Tranh cãi tính năng tàng hình của F-35 Mỹ sau vụ suýt bị Houthi bắn hạ
(Dân trí) - Vụ tiêm kích F-35 của Mỹ suýt bị hệ thống phòng không của Houthi ở Yemen bắn hạ cho thấy tính năng tàng hình của máy bay không thể giúp nó bất khả xâm phạm hoàn toàn.

Tiêm kích F-35 (Ảnh: Quân đội Mỹ).
Theo Business Insinder, một tiêm kích được gọi là "tàng hình" nghĩa là khó bị phát hiện và khó bị bắn trúng, nhưng điều đó không có nghĩa là máy bay này vô hình hay không thể bị bắn hạ.
Tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II do hãng Lockheed Martin chế tạo - niềm tự hào của Không quân và Hải quân Mỹ - đã tham gia các chiến dịch không kích chống lại lực lượng Houthi ở Yemen từ đầu năm nay.
Trong suốt 2 tháng ném bom dữ dội, cả phiên bản F-35A của Không quân và F-35C của Hải quân Mỹ có mặt tại Trung Đông đều tham chiến.
Tuần này, một loạt hãng tin tức dẫn nguồn tin ẩn danh từ chính phủ Mỹ cho biết một chiếc F-35 đã phải thực hiện động tác né tránh trong Chiến dịch Rough Rider để tránh bị tên lửa đất đối không của Houthi bắn trúng.
Hiện chưa rõ chiếc F-35 có phải là mục tiêu cụ thể hay không, và mức độ nguy hiểm mà máy bay này gặp phải ra sao. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng như Bộ Tư lệnh Trung tâm, đơn vị phụ trách các chiến dịch ở Trung Đông, vẫn chưa lên tiếng về thông tin.
Sự việc trở nên đáng chú ý bởi F-35 là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 với khả năng tàng hình tiên tiến, được thiết kế đặc biệt để xuyên thủng không phận được hệ thống phòng không hiện đại và máy bay chiến đấu tối tân của đối phương bảo vệ chặt chẽ.
Năm ngoái, F-35 của Israel đã chứng minh năng lực này bằng một cuộc không kích vào lãnh thổ Iran. Dù vậy, hệ thống phòng không của Houthi bị đánh giá là kém xa các mối đe dọa mà F-35 được chế tạo để đối phó.
Billie Flynn, cựu chỉ huy chiến đấu của Không quân Canada và từng làm việc cho Lockheed Martin, cho biết, một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên khả năng tàng hình là diện tích phản xạ radar của máy bay. Với tiêm kích như F-35, diện tích này chỉ tương đương quả bóng bàn hoặc bóng golf, tức rất khó bị radar phát hiện ở độ cao lớn và khoảng cách xa.
F-35, cùng với F-22 Raptor, oanh tạc cơ B-2 Spirit và phiên bản kế nhiệm tương lai là B-21 Raider, đều được xếp vào loại máy bay "rất khó bị phát hiện".
Tính năng này đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố: lớp sơn xám đặc biệt có khả năng hấp thụ sóng radar; thiết kế khí động học loại bỏ các bề mặt phẳng và góc vuông; vật liệu tổng hợp tiên tiến; vũ khí và nhiên liệu được giấu trong thân; thiết kế động cơ giảm tín hiệu nhiệt.
Ngoài các yếu tố thụ động, F-35 còn có hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, có thể gây nhiễu radar đối phương để tránh bị phát hiện.
Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần nói F-35 là "vô hình". Điều này không hẳn đã chính xác tuyệt đối. Bởi lẽ, tuy F-35 rất khó bị phát hiện và tấn công, nhưng nó không phải hoàn toàn tàng hình.
Dù đến nay, chưa có chiếc F-35 nào bị bắn rơi trong chiến đấu, nhưng một điều có thể khẳng định rằng tiêm kích này không "bất khả xâm phạm".
"Không có thứ gì hoàn toàn không thể phát hiện. Việc nghĩ rằng mình có một thiết bị tàng hình tuyệt đối là vô cùng nguy hiểm", Richard Aboulafia - chuyên gia hàng không và Giám đốc điều hành công ty tư vấn AeroDynamic Advisory - nhận định.
Theo ông, điều quý giá nhất của F-35 không nằm ở khả năng tàng hình mà là tính năng tiên tiến, cho phép phi công phát hiện mục tiêu và mối đe dọa từ xa, nhanh chóng hơn đối phương.
Ông cũng nhấn mạnh rằng máy bay tàng hình không có nghĩa là luôn vô hình, chỉ là khả năng bị phát hiện và bám bắt thấp hơn.
Việc mang vũ khí bên ngoài thân của F-35 có thể làm suy giảm đáng kể khả năng tàng hình. Ngoài ra, phòng không đối phương có thể bật radar đúng lúc, đúng chỗ và gặp may.
Trong sự kiện vừa qua, chiếc F-35 đã né được tên lửa của Houthi. Nhưng vẫn chưa rõ liệu nó có thực sự bị nhắm đến hay phía Houthi chỉ bắn theo hướng chung, và tình cờ khiến máy bay phải né gấp.
Tướng Gordon Davis, cựu Phó Tổng thư ký NATO về đầu tư quốc phòng, cho biết, hệ thống phòng không của Houthi là mối đe dọa đáng kể đối với cả máy bay quân sự lẫn dân sự hoạt động gần Yemen.
Nhờ có Iran hỗ trợ huấn luyện và trang bị, lực lượng này sở hữu tổ hợp phòng không hiện đại nhất trong số các lực lượng quân sự phi nhà nước tại Trung Đông.
Houthi được cho là đã bắn rơi nhiều UAV MQ-9 Reaper của Mỹ, dù chưa từng hạ được chiến đấu cơ có người lái.
Tướng Davis cho rằng dù về lý thuyết, Houthi có thể khóa mục tiêu vào F-35 và phóng tên lửa, nhưng khả năng bắn trúng là "rất khó xảy ra" vì máy bay này được trang bị hệ thống phòng hộ điện tử và tự bảo vệ hiện đại như AN/ASQ-239, có thể phát hiện và vô hiệu hóa mối đe dọa. Phi công cũng sẽ có các biện pháp cơ động phù hợp để thoát hiểm.
"Muốn bị phát hiện, một chiếc F-35 sẽ phải tự đưa mình ra ánh sáng ở mức độ rất lớn, điều mà tôi thấy gần như không thể xảy ra", cựu chỉ huy Flynn khẳng định.