1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi chuyện mời Trung Quốc tham gia tập trận hải quân lớn chưa từng có

(Dân trí) - Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC có sự tham gia của khoảng 25.000 quân nhân, cùng 45 tàu chiến, 5 tàu ngầm và 200 máy bay từ 26 quốc gia. Quyết định của Mỹ nhằm mời Trung Quốc tham gia tập trận đã gây nhiều tranh cãi, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên biển.


Máy bay đậu trên tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ ở Biển Philippines gần đây (Ảnh: USA Today)

Máy bay đậu trên tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ ở Biển Philippines gần đây (Ảnh: USA Today)

Các tàu chiến từ 26 quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đang đổ về gần Hawaii trong tuần này để tham gia các cuộc tập trận kéo dài 5 tuần nhằm thúc đẩy an ninh quốc tế, thiện chí và hợp tác trên biển.

Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) quy mô lớn sẽ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng và cạnh tranh gia tăng trong vùng biển châu Á-Thái Bình Dương và sẽ bao gồm tàu chiến của ít nhất 7 quốc gia có tuyên bố chủ quyền hay lợi ích tranh chấp trong khu vực.

RIMPAC là cuộc tập trận hải quân quan trọng nhất và lớn nhất thế giới. Cuộc tập trận năm nay sẽ diễn ra từ 30/6 đến 4/8 và sẽ lần đầu có sự tham gia của Đức, Ý và Đan Mạch. Các cuộc tập trận sẽ bao gồm tác chiến mặt nước, phòng thủ tên lửa và phòng không, các hoạt động đổ bộ và các kỹ năng hàng hải khác.

Cuộc tập trận, được tổ chức 2 năm một lần, có sự tham gia của 25.000 binh sĩ, 45 tàu chiến, 5 tàu ngầm và 200 máy bay từ 26 nước. Đây là cuộc tập trận RIMPAC có số quốc gia tham gia lớn nhất từ trước tới nay.

Trung Quốc sẽ tham dự tập trận RIMPAC lần thứ 2. Một số thành viên của quốc hội và cộng đồng quân sự Mỹ đã kêu gọi hủy lời mời Trung Quốc do các tuyên bố chủ quyền bành trướng và hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Và chỉ trong 2 năm qua, Bắc Kinh đã bồi đắp ít nhất 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có một số đường băng có thể phục vụ quân sự, các cảng nước sâu và các cơ sở xây dựng quy mô lớn.


Tàu sân bay USS John C. Stennis dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng tại RIMPAC 2016 (Ảnh: USA Today)

Tàu sân bay USS John C. Stennis dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng tại RIMPAC 2016 (Ảnh: USA Today)

Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, nhưng chính quyền Obama đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể dùng các đảo nhân tạo phi pháp để hạn chế tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Tàu sân bay USS John C. Stennis, dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng tại RIMPAC 2016, gần đây đã hoàn thành cuộc tuần tra kéo dài 3 tháng qua Biển Đông, trong đó tàu này đã bị các tàu chiến Trung Quốc bám đuổi.

Mặc dù các tàu Trung Quốc không can thiệp vào hoạt động của USS John C. Stennis nhưng giới chức Trung Quốc đã từ chối cho phép tàu này và các tàu hộ tống cập cảng Hong Kong gần đây. Động thái này diễn này chỉ vài tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter chỉ trích hành động của Trung Quốc trong một chuyến thăm tới hàng không mẫu hạm Stennis mới đây.

Quyết định mời Trung Quốc gây tranh cãi

Trung Quốc sẽ là một trong những nước tham gia nhiều nhất với 5 tàu, trong đó có một tàu bệnh viện.

Theo luật, quân đội Mỹ không được phép cung cấp hoặc tham gia huấn luyện liên quan tới chiến đấu với quân đội Trung Quốc. Mặc dù ông Carter chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương, ông cũng bảo vệ quyết định mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận năm nay.

Vài tàu trung Quốc đã tham gia RIMPAC vào năm 2014. Nhưng sự kiện năm nay có thể phản ánh các căng thẳng đang leo thang.


Máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS John C. Stennis (Ảnh: USA Today)

Máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS John C. Stennis (Ảnh: USA Today)

Malaysia, Brunei và Philippines cũng sẽ tham gia RIMPAC 2016 và các nước này đều có chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông. Một phiên tòa quốc tế dự kiến sẽ sớm đưa ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh trong khu vực. Phán quyết của tòa có thể sẽ được công bố trong khi tập trận RIMPIC đang diễn ra, và Trung Quốc đã tuyên bố sẽ phớt lờ nó.

Nhật Bản sẽ cử một trong những tàu chiến lớn nhất và mới nhất tới RIMPAC, và một phó đô đốc trong Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản sẽ là một trong những chỉ huy chính của cuộc tập trận. Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Hoa Đông và đã cáo buộc các tàu chiến Trung Quốc xâm nhập hoặc đi vào gần lãnh hải nhật Bản 2 lần trong những tháng gần đây.

Grant Newsham, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản ở Tokyo, cho rằng việc mời Trung Quốc tham dự RIMPAC 2016 đã gửi đi một thông điệp không chính xác.

“Việc mời Trung Quốc tới RIMPAC 2014 đã gây tranh cãi, nhưng mục đích của cuộc tập trận là để thay đổi hành động của Trung Quốc. Giờ chúng ta đã có 2 năm để xác định xem hành động của Trung Quốc có thay đổi hay không. Thực tế là không”, ông Newsham nói.

Trong khi đó, Rob Ayson, một giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand, nhận định rằng việc rút lại lời mời Trung Quốc có thể gây ra các vấn đề khác.

“Hầu hết các cuộc tập trận ở châu Á-Thái Bình Dương - và đặc biệt là các cuộc tập trận lớn liên quan tới các cường quốc, trong đó RIMPAC là một ví dụ điển hình - đang ngày càng trở nên quan trọng. Việc không mời Trung Quốc có thể khiến các bên tham gia khác nghĩ rằng họ được thiên vị và điều đó có thể khiến họ nghĩ lại”.

Chuyên gia Alessio Patalano, một giảng viên cấp cao về nghiên cứu chiến tranh tại Trường King's College ở London và là một chuyên gia về các vấn đề an ninh hàng hải Đông Á, cho rằng Mỹ và các cường quốc biển khác phải sống chung với một Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên về quân sự. “Sẽ có sự không thoải mái. Nhưng điều đó nên được hiểu theo quan điểm là trên biển cạnh tranh và hợp tác cùng tồn tại”, Patalano nói.

An Bình