọng đầy rủi ro để có giọng nói phù hợp hơn với giới tính của mình.
Rộ lên trào lưu phẫu thuật chỉnh giọng tại Trung Quốc
Lu Xiang, 23 tuổi, người đã quyết định phẫu thuật chỉnh giọng cho hay anh quyết định thay đổi giọng nói do bị bạn bè chế giễu là giọng yếu ớt như phụ nữ.
“Các bạn cùng lớp và đồng nghiệp cứ hay trêu tôi giọng ẻo lả như đàn bà. Cho đến nay tôi vẫn chưa có người yêu và các cô gái không cho tôi là đàn ông đích thực, thay vì đó họ đối xử với tôi giống như bạn gái của họ. Đó tất cả chỉ vì giọng nói của tôi,” Lu buồn bã chia sẻ.
Trong khi đó, Lu làm việc ở một trung tâm tư vấn, nên không ít lần khách hàng nhầm anh là phụ nữ. Có người còn nghĩ anh là đồng tính nam khi nói chuyện với anh.
Cuộc phẫu thuật của Lu liên quan đến việc cắt một mẩu sụn trong thanh quản và sau đó sẽ bác sĩ sẽ tiêm Botox vào dây thanh âm.
Bác sĩ Alasdair Mace, một chuyên gia phẫu thuật tai mũi họng tại Bệnh viện Charing Cross, London, cho hay Botox sẽ giúp dây thanh co lại ngắn hơn, chùng hơn, giúp giọng nói trở lên trầm hơn.
Bác sĩ Mace thực hiện khoảng hai cuộc phẫu thuật giọng nói mỗi tháng, chủ yếu là trên các bệnh nhân muốn chuyển giới và các bệnh nhân mắc khiếm khuyết trong giọng nói từ lúc bẩm sinh hay do chấn thương.
Theo bác sĩ Mace, trường hợp của Lu tương đối hiếm gặp vì thông thường là phụ nữ muốn chuyển giới đều muốn có giọng nói mạnh và trầm hơn và các bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp kích thích tố sinh dục nam (testosterone ) với họ. Nhưng Lu là nam nên trường hợp này không thể áp dụng được, chính vì vậy anh phải phẫu thuật.
Giải thích về nguyên lý phẫu thuật chỉnh giọng, bác sĩ Mace cho biết, dây thanh âm gắn với sụn tuyến giáp. Khi một phần sụn được cắt, nó sẽ ngắn đi, khiến dây thanh âm cứng hơn làm giọng nói trầm hơn.
Dưới tác dụng của Botox, dây thanh âm sẽ được làm ngắn, chùng và mềm hơn, giúp giọng nói sẽ trầm hơn và ngược lại. Tuy nhiên, tác dụng của Botox chỉ là tạm thời.
Tuy nhiên, theo ông, Botox chỉ là biện pháp tạm thời vì nó làm tê liệt các cơ bắp và chỉ có tác dụng từ 3-6 tháng. Nếu bệnh nhân muốn duy trì tác dụng, họ sẽ phải tiếp tục tiêm Botox, điều này có thể dẫn nguy cơ mất giọng và ảnh hưởng tới phổi.
Bác sĩ Huang Yideng của Bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc 118, cho biết ông đã phẫu thuật chỉnh giọng cho 200 trường hợp trong 4 năm qua. Hầu hết bệnh nhân tìm đến ông đều là nam giới và có chất giọng cao, nhẹ giống phụ nữ như Lu.
Zhou Meiling, quản lý tại Trung tâm Tiếng nói Yeson tại Hàn Quốc cho hay năm 2013, trung tâm đã tiếp nhận 100 bệnh nhân người Trung Quốc đến phẫu thuật chỉnh giọng, tăng mạnh so với con số 20 trường hợp bốn năm trước.
Nhiều người muốn thay đổi giọng cho phù hợp với giới tính để tăng khả năng cạnh tranh khi tham gia tuyển dụng.
Đối với trường hợp nữ giới có chất giọng trầm, thấp giống nam giới, các bác sĩ sẽ chèn những tấm titan vào giữa các cơ ở cổ họng để giúp dây thanh âm dài hơn, giọng sẽ cao hơn, nữ tính hơn.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể rạch hay đốt bớt một phần dây thanh âm bằng tia laser để chỉnh giọng cho bệnh nhân.
Nhiều người cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ là cách làm làm đẹp phù phiếm. Chen Yaya, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho rằng, nhiều người đi phẫu thuật chỉnh giọng là do áp lực từ những quan niệm cứng nhắc về giới tính của Trung Quốc: đàn ông phải hành động theo những tư tưởng định kiến về phái nam và phụ nữ phải cư xử phù hợp với quan niệm truyền thống về phái nữ.
Theo bà, xã hội cần có cái nhìn toàn diện hơn về giới tính để những người có giọng nói đặc biệt hoặc có điểm gì đó không phù hợp với giới tính sẽ không bị áp lực đến mức phải phẫu thuật thẫm mỹ.
Theo DM