1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi Trung Quốc dùng Viện Khổng Tử khuếch trương “sức mạnh mềm”

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trong khi Trung Quốc nói Viện Khổng Tử nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa các nước bằng giao lưu văn hóa, nhiều chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng đây có thể là công cụ để Bắc Kinh tăng “sức mạnh mềm”.

Tranh cãi Trung Quốc dùng Viện Khổng Tử khuếch trương “sức mạnh mềm” - 1

Trung Quốc nói rằng Viện Khổng Tử ra đời với mục đích trở thành cầu nối giao lưu văn hóa giữa quốc gia Đông Á và các nước trên thế giới (Ảnh: Getty)

Các Viện Khổng Tử tại Ấn Độ gần đây đã trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh gia tăng liên quan tới các tranh chấp chủ quyền.

Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, Bộ Giáo dục Ấn Độ cho biết sẽ xem xét các thỏa thuận giữa các trường đại học của nước này với các Viện Khổng Tử của Trung Quốc.

Viện Khổng Tử là một cơ quan hợp tác giữa Trung Quốc với các trường đại học, cao đẳng tại các nước trên thế giới. Cơ sở này được tài trợ tài chính bởi Hội đồng tiếng Trung Quốc ở nước ngoài thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc (Hán Biện).

Theo chính quyền Trung Quốc, mục tiêu của Viện Khổng Tử là nhằm quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, hỗ trợ hoạt động dạy tiếng Trung trên thế giới và khuyến khích trao đổi, giao lưu văn hóa.

Theo BBC, Trung Quốc nói rằng Viện Khổng Tử là “cây cầu nối nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị” giữa quốc gia này và toàn thế giới.

Viện Khổng Tử đầu tiên ra đời vào năm 2004 tại Hàn Quốc. Hàng trăm cơ sở đã được mở tại hàng chục quốc gia trên thế giới, tập trung đông nhất tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tính đến hiện tại, có khoảng 541 Viện Khổng Tử trên cả 5 năm châu lục. Ngoài ra, Trung Quốc cũng mở hệ thống hơn 1.000 lớp học Khổng Tử tại các trường trung học và tiểu học trên khắp thế giới.

Tại Viện Khổng Tử, các lớp học thư pháp, văn hóa, nấu ăn, võ thái cực quyền được tổ chức. Ngoài ra, cơ sở này cũng tài trợ cho các hoạt động trao đổi giáo dục và tổ chức sự kiện cho công chúng tham gia.

Theo BBC, Trung Quốc đặt ra mục tiêu đầy tham vọng rằng đến cuối năm 2020, họ có thể mở khoảng 1.000 Viện Khổng Tử trong một kế hoạch được gọi tên là “cách mạng Khổng Tử”, nhằm đáp ứng “nhu cầu ngày càng gia tăng từ nước ngoài trong việc học tiếng Trung”.

Nhiều tranh cãi 

Trong khi Bắc Kinh đánh giá cao thành tích của hệ thống Viện Khổng Tử, cho rằng chúng cung cấp nền tảng để trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và thế giới, nhiều quốc gia và giới quan sát lại có những nhận định trái chiều về những cơ sở này.

Những ý kiến chỉ trích cho rằng Viện Khổng Tử là nơi Trung Quốc phát đi các thông điệp tuyên truyền tích cực cho chính họ dưới danh nghĩa các hoạt động dạy học. Giới quan sát cũng cáo buộc Bắc Kinh dùng những cơ sở này để can thiệp vào tự do ngôn luận trong các đại học và thậm chí theo dõi các sinh viên.

Viện Khổng Tử cũng từng bị cáo buộc gây áp lực cho các trường đại học phải im lặng hoặc kiểm duyệt về các chủ đề mà phía Trung Quốc coi là gây tranh cãi. 

Trung Quốc tuyên bố rằng Viện Khổng Tử không khác biệt gì so với các trung tâm văn hóa do các quốc gia khác vận hành như Hội đồng Anh, Viện Cervantes của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, trong quá khứ, các quan chức Trung Quốc từng thừa nhận Viện Khổng Tử “là một phần quan trọng trong bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc ở nước ngoài”, theo BBC.

Theo chuyên gia Alex Joske, từ viện chính sách chiến lược Australia, cho rằng Viện Khổng Tử nằm trong hệ thống cho phép Trung Quốc xây dựng tầm ảnh hưởng lớn hơn” với các trường đại học nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Mỹ từng cáo buộc Viện Khổng Tử là “nền tảng quyền lực mềm mạnh mẽ nhất của Trung Quốc”.

Đầu năm ngoái, một ủy ban điều tra tại Thượng viện Mỹ đã công bố kết quả ghi chép lại 8 tháng đơn vị trên xem xét hoạt động của Viện Khổng Tử trên khắp nước Mỹ.

Bản báo cáo cho rằng Viện Khổng Tử không phải là trung tâm độc lập có nhiệm vụ quảng bá văn hóa, lịch sử Trung Quốc, mà bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ Trung Quốc. Bản báo cáo thậm chí đặt ra câu hỏi liệu các nhân viên của Viện Khổng Tử có nên bị buộc đăng ký giống đặc vụ nước ngoài hay không.

Trung Quốc sau đó đã chỉ trích báo cáo của ủy ban Thượng viện Mỹ là “cáo buộc vô căn cứ” và “chính trị hóa” Viện Khổng Tử với “tâm lý chiến tranh lạnh và thiếu tin tưởng”. Trung Quốc khẳng định các Viện Khổng Tử hoạt động minh bạch và đóng góp nâng cao ngoại giao nhân dân giữa 2 nước.

Nhiều chương trình bị đóng cửa

Tranh cãi Trung Quốc dùng Viện Khổng Tử khuếch trương “sức mạnh mềm” - 2

Một lớp học tại Viện Khổng Tử ở Áo (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trong năm 2019, nhiều trường đại học trên thế giới đã đóng cửa các chương trình do Viện Khổng Tử vận hành. Tại Australia, một cuộc điều tra đã được mở ra để xem xét liệu những thỏa thuận giữa các đại học và Viện Khổng Tử có vi phạm luật chống sự can thiệp từ nước ngoài hay không.

Tại Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch, Canada, một số đại học và các địa phương tuyên bố loại bỏ những chương trình của Viện Khổng Tử.  

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố họ sẽ không cấp ngân sách cho các chương trình ngôn ngữ Trung Quốc tại các đại học có Viện Khổng Tử.

Mặt khác, cơ quan an ninh Australia tiếp cận các đại học ở nước này và bày tỏ mối quan ngại của họ về “mối nguy hiểm tiềm tàng với tự do học thuật, các nghiên cứu nhạy cảm và tài sản sở hữu trí tuệ” liên quan tới sự hợp tác với các Viện Khổng Tử của Trung Quốc.

Hồi tháng trước, Bưu điện Hoa nam Buổi sáng cho biết, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã bỏ thương hiệu Viện Khổng Tử, đổi tên thành Trung tâm Hợp tác và Giáo dục Ngôn ngữ.