1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tranh cãi về pháo hoa đêm giao thừa tại Australia

(Dân trí) - Màn bắn pháo hoa biểu tượng vào đêm giao thừa của thành phố Sydney, Australia sẽ vẫn diễn ra, bất chấp sự phản đối của hàng nghìn người vì muốn dành kinh phí để đối phó với nạn cháy rừng.

Tranh cãi về pháo hoa đêm giao thừa tại Australia - 1

Pháo hoa tại cầu cảng Sydney. (Ảnh: Getty)

“Thế giới nhìn vào Sydney mỗi năm và họ nhìn vào sự sống động của chúng ta, đam mê của chúng ta, thành công của chúng ta. Giữa lúc chúng ta phải đối mặt với những thách thức, và khi đã xem xét tới vấn đề an toàn, tôi cho rằng không còn thời điểm nào tốt hơn để thể hiện với thế giới rằng chúng ta là một đất nước lạc quan và tích cực như thế nào”, Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu hôm 29/12.

Tuyên bố của Thủ tướng Morrison được đưa ra sau khi xuất hiện đơn kiến nghị kêu gọi dừng bắn pháo hoa trong đêm giao thừa tại thành phố Sydney, bang New South Wales. Thay vào đó, những người kiến nghị muốn chuyển số tiền được dùng để tổ chức sự kiện thường niên này vào việc đối phó với thảm họa cháy rừng.

Chính quyền thành phố Sydney đối mặt với sức ép ngày càng tăng về việc phải hủy bỏ sự kiện bắn pháo hoa trong những tuần gần đây. Tính đến sáng 30/12, có tới hơn 270.000 người đã ký vào đơn kiến nghị.

Linda McCormick, người đã khởi xướng việc ký đơn kiến nghị từ một tháng trước, cho biết số tiền chi cho màn bắn pháo hoa có thể được dùng để hỗ trợ “nông dân và lính cứu hỏa”, những người đã nỗ lực để “cứu môi trường tự nhiên của Australia”. Theo bà Linda, pháo hoa có thể khiến nhiều người bị ảnh hưởng về sức khỏe vì đã có quá nhiều khói trên không trung do cháy rừng.

Hội đồng Thành phố Sydney đã “bật đèn xanh” cho sự kiện bắn pháo hoa đón năm mới 2020. Trong khi đó, giới chức thuộc lực lượng cứu hỏa vẫn cảnh báo rằng màn bắn pháo hoa có thể bị hủy nếu các điều kiện thảm họa trên thực tế được công bố.

Thủ tướng Morrison hôm qua cũng thông báo hỗ trợ về tài chính dành cho lính cứu hỏa tình nguyện tại New South Wales, bang bị thiệt hại nặng nề nhất do cháy rừng. Hỏa hoạn cướp đi sinh mạng của 9 người và thiêu rụi hơn 1.000 ngôi nhà tại Australia trong vài tháng qua.

Ông Morrison cho biết mỗi lính cứu hỏa tình nguyện sẽ nhận 300 AUD (khoảng 209 USD)/ngày nếu họ được huy động để tham gia dập lửa trong hơn 10 ngày. Tiền bồi thường tập trung chủ yếu vào các đối tượng tình nguyện hoặc làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thị trưởng Sydney Clover Moore cho biết bà cảm thấy “xúc động trước sự trợ giúp và quan tâm dành cho cộng đồng”, tuy nhiên sự kiện bắn pháo hoa vẫn diễn ra như kế hoạch.

Bình luận về đơn kiến nghị, bà Moore nói: “Màn bắn pháo hoa của chúng ta đã được lên kế hoạch từ 15 tháng trước đó, và hầu hết kinh phí, phần lớn dành cho việc đảm bảo an toàn cho đám đông và công tác dọn vệ sinh, đều đã được duyệt chi”.

Tranh cãi về pháo hoa đêm giao thừa tại Australia - 2

Cháy rừng tại ngoại ô Sydney. (Ảnh: Getty)

Australia đang trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên và vừa hứng chịu đợt nóng kỷ lục vào tuần trước, khi nhiệt độ trung bình trên cả nước ở mức 41,9 độ C. Trong suốt hơn 2 tháng, các đám cháy rừng gây chết người đã lan rộng mất kiểm soát trên cả nước Australia. Tình trạng này trở nên đáng lo ngại hơn do tác động của gió mạnh và nhiệt độ tăng cao.

Pháo hoa tại Sydney là một trong những hoạt động được chờ đón nhất vào mỗi dịp năm mới, không chỉ đối với người dân Australia mà còn với khách du lịch. Dự kiến màn pháo hoa tại Sydney vào giao thừa năm nay sẽ thu hút khoảng 1 triệu khách tham quan và mang về 130 triệu AUD (90 triệu USD) cho nền kinh tế New South Wales.

Thành Đạt

Theo Telegraph