1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi thuốc thảo dược Trung Quốc có thể tiêu diệt virus corona

(Dân trí) - Các chuyên gia và một số người dân Trung Quốc vẫn hoài nghi về hiệu quả thực sự của một phương thuốc truyền thống làm từ thảo dược, được cho là có khả năng ức chế virus corona mới gây dịch bệnh viêm phổi.

Tranh cãi thuốc thảo dược Trung Quốc có thể tiêu diệt virus corona - 1

Một nhân viên y tế làm việc tại nhà thuốc tại bệnh viện Yueyang, thuộc Đại học Y học cổ truyền Thượng Hải. (Ảnh: AFP)

Liệu một phương thuốc truyền thống của Trung Quốc có thể giúp tiêu diệt chủng virus corona mới khởi phát từ Vũ Hán? Hay một trong những hãng truyền thông nhà nước có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc đang ủng hộ một phương pháp chữa bệnh không dựa trên nghiên cứu khoa học và gieo rắc sự ảo tưởng?

Những câu hỏi trên đang “phủ sóng” khắp mạng xã hội Trung Quốc, sau khi Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, ngày 31/1 đưa tin Viện Dược liệu Thượng Hải và Viện Virus Vũ Hán đã phát hiện ra rằng, thuốc Shuanghuanglian (Song Hoàng Liên) dạng lỏng có thể “ức chế” virus corona mới. Song Hoàng Liên là phương thuốc thảo dược kết hợp, thường được sử dụng để chữa các triệu chứng sốt, ho, viêm họng.

Theo CNN, cộng đồng mạng Trung Quốc vẫn hoài nghi về thông tin trên. Nhiều ý kiến, bao gồm các chuyên gia y tế, đặt câu hỏi về việc liệu kết luận về khả năng “ức chế” virus corona của Song Hoàng Liên có dựa trên bằng chứng lâm sàng từ quá trình điều trị cho chính các bệnh nhân nhiễm virus này hay không. Một số người khác hoài nghi rằng, liệu đây có phải là nỗ lực chung nhằm quảng cáo các sản phẩm thảo dược để nâng giá cổ phiếu của các nhà sản xuất thuốc, trước khi thị trường chứng khoán Trung Quốc mở lại vào ngày 3/2 hay không.

Trong khi đó, vẫn có nhiều người tin vào tác dụng thực sự của Song Hoàng Liên trong việc đối phó với virus corona mới.

Những bài viết được đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cho thấy nhiều người xếp hàng từ đêm ở bên ngoài các hiệu thuốc trên cả nước để mua Song Hoàng Liên, bất chấp việc các nhà chức trách khuyến cáo không tụ tập đông người nơi công cộng để tránh lây lan virus. Nhu cầu mua Song Hoàng Liên tăng cao tới mức một số cửa hàng trên trang thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc rơi vào tình trạng “cháy hàng”.

Tính đến ngày 2/2, virus corona đã khiến hơn 300 người thiệt mạng, cả ở Trung Quốc và nước ngoài.

Sự ủng hộ của chính phủ Trung Quốc

Tranh cãi thuốc thảo dược Trung Quốc có thể tiêu diệt virus corona - 2

 Bác sĩ măc đồ bảo hộ điều trị cho bệnh nhân tại Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Hai viện nghiên cứu, nơi phát hiện ra khả năng “ức chế” virus corona mới, đều là các cơ quan nhà nước Trung Quốc. Viện Dược liệu Thượng Hải hiện trực thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), cơ quan nghiên cứu hàng đầu của chính phủ Trung Quốc. Viện Virus Vũ Hán cũng thuộc quản lý của CAS và là một trong những nơi nghiên cứu virus hiện đại nhất của Trung Quốc.

Thông tin về Song Hoàng Liên xuất hiện sau khi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ra thông báo về việc điều trị virus corona mới, trong đó yêu cầu các viện y học “đẩy mạnh vai trò của y học cổ truyền Trung Quốc trong quá trình điều trị”.

Thông báo trên được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi “kết hợp y học phương Đông và phương Tây” trong việc chẩn đoán và điều trị dịch bệnh viêm phổi do virus corona.

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc chủ trương đẩy mạnh y học cổ truyền. Đây là một phần trong nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy ngành y tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, mức độ an toàn và tính hiệu quả của các phương thuốc y học cổ truyền vẫn là chủ đề gây tranh cãi tại Trung Quốc. Mặc dù nhiều phương thuốc đã được sử dụng từ hàng trăm năm nay, song giới chỉ trích vẫn cho rằng hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học xác thực để xác nhận những lợi ích của y học cổ truyền.

Khi dư luận vẫn còn hoài nghi về tác dụng của Song Hoàng Liên trong việc điều trị dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh báo rằng “ức chế không có nghĩa là phòng chống và chữa trị”. Báo đảng Trung Quốc cũng kêu gọi người dân không nên đổ xô mua Song Hoàng Liên, hoặc uống loại thuốc này khi chưa có sự giám sát của bác sĩ.

“Cho đến nay, phát hiện này vẫn đang trong quá  nghiên cứu sơ bộ và cần có thêm nhiều thí nghiệm nữa để biết liệu (Song Hoàng Liên) có thực sự hiệu quả với các bệnh nhân hay không”, Nhân dân Nhật báo đưa tin, đồng thời viện dẫn tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng, hiện chưa có loại thuốc đặc trị nào được xác nhận có khả năng phòng ngừa hoặc điều trị virus corona Vũ Hán.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ cũng đang nghiên cứu vắc xin phòng ngừa virus corona mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình này sẽ phải mất vài tháng trước khi giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên được tiến hành, và hơn một năm trước khi vắc xin được đưa vào sử dụng.

Trong đại dịch SARS xảy ra hồi đầu thập niên 2000, Banlangen, một phương thuốc thảo dược cổ truyền khác của Trung Quốc từng được sử dụng để điều trị bệnh cảm lạnh thông thường, cũng “cháy hàng” tại các hiệu thuốc do nhu cầu tăng cao. Nhiều người tin rằng phương thuốc này có thể giúp ngăn ngừa virus SARS - virus cùng họ với chủng virus đang gây ra dịch viêm phổi bùng phát tại nhiều nước trên thế giới.

AFP dẫn lời Marc Freard, chuyên gia thuộc Hội đồng Pháp về Học thuật Y học Trung Hoa, cho biết các công thức truyền thống có thể được sử dụng để điều trị cho những người có triệu chứng từ sốt cho tới nhiều đờm. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng, nhiều phương thuốc trên thị trường có chất lượng không đáng tin cậy, đồng thời thừa nhận rằng các loại thuốc cổ truyền Trung Quốc “thiếu tiêu chuẩn khoa học về tính hiệu quả” vì chúng còn phụ thuộc vào “việc điều trị cho từng cá nhân”.

Thành Đạt

Tổng hợp