1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tranh cãi chuyện trái dưa, con cua khiến hai bộ trưởng Nhật Bản mất chức

(Dân trí) - Việc hai bộ trưởng liên tiếp xin từ chức trong vòng một tuần đã cho thấy “sự khắc nghiệt” của nền chính trị Nhật Bản, khi không dung túng cho bất kỳ hành vi hối lộ nào dù là nhỏ nhất.

Tranh cãi chuyện trái dưa, con cua khiến hai bộ trưởng Nhật Bản mất chức - 1

Bộ trưởng Kinh tế Thương mại Isshu Sugawara từ chức sau khi bị cáo buộc tặng dưa và cua cho cử tri. (Ảnh: AFP)

Nhật Bản nổi tiếng là một đất nước không chấp nhận bất kỳ hành vi hối lộ chính trị nào. Tuy nhiên vụ bê bối liên quan tới Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai và Bộ trưởng Kinh tế Thương mại Isshu Sugawara gần đây cho thấy, không nhất thiết phải là những cọc tiền lớn, mà ngay cả những món đồ đơn giản như hoa quả và rau củ cũng có thể khiến các quan chức cấp cao của nước này “ngã ngựa”.

Tuần trước, hai bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe nộp đơn xin từ chức, chưa đầy hai tháng sau khi họ nhận nhiệm sở. Cả hai quan chức này đều bị cáo buộc vi phạm các quy định của luật pháp Nhật Bản về việc tặng quà cho các cử tri.

Người đầu tiên từ chức là Bộ trưởng Kinh tế Thương mại Sugawara. Ông bị cáo buộc tặng dưa lưới và cua, những món hàng được xem là đắt đỏ tại Nhật Bản, cho các cử tri. Ngoài ra, ông Sugawara cũng bị “soi” về việc gửi 185 USD tiền phúng viếng cho gia đình của một cử tri ủng hộ.

6 ngày sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Kawai cũng xin từ chức sau khi xuất hiện thông tin nói rằng, ông đã tặng lại khoai tây cho một số cử tri. Trước đó, ông Kawai nhận số khoai tây này từ một chính trị gia đồng nghiệp.

Ngoài ra, bà Anri Kawai, vợ ông Kawai đồng thời là ứng viên ứng cử vào Quốc hội Nhật Bản, cũng bị cáo buộc trả lương gấp đôi (khoảng 140 USD/ngày) so với hạn mức quy định của luật pháp Nhật Bản cho các nhân viên làm việc trong chiến dịch tranh cử của bà.

Cả hai vụ việc trên đều bị tạp chí Weekly Bunshun phanh phui. Hai bộ trưởng không thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, song đều từ chức nhanh chóng. Cả hai nói rằng họ không muốn cuộc điều tra liên quan đến họ gây ảnh hưởng tới hoạt động của chính phủ.

Tranh cãi chuyện trái dưa, con cua khiến hai bộ trưởng Nhật Bản mất chức - 2

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: AFP)

Sự ra đi nhanh chóng của hai quan chức cấp cao trong bộ máy chính quyền Nhật Bản là dấu hiệu cho thấy, Thủ tướng Abe kiểm soát rất chặt chẽ bất kỳ vấn đề nào có thể gây bất ổn cho chính phủ của ông, đặc biệt trong bối cảnh ông sẽ trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Thủ tướng Abe đã công khai gửi lời xin lỗi tới người dân Nhật Bản khi để xảy ra việc hai bộ trưởng từ chức trong một tuần.

“Tôi nhận thức rõ rằng đây là trách nhiệm của tôi, và vì điều này, tôi xin gửi lời xin lỗi sâu sắc tới người dân Nhật Bản… Việc ông Kawai từ chức không lâu sau khi ông Sugawara từ chức đã vấp phải nhiều sự chỉ trích, và tôi xin nhận những lời chỉ trích đó”, Thủ tướng Abe nói.

Hai bộ trưởng rời nội các Nhật Bản gần đây không phải là trường hợp ngoại lệ. Năm 2014, cựu Bộ trưởng Kinh tế Thương mại Nhật Bản Yuko Obuchi cũng phải từ chức sau khi tặng rượu và vé nghe nhạc giảm giá cho các cử tri.

Cũng trong năm 2014, cựu Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Midori Matsushima xin từ chức sau khi có đơn khiếu nại về việc bà phân phát những chiếc quạt giấy có in tên bà, mỗi chiếc có giá khoảng 80 yen (0,7 USD), cho các cử tri. Bà Matsushima cho biết mọi người chỉ nên xem chiếc quạt như một tờ rơi chứa đựng thông tin về bà, song đây vẫn bị coi là hành vi vi phạm luật bầu cử Nhật Bản.

Quy định khắt khe của Nhật Bản

Tranh cãi chuyện trái dưa, con cua khiến hai bộ trưởng Nhật Bản mất chức - 3

Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai từ chức sau khi xuất hiện thông tin ông tặng khoai tây cho cử tri. (Ảnh: AFP)

Theo New York Times, sự ra đi của hai bộ trưởng trong khoảng thời gian ngắn đã chứng minh cho cách tiếp cận “bất di bất dịch” của Nhật Bản về việc phải tuân thủ theo pháp luật, đặc biệt trong môi trường chính trị. Tại Nhật Bản, việc tặng quà mang tính chính trị là điều không được chấp nhận.

Người Nhật không chỉ nghiêm túc trong việc tránh hành vi hối lộ, mà còn rất cẩn trọng trong việc tặng quà. Đây có lẽ là lý do khiến hai bộ trưởng không giữ được ghế của mình, bởi tặng quà là một phần quan trọng trong văn hóa Nhật Bản.

Bất kể khi nào các nhân viên trong công ty hay các thành viên trong gia đình có chuyến đi xa, kể cả chuyến đi ngắn ngày, họ đều được kỳ vọng sẽ mang trở về những món quà lưu niệm. Những người khách đến nhà thường không bao giờ đến tay không.

Các công ty cũng tặng quà vào dịp giữa năm và cuối năm cho các khách hàng. Văn hóa gửi tiền phúng viếng cho đám tang cũng nhằm giúp tang quyến chi trả các kinh phí, đổi lại họ sẽ nhận được những món đồ như trà hay rong biển sấy khô.

Luật pháp Nhật Bản đã đưa ra những quy định rất khắt khe về việc tặng quà trong môi trường chính trị, kể từ khi xảy ra các vụ bê bối tai tiếng liên quan tới số tiền hàng triệu USD gây chấn động đất nước Nhật Bản trong thập niên 1970 và 1980.

Tranh cãi chuyện trái dưa, con cua khiến hai bộ trưởng Nhật Bản mất chức - 4

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Midori Matsushima từ chức vì phát chiếc quạt có in tên của bà cho cử tri. (Ảnh: AP)

Luật pháp Nhật Bản quy định hạn mức chính xác số tiền các ứng viên trả cho các nhân viên làm việc cho chiến dịch tranh cử của họ. Những quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng giới “có tiền” có thể giành được ưu thế không công bằng trong chính trị.

Cách đây hàng chục năm, Nhật Bản đã chứng kiến các vụ bê bối liên quan tới việc các công ty trả những khoản tiền khổng lồ cho các chính trị gia. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka đã bị kết tội vào năm 1983 khi nhận hối lộ 2,1 triệu USD để dàn xếp thương vụ mua máy bay Lockheed cho hãng hàng không All Nippon Airways (Nhật Bản).

Tuy vậy, một số người tỏ ra hoài nghi về cách tiếp cận được cho là quá cứng nhắc của Nhật Bản về việc tặng quà trong bối cảnh hiện nay.

“Tôi nghĩ vấn đề ở đây là cách Nhật Bản tuân thủ một cách cứng nhắc các quy định, trong khi không nhìn nhận một bức tranh lớn hơn và cả những vấn đề phía sau đó”, Yujin Yaguchi, giáo sư nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Tokyo, nói.

Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, việc Nhật Bản duy trì chặt chẽ luật về tài chính trong quá trình tranh cử là điểm đối ngược tích cực so với các nơi khác, chẳng hạn Mỹ.

“Tôi nghĩ đó là dấu hiệu tích cực cho nền dân chủ Nhật Bản khi chính phủ nước này nhận thấy rằng, ngay cả những gì mà chúng ta cho là hành vi vi phạm tương đối nhỏ về các quy định tài chính tranh cử cũng bị (Nhật Bản) coi là vấn đề nghiêm trọng và dẫn tới việc hai bộ trưởng phải từ chức”, Philip Y. Lipscy, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản Toàn cầu thuộc Đại học Toronto, nhận định.

Theo ông Lipscy, “điều này rất khác biệt so với Mỹ, nơi các quan chức chính phủ có thể lún sâu và vượt qua các cáo buộc nghiêm trọng hơn nhiều về vấn đề tham nhũng và mua bán ảnh hưởng”.

Thành Đạt

Tổng hợp