1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trận đấu tăng Liên Xô - Đức lớn nhất lịch sử ở Kursk: Lửa, thép và máu

Hàng trăm xe tăng của quân Đức và Liên Xô bắn phá và đâm va trực diện ở mặt trận Prokhorovka (Kursk) trong Thế chiến 2. Khói, bụi, và lửa kín trời.

Trận chiến Prokhorovka là trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử và cũng là một bước ngoặt quan trọng của Thế chiến thứ 2. Về phía Liên Xô, trận chiến này đã chặn đứng cuộc tấn công chiến lược của Đức Quốc xã.

Tranh vẽ minh họa về trận chiến bằng xe tăng và máy bay giữa phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô ở chiến trường Kursk. Ảnh: scout.com.
Tranh vẽ minh họa về trận chiến bằng xe tăng và máy bay giữa phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô ở chiến trường Kursk. Ảnh: scout.com.

Trận chiến này nằm trong một chiến dịch lớn hơn là chiến dịch phòng ngự-phản công ở vòng cung Kursk của Liên Xô, diễn ra vào mùa hè năm 1943 (từ 5/7 đến 23/8). Về phía quân đội Đức Quốc xã, trận Kurk là cuộc tấn công lớn cuối cùng của chúng ở Mặt trận phía Đông.

Trong trận đối đấu ở khu vực thị trấn Prokhorovka, quân Xô viết ban đầu chỉ chống đỡ, sau đó chuyển sang phản công.

Một khu vực rộng hàng trăm kilomet quanh Kursk đã biến thành một doanh trại khổng lồ với hàng ngàn xe tăng, khẩu pháo và hàng triệu con người, cả binh sĩ và dân thường (những người tham gia xây dựng công sự).

Quân Đức tấn công theo 2 hướng, từ phía bắc và phía nam Kurk với ý đồ trói gọn Tập đoàn quân số 5 của Liên Xô. Tuy nhiên chúng đã vấp phải sức kháng cự vô cùng mãnh liệt và bị sa lầy ở đây.

Cuộc tiến công chính diễn ra vào ngày 12/7/1943 và trận đánh diễn ra quyết liệt trong vài ngày liền. Ngọn lửa chiến tranh bùng lên dữ dội ở gần địa danh Prokhorovka (Nga), nơi hai mũi nhọn thiết giáp của 2 phe đấu đầu trực tiếp để hủy diệt lẫn nhau.

Theo nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, đội hình tăng lâm chiến của 2 bên gồm tới 1.500 xe tăng (khoảng 800 chiếc của Liên Xô và 700 chiếc của Đức Quốc xã), quần thảo nhau trên một mặt trận rất nhỏ - chỉ dài có 20km.

Địa ngục chiến tranh

Một chiến sĩ Hồng quân tham gia trận đánh này - Evgeny Shkurdalov, anh hùng Liên Xô, về sau kể lại rằng những gì ông được chứng kiến vào ngày 12/7 gần Prokhorovka là “kết tinh” của những điều khủng khiếp nhất trong chiến tranh.

Bản đồ mặt trận Prokhorovka năm 1943. Ảnh: scout.com.
Bản đồ mặt trận Prokhorovka năm 1943. Ảnh: scout.com.

Shkurdalov nhớ lại: “Đội hình chiến đấu của đôi bên đan cài vào nhau. Những chiếc xe tăng trúng phải hỏa lực bắn thẳng phát nổ trong lúc đang lao với tốc độ nhanh. Những tháp pháo nổ tung và những xích sắt bay vèo trên không trung. Không còn nghe nổi những phát đại bác riêng lẻ nữa vì chúng đã tan chảy và kết thành tiếng gầm vang chói tai. Có những lúc khói súng đậm đặc đến nỗi chúng tôi chỉ phân biệt được xe tăng của phe mình với phe địch bằng hình bóng in trên khói. Lính tăng dính lửa nhảy ra khỏi các xe tăng bốc cháy và lăn lộn trên đất để cố dập lửa trên người”.

Hàng ngàn lệnh chỉ huy qua điện đài bằng 2 thứ tiếng (Nga và Đức –ND) chứa đựng cả những lời chửi rủa và ngập đầy lòng hận thù đến độ người ta có cảm giác làn sóng điện cũng đủ sức giết chết con người.

Cựu binh Abram Ekhilevsky nhớ lại những khoảnh khắc khủng khiếp của trận chiến Prokhorovka: “Có những lúc xe tăng hai bên chỉ đơn giản húc thẳng vào nhau, lao đè lên nhau. Mọi thứ đều bốc cháy. Chưa từng có điều gì như thế này xảy ra trong lịch sử loài người”.

Chỉ riêng ngày 12/7 đó, hai phe đã mất hàng trăm xe thiết giáp và hàng ngàn quân nhân. Nhiều người lính đã bị thiêu sống trong chiến xa hoặc đơn giản là tan xác hoàn toàn sau khi trúng phải những loạt đạn pháo.

Tranh vẽ cảnh bộ binh và xe tăng Liên Xô cận chiến với lực lượng panzer (thiết giáp) của Đức. Ảnh: scout.com.
Tranh vẽ cảnh bộ binh và xe tăng Liên Xô cận chiến với lực lượng panzer (thiết giáp) của Đức. Ảnh: scout.com.

Trong cuộc đối đấu giữa các đơn vị cận vệ của Hồng quân Liên Xô và các sư đoàn tăng Panzer SS tinh nhuệ của quân phát xít ở Prokhorovka, phía Liên Xô mất tổng cộng khoảng 500 chiếc xe tăng và pháo tự hành, còn con số thiệt hại của Đức là khoảng 300.

Ý nghĩa trận đánh

Trong ngày 12/7/1943, không bên nào đạt được mục tiêu nhưng về sau lợi thế nghiêng dần về phía Hồng quân.

Giá trị chính của trận Prokhorovka nằm ở chỗ binh sĩ Liên Xô đã giáng đòn mạnh nhất của họ và chặn đứng thành công các sư đoàn Panzer SS khi đó đang cố tiến về vòng cung Kursk. Hồng quân đã hủy hoại tinh thần chiến đấu của lực lượng tăng thiết giáp Đức, khiến chúng đánh mất niềm tin về một chiến thắng của người Đức.

Sau chiến dịch Kursk, quân đội Đức không tiến thêm chút nào nữa và bắt đầu mất dần các lãnh thổ mà chúng chiếm được trước đây.

Đồ họa về chiến dịch Kursk. Ảnh: RIA Novosti.
Đồ họa về chiến dịch Kursk. Ảnh: RIA Novosti.

Giới sử học Nga cho rằng thất bại của Đức ở vòng cung Kursk đã đập tan xương sống của cỗ máy chiến tranh phát xít Đức và là một bước ngoặt nữa của Thế chiến 2 (sau trận Stalingrad).

Ký ức người trong cuộc

Chiến sự ở mạn nam của vòng cung Kursk thực sự bắt đầu vào ngày 4/7/1943. Tuy nhiên các sự kiện chính phải đến rạng sáng 5/7 mới diễn ra. Khi đó quân Đức tung đòn mạnh đầu tiên bằng các đội hình thiết giáp.

Sáng hôm đó, sĩ quan chỉ huy của Sư đoàn tăng Panzer SS số 1 Obergruppenführer Josef Dietrich, đi xe tới gần các cỗ tăng chiến Tiger và nghe thấy một sĩ quan hét lên với mình: “Chúng ta sẽ ăn trưa ở Kursk!” Thế nhưng quân SS sau đó không thể ăn trưa hay ăn tối ở Kursk.

Lúc 8h30 sáng ngày 12/7, lực lượng tiến công của Liên Xô mở cuộc phản công nhằm vào Tập đoàn quân Panzer số 4 của Đức. Nhận thức rõ nếu cuộc phản công của Hồng quân mà thành công thì toàn bộ Cụm Tập đoàn quân phía Nam của Đức sẽ bị đập tan, Tư lệnh Đức Erich von Manstein liền quăng tất cả binh lực trong tay ra để đối phó với đòn tiến công của Liên Xô. Một cuộc giao chiến khốc liệt nổ ra trên tuyến mặt trận kéo dài hơn 200km.

Chiến sự đẫm máu nhất vào hôm 12/7 ở khu vực đầu cầu Prokhorovka – đây là một dải đất bị Đức chiếm giữ sau một trận cận chiến vào hôm 11/7. Có lợi thế chiếm sẵn đầu cầu, bộ phận chính của quân đoàn Panzer SS quay ra ứng chiến. Bộ chỉ huy Liên Xô lúc đó tung ra đòn tấn công chính của mình.

Tư lệnh Xô viết Pavel Rotmistrov kể: “Sau vài phút bắn pháo trong hành tiến, đội hình tấn công gồm các binh đoàn tăng 29 và 18 của chúng tôi thọc sâu nhanh chia cắt đội hình Đức Quốc xã”.

Các xe tăng Tiger và Panther của Đức đã mất lợi thế hỏa lực khi bất ngờ gặp phải các xe tăng T-34 của Liên Xô và thậm chí các xe tăng T-70 nhẹ hơn ở cự ly gần.

Chiến trường cuồn cuộn khói và bụi. Mặt đất rung lên vì những phát đại bác. Xe tăng 2 bên một khi đã quần thảo với nhau thì sẽ đánh tới cùng. Các xe tăng bị khựng lại vì đứt xích vẫn tiếp tục tham chiến nếu súng ống trên xe còn hoạt động được.

Sĩ quan xe tăng Yevgeny Shkurdalov nhớ lại: “Tôi hạ được chiếc xe tăng đầu tiên của địch khi tôi đang di chuyển dọc theo một nhà ga xe lửa. Lúc đó ở cự ly 100m tôi phát hiện một xe tăng Tiger nằm bên sườn và nhả đạn vào các xe tăng đồng đội của tôi.

Có vẻ như chiếc tăng Đức này đã tiêu diệt nhiều xe tăng của chúng tôi bằng cách tấn công vào cạnh bên của các xe đó. Tôi nhắm một quả đạn pháo xuyên giáp vào chiếc xe địch và khai hỏa. Chiếc xe tăng Đức bốc cháy. Tôi bồi thêm phát nữa và xe tăng địch bốc cháy dữ dội hơn nữa.

Kíp lính Đức trong chiếc xe kia bò ra khỏi xe tăng nhưng tôi không truy kích bọn này mà đi vòng qua xe tăng của chúng và bắn cháy thêm một chiếc T-III và Panther. Khi hạ được chiếc Panther, một cảm giác vui sướng rất khó tả dâng trào trong tôi”.

Trong khi đó, bên kia chiến tuyến, lính tăng Đức Wilhelm Res kể lại: “Đột nhiên một chiếc T-34 xông lên và lao về mạn phải của chúng tôi. Điện đài viên trên xe bắt đầu đưa tôi đạn để nhét vào pháo. Lúc đó chỉ huy của tôi ở phía trên liên tục hô “Bắn! Bắn!” vì chiếc xe kia đang tiến rất sát. Đến sau tiếng hô “Bắn” thứ 4 tôi mới nghe thấy câu “Ơn Trời”. Rồi sau đó một lúc, chúng tôi xác định chiếc T-34 đã dừng ở vị trí chỉ cách chúng tôi 8m. Ở trên tháp pháo xe này có một lỗ thủng 5cm.”

Một tài liệu từ Kho tàng thư trung ương của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn: “Xe tăng T-34 của Đại úy Skripkin, chỉ huy tiểu đoàn 2 của lữ đoàn 181 thuộc binh đoàn tăng 18, đã lọt vào giữa đội hình tăng Tiger của Đức và bắn hạ 2 xe địch. Sau đó một quả đạn 88mm đánh trúng tháp pháo chiếc T-34 và một quả đạn khác xuyên thủng lớp giáp bên sườn.

Chiếc xe tăng Xô viết bắt lửa và Đại úy Skripkin bị thương được lái xe Nikolayev và điện đài viên Zyryanov lôi ra khỏi xe tăng bốc cháy. Họ nấp trong một hố bom. Thế nhưng một trong các xe tăng Tiger của Đức đã phát hiện ra và tiến về chỗ họ. Nikolayev và chiến sĩ nạp đạn Chernov liền nhảy lên chiếc xe tăng bốc cháy của mình, khởi động lại chiếc xe và lao thẳng nó vào chiếc xe Tiger. Cả hai xe tăng phát nổ khi va chạm mạnh vào nhau”./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN/ RT.com, RBTH.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm