1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi chiến lược chia nhỏ liều tiêm giữa "cơn khát" vắc xin Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một số chuyên gia cho rằng, chiến lược chia nhỏ liều vắc xin để tiêm cho nhiều người hơn có thể là biện pháp hợp lý đối với các nước đang thiếu nguồn cung, nhưng một số ý kiến lại phản bác điều này.

Tranh cãi chiến lược chia nhỏ liều tiêm giữa cơn khát vắc xin Covid-19 - 1

Tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở Thái Lan (Ảnh: AP).

Trên khắp Đông Nam Á, từ Jakarta (Indonesia) tới Bangkok (Thái Lan), các chính phủ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm được nguồn cung vắc xin Covid-19 trong lúc dịch bệnh đang lây lan chóng mặt, số ca tử vong liên tục phá kỷ lục.

Thách thức đối với các nước đang phát triển ở khu vực này ngày càng gia tăng do việc sản xuất vắc xin toàn cầu khó có thể đáp ứng nhu cầu tăng vọt và việc các quốc gia giàu có tích cực thu gom vắc xin.

Cuộc khủng hoảng đã khiến chuyên gia chú ý tới một biện pháp gây tranh cãi từng được áp dụng trong các đợt lây lan dịch bệnh truyền nhiễm trước đây: Chia nhỏ liều vắc xin. Đây là biện pháp nhằm tiêm một lượng vắc xin ít hơn cho người bệnh so với liều lượng tiêu chuẩn. Những người ủng hộ chiến lược này nhấn mạnh, điều đó có thể được thực hiện nhằm gia tăng số người được tiêm chủng với tổng số liều vắc xin không thay đổi, để cứu mạng sống thêm nhiều người, trong bối cảnh dịch bệnh đang  tấn công vào nhóm dân số chưa được tiêm phòng.

Trong một bài viết đăng tải trên tạp chí y khoa Nature tháng này, các nhà nghiên cứu từ Hong Kong và Chicago, Mỹ nhận định, chiến lược chia nhỏ liều tiêm chủng "đã không nhận được sự quan tâm và xem xét đầy đủ" như là một biện pháp tiềm tàng ứng phó với tình trạng thiếu vắc xin.

Bài báo trên viện dẫn các bằng chứng cho thấy việc giảm liều có thể thúc đẩy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, bao gồm một thử nghiệm sử dụng vắc xin Pfizer-BioNTech cho thấy 1/3 liều vắc xin này có thể tạo ra phản ứng "tương đương" với liều tiêu chuẩn.

Một nghiên cứu chưa được bình duyệt do các nhà khoa học tại Viện Miễn dịch học La Jolla ở San Diego (Mỹ) cũng cho thấy, 1/4 liều vắc-xin Moderna tạo ra hiệu quả khi người được tiêm xuất hiện phản ứng kháng thể.

"Vắc xin sẽ còn thiếu nguồn cung trong ít nhất một năm nữa. Sử dụng chiến lược chia nhỏ liều có thể tận dụng được vắc xin hiện có và cứu thêm mạng sống", chuyên gia Ben Cowling từ Đại học Hong Kong, nhận định.

Việc ứng dụng chiến lược này phù hợp với các nước có nguồn cung hạn chế và đang phải chịu áp lực từ sự lây lan bùng nổ của đại dịch.

Trong quá khứ, việc chia nhỏ liều vắc xin đã từng được ứng dụng thành công trong cuộc chiến chống lại một số loại bệnh. Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt việc tiêm 1/5 liều vắc xin bệnh sốt vàng như một biện pháp khẩn cấp trong các đợt bùng phát dịch lớn ở Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo. Biện pháp này đã được lặp lại trong chiến dịch tiêm phòng bệnh sốt vàng của Brazil vào năm 2018.

Còn nhiều tranh cãi 

Tuy nhiên, phát ngôn viên WHO Tarik Jašarević nhấn mạnh, vẫn chưa có đủ bằng chứng để họ đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng liều vắc xin Covid-19 chia nhỏ.

Pfizer vẫn chưa chính thức mở nghiên cứu về việc chia nhỏ liều vắc xin nhưng họ nhấn mạnh tiêm chủng 2 liều tiêu chuẩn có thể "mang lại sự bảo vệ cao nhất có thể".

Chuyên gia Marc Lipsitch từ Đại học y tế công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), cho rằng, chiến lược chia nhỏ liều tiêm đã thành công trong quá khứ với một số loại vắc xin, nhưng cần có thêm nghiên cứu để kết luận tính hiệu quả của nó với các chế phẩm ngăn ngừa Covid-19.

Chuyên gia Nikolaus Osterrieder tại đại học Thành phố Hong Kong cảnh báo rằng, việc điều chỉnh liều tiêm có nguy cơ khiến virus SARS-CoV-2 đột biến trở thành các biến chủng mới và dễ lây lan hơn.

"Tôi sẽ chống lại việc thay đổi bất cứ điều gì liên quan tới các quy tắc đã được thử nghiệm và thông qua", ông Osterrieder nhấn mạnh.

Jerome Kim, chuyên gia từ Viện vắc xin quốc tế ở Hàn Quốc nhấn mạnh rằng, trước khi đưa ra kết luận về việc chia liều vắc xin có hiệu quả hay không, cần có thêm các thử nghiệm lâm sàng.