Tranh cãi xung quanh người ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới
(Dân trí) - Một số tranh cãi đã nổ ra xung quanh bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép thành công tim lợn, khi người này từng liên quan tới một vụ tấn công 34 năm trước.
Bệnh nhân David Bennett Sr, 57 tuổi, đang được theo dõi nghiêm ngặt tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland, Mỹ sau khi trải qua ca phẫu thuật ghép tim vào tuần trước. Đây cũng là người đầu tiên trên thế giới được ghép tim từ một con lợn đã biến đổi gene. Giới chức bệnh viện ngày 13/1 cho biết bệnh nhân vẫn tiến triển tốt sau ca phẫu thuật.
Ngày 13/1, Washington Post là tờ báo đầu tiên đưa tin về quá khứ của Bennett, liên quan tới một vụ tấn công do ông gây ra cách đây 34 năm. Thông tin được tiết lộ đã làm dấy lên cuộc tranh luận về cách các bệnh nhân được lựa chọn để thực hiện các công nghệ tiên tiến về y học.
Nạn nhân của vụ tấn công là Edward Shumaker. Theo Leslie Shumaker Downey, em gái của Shumaker ở Frederick, bang Maryland, người đàn ông này phải ngồi xe lăn gần 20 năm, bị liệt từ thắt lưng trở xuống và chịu nhiều biến chứng y học, bao gồm một cơn đột quỵ khiến ông bị suy giảm nhận thức, trước khi qua đời vào năm 2007 ở tuổi 40.
Vụ tấn công xảy ra vào ngày 30/4/1988, khi Shumaker, 22 tuổi, đang uống rượu tại một quán bar và nói chuyện với vợ của Bennett. Chứng kiến cảnh tượng đó, Bennett đã nổi máu ghen và liên tục đâm vào lưng Shumaker.
Downey cho biết vụ tấn công và hậu quả của nó đã gây sóng gió cho gia đình Shumaker. "Nó khiến cha mẹ tôi suy sụp. Mọi thứ như địa ngục", Downey nói thêm.
Theo hồ sơ tòa án được New York Times tiếp cận, Bennett bị cáo buộc hành hung và cố ý giết người, nhưng cuối cùng chỉ bị kết án với tội danh nhẹ hơn là mang theo vũ khí và lĩnh án 10 năm tù. Bennett cũng phải trả cho Shumaker 29.824 USD tiền bồi thường, nhưng Downey nói rằng Bennett đã không chấp hành yêu cầu này.
Trong một nỗ lực nhằm bù đắp chi phí điều trị đáng kể, Shumaker và gia đình đã kiện Bennett và được chấp thuận bồi thường thiệt hại 3,4 triệu USD. Tuy nhiên, Downey cho biết gia đình họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản tiền nào.
Downey nói rằng việc Bennett được ghép tim đã mang lại sự sống cho ông ấy, nhưng anh trai bà không bao giờ có cơ hội thứ hai trong đời.
"Edward đã phải vật lộn từng ngày trong suốt 19 năm. Không ai đáng phải chịu những gì anh ấy đã trải qua", Downey nói.
Tuy nhiên, các bác sĩ của Bennett nói rằng, những chuyện xảy ra trong quá khứ không phải là lý do khiến các bệnh nhân không được tiếp nhận các công nghệ y học tiên tiến.
Các nhà chức trách tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland, nơi thực hiện ca ghép tim cho Bennett, cho biết các nhà cung cấp dịch vụ y tế cam kết điều trị cho tất cả bệnh nhân, bất kể gốc gác hay hoàn cảnh sống của họ.
Tiến sĩ Karen Maschke tại Trung tâm Hastings cho biết, các bác sĩ thường không xem xét bệnh nhân để xem liệu họ có xứng đáng được điều trị hay không. Theo ông, "có một tiêu chuẩn lâu đời trong đạo đức y khoa là các bác sĩ sẽ không chọn người mà họ điều trị".
Giáo sư Arthur Caplan tại Trường Y Grossman thuộc Đại học New York cho rằng, sự phẫn nộ trên mạng xã hội nhằm vào Bennett là không phù hợp. Ông cho biết đây không chỉ là trường hợp ghép tim lợn vào cơ thể người đầu tiên trên thế giới, mà còn ca phẫu thuật mang tính thử nghiệm cao và rất dễ thất bại.
"Rõ ràng, ông ấy không lấy nội tạng từ bất kỳ người nào. Không ai phải chết (để ông ấy được ghép tim), mà ông ấy lấy tim từ một con lợn", giáo sư Caplan nói.
David Bennett Jr, con trai Bennett cho biết anh không muốn lên tiếng về quá khứ của cha mình. "Quan điểm của tôi là tập trung vào ca phẫu thuật cũng như mong muốn của cha tôi về việc đóng góp cho khoa học và có khả năng cứu sống các bệnh nhân trong tương lai", David cho biết.