1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh chấp chủ quyền tác động thế nào tới việc Trung Quốc xuất khẩu vũ khí ?

(Dân trí) - Bất chấp những quan ngại của Mỹ về công nghệ phát triển máy bay thế hệ mới của Trung Quốc, giới phân tích cho rằng quốc gia Đông Bắc Á hiện chưa thể cạnh tranh với Nga và Mỹ trên thị trường hàng không quân sự quốc tế do những căng thẳng thời gian qua tại Biển Đông.

Máy bay FC-1 của Trung Quốc. (Ảnh:

Máy bay FC-1 của Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Mục tiêu của Bắc Kinh thời gian qua là nhắm tới các thị trường từng sử dụng các loại máy bay chiến đấu của Liên Xô. Với những quốc gia ngoài châu Âu, Nga luôn là quốc gia được ưu tiên hơn Mỹ nhờ hàng rẻ hơn và không có nhiều điều kiện ràng buộc. 

Ông Doug Berenson, chuyên gia phân tích của công ty Avascent, cho rằng các hãng sản xuất của Nga cần phải nhận thức rõ về nguy cơ thay đổi xu thế của khách hàng hiện nay. "Nếu tôi là người Nga, tôi cần phải biết chắc rằng gió đang thổi về hướng nào. Các công ty Trung Quốc đang phát triển tới mức độ ổn định và nếu người Nga nghĩ rằng họ có thể kiểm soát dòng chảy từ Trung Quốc, họ đã lầm", ông Berenson nhận xét. 

Tuy nhiên, thị trường luôn giới hạn với Trung Quốc, phần lớn là vì các lý do địa chính trị. Hoạt động "cải tạo đảo" phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua đã làm nhiều quốc gia trong khu vực bất bình. Trong đó có không ít quốc gia từng mua vũ khí của Liên Xô trước đây và nay bị tụt lại do sự phát triển chóng mặt các loại vũ khí của Trung Quốc. 

Phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-la hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng cảnh báo: "Trung Quốc đang tự cô lập chính mình tại Thái Bình Dương bằng những hành động cải tạo các khu vực mà Bắc Kinh "đòi chủ quyền". Nhưng Mỹ và các đồng minh đều bác bỏ những tuyên bố "chủ quyền đó" của Trung Quốc. Những hành động sai trái của Trung Quốc càng khiến các quốc gia trong khu vực xích lại với nhau theo hướng mới. Và họ đề nghị với Mỹ về việc tăng cường can dự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chắc chắn, chúng tôi sẽ đáp ứng những đề nghị đó". 

Ông Richard Aboulafia, chuyên gia phân tích của Tập đoàn Teal, cho rằng chính trị luôn đóng vai trò quan trọng trong bất cứ quyết định mua bán vũ khí nào. "Một phần của thương vụ luôn là cách để bạn xây dựng quan hệ chính trị và thực sự là có rất ít người lúc muốn làm việc đó với Trung Quốc vào lúc này. Kể cả các quốc gia châu Á không có truyền thống thân phương Tây trước đây", ông Aboulafia khẳng định. 

Mẫu JF-17. (Ảnh:

Mẫu JF-17. (Ảnh: PakistanAirForce)

Trong khi đó, ông Vasiliy Kashin, chuyên gia phân tích về quân đội Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Công nghệ và Chiến lược của Nga, cũng đồng ý với quan điểm nêu trên khi đánh giá: "Một vài bạn hàng truyền thống của Nga đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Do đó, sẽ không có cạnh tranh giữa Nga với Trung Quốc trong lĩnh vực buôn bán vũ khí tại những nước này". 

Ngoài ra, ông Kashin cũng cho rằng việc Trung Quốc có được một số hợp đồng thời gian qua cũng là "tới từ các quốc gia không quan trọng với Nga", như thương vụ Trung Quốc bán máy bay chiến đấu FC-1 cho Myanmar hay hợp tác cùng sản xuất với Pakistan trong dự án JF-17. 

Theo ông Aboulafia, một rào cản khác đối với Trung Quốc trong việc tìm kiếm thêm thị phần trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí chính là bản chất vốn có của ngành hàng không vũ trụ nước này. 

"Một vấn đề thực sự với Trung Quốc chính là việc ngành hàng không vũ trụ của nước này vẫn tồn tại sự khác biệt lớn so với nền kinh tế lớn mạnh và phân khúc thị trường. Họ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải cách nền kinh tế song ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc phần lớn vẫn là một "di tích" của nhà nước", ông Aboulafia nhận định. 

Về vấn đề này, Trung Quốc cũng có điểm tương tự với Ấn Độ - một bạn hàng của Nga và có lẽ sẽ không bao giờ lựa chọn phương án mua vũ khí từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Aboulafia cho rằng New Delhi đã nhận thấy cần phải thay đổi và những biện pháp nhằm mở ra các cơ hội để phá vỡ sự trì trệ của các tập đoàn quốc doanh, ví dụ như tập đoàn Hindustan Aeronautics. "Trung Quốc vẫn vậy và sẽ phải mất một thời gian dài để thực hiện các quá trình cải cách trong các tập đoàn quốc doanh", ông Aboulafia khẳng định. 

Cuối cùng, một vấn đề về kỹ thuật mà Trung Quốc đang gặp phải đó là việc phát triển động cơ nội địa cấp cao. Bất chấp quá trình phát triển và những thành tựu mà quân đội Trung Quốc đạt được thời gian qua, ông Kashin cho rằng các động cơ của Trung Quốc hiện chưa đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
 
"Điều này đồng nghĩa với việc Nga có thể cản trở việc Trung Quốc xuất khẩu vũ khí sang các nước mà Mátxcơva cảm thấy đó là những quốc gia chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, Nga không thể ngăn cấm Trung Quốc xuất khẩu tới mọi nơi trên thế giới vì điều đó sẽ ảnh hưởng tới quan hệ song phương" - Ông Kashin cho biết thêm.

Ngọc Anh 
Theo Defense News