“Trăng máu” xuất hiện vào hôm nay
(Dân trí) - Những người yêu thiên văn ở Úc, Mỹ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú – “trăng máu” vào ngày hôm nay 15/4.
“Trăng máu” thực chất là hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Bóng của trái đất sẽ “ngăn” ánh sáng mặt trời chiếu tới mặt trăng. Cùng lúc, ánh sáng từ mặt trời khi mọc và lặn trên trái đất của chúng ta phản chiếu lên mặt trăng, khiến cho mặt trăng biến thành màu cam hoặc thậm chí là màu đỏ như máu.
Theo tờ ABC Onlines của Úc, người dân ở các bang miền đông Úc sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng “trăng máu” đầu tiên trong số 2 lần “trăng máu” của năm 2014 vào thời điểm trước khi trăng mọc. Theo các nhà thiên văn học, hiện tượng nguyệt thực toàn phần lúc trời chạng vạng này là vô cùng hiếm.
Hiện tượng nhật thực toàn phần hôm nay sẽ kéo dài hơn 3 tiếng, bắt đầu từ 5h58 GMT (12h58 giờ Việt Nam) khi mặt trăng di chuyển vào bóng của Trái đất. Và trong suốt khoảng 1 tiếng rưỡi, mặt trăng sẽ hoàn toàn bị che khuất, bị phủ trong “màu máu”.
Và thời điểm nguyệt thực toàn phần đạt đỉnh điểm là vào 7h58 GMT.
Theo BBC, những người yêu hiện tượng thiên văn ở tây bắc châu Phi và nửa miền đông của Nam Mỹ cũng có thể chiêm ngưỡng nguyệt thực bán phần, song cũng có thể bị “khuyết” mất một số giai đoạn do hiện tượng xảy ra vào thời điểm sau khi trăng lặn so với trái đất.
Hiện tượng “trăng máu” vào tối nay là hiện tượng đầu tiên trong chuỗi nguyệt thực bán phần và toàn phần, xảy ra khoảng 6 tháng một lần, được gọi là “bộ tứ”.
Ngoài “trăng máu” hôm nay, sắp tới cũng sẽ diễn ra những sự kiện thiên văn gồm: nhật thực bán phần vào 29/4, nguyệt thực toàn phần vào ngày 8/10 năm nay và 8/4 cùng 28/9 năm tới.
Trung Anh
Theo ABC, BBC