1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trận chiến tại Syria: Khó dễ không chỉ riêng ai

Thay đổi cơ bản thực trạng chiến sự, tương quan lực lượng và cục diện quan hệ giữa các bên liên quan ở Syria hiện tại khiến tất cả các bên vừa dễ lại vừa khó trong thực hiện lợi ích chiến lược của họ.

Trận chiến tại Syria: Khó dễ không chỉ riêng ai - 1

"Viên đá lăn" tạo phản ứng dây chuyền là Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội vào Syria. (Minh họa của realclearpolitics.com)

Không phải việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) được giải quyết như thế nào trước thời hạn ngày 31/10 tới, không phải chuyện Mỹ và Triều Tiên sẽ lại như thế nào với nhau sau thất bại của vòng đàm phán vừa rồi ở Stockholm (Thuỵ Điển), cũng chẳng phải diễn biến tiếp theo đây của mối bất hoà giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh sau khi con tàu chở dầu Sabiti của Iran bị bốc cháy mà tình hình chiến sự và tương lai chính trị cho Syria hiện mới thu hút sự quan tâm hàng đầu của công chúng.

Mỹ: Bỏ cái khó chỗ này, cầu dễ nơi khác

"Viên đá lăn" tạo phản ứng dây chuyền ở Syria và liên quan đến Syria lần này là Mỹ thực hiện quyết định rút quân đội ra khỏi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội vào Syria tiến hành những cuộc tấn công nhằm vào lực lượng vũ trang YPG - có nghĩa là Lực lượng phòng thủ nhân dân - của người Kurd ở vùng lãnh thổ đông bắc của Syria.

Mỹ rút quân ra, Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào cũng như chiến sự giờ không còn chủ yếu giữa quân đội chính phủ Syria - được Nga hậu thuẫn - với lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Syria hay giữa quân đội Mỹ cùng YPG với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) mà giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng YPG - Syria hiện tại là như thế.

Sự thay đổi cơ bản thực trạng chiến sự, tương quan lực lượng và cục diện quan hệ giữa các bên liên quan ở Syria như hiện tại đang diễn ra khiến tất cả các bên liên quan vừa dễ lại vừa khó trong việc thực hiện lợi ích chiến lược của họ ở Syria và có tác động chi phối trực tiếp đến tương lai của đất nước này về chính trị xã hội và vì thế cũng còn ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện địa chiến lược ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh trong thời gian tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria trong thực chất là hành động "bỏ của chạy lấy người". Tất cả những đồng minh chiến lược của Mỹ ở trong khu vực cũng như ở châu Âu và cả bộ phận không nhỏ có uy thế trong Đảng Cộng hoà của ông Trump ở Mỹ coi đấy là quyết định sai lầm lớn nhất và nghiêm trọng nhất của ông Trump kể từ khi lên cầm quyền ở Mỹ đến nay.

Họ nhận định như vậy bởi chỉ nhìn vài việc Mỹ suy giảm vai trò và ảnh hưởng ở khu vực này nói riêng và trên thế giới nói chung. Ông Trump lại hành động không theo ý họ vì mục tiêu theo đuổi được ưu tiên nhất là tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vài năm tới ở nước Mỹ. Ông Trump phải bỏ cái khó ở chỗ này để cầu cái dễ ở chỗ khác.

Cái khó đối với ông Trump là rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria làm sao để trên thực tế không bị coi là vắt chanh bỏ vỏ đồng minh, không phải để cho Thổ Nhĩ Kỳ muốn hành động quân sự như thế nào cũng được ở Syria, không phải sắp cỗ cho Nga, Iran và chính phủ Syria xơi và không phải để rồi sau này, nhất là vào thời điểm ngay trước cuộc bầu cử tổng thống tới ở Mỹ, phải thú nhận là đã sai lầm chiến lược. Vì thế, ông Trump đã gần như ngay lập tức làm găng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ: Lợi chung, khó riêng

Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria, những bên được lợi nhiều nhất là chính phủ Syria, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tuy nhiên, cả bốn bên này cũng lại đều có cái khó riêng. Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội lần thứ 3 sang Syria. Nhưng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng YPG cho dù quan trọng đối với nước này đến đâu thì cũng vẫn không thể được đồng minh hay đối tác chiến lược nào của Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.

Mỹ và EU đã và đang tính cách trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Lần này, Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm thực hiện bằng được việc hình thành hành lang an ninh dọc tuyến biên giới với Syria, đè bẹp YPG và hồi hương người Syria hiện đang tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ về khu vực hành lang này, tức là giải quyết dứt điểm hoặc ít nhất thì cũng một cách cơ bản, vấn đề người Kurd, vấn đề an ninh ở khu vực biên giới với Syria và vấn đề người Syria tỵ nạn.

Cái khó đối với Thổ Nhĩ Kỳ là YPG và người Kurd ở vùng miền bắc Syria bị đẩy sang phía chính phủ Syria và quân đội chính phủ Syria có cớ để tiến vào khu vực lãnh thổ do người Kurd kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ phải thận trọng khi giao tranh vũ trang với YPG rất có thể lây lan hoặc biến dạng thành đụng độ quân sự trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria, thậm chí cả với quân đội Nga nữa. Thổ Nhĩ Kỳ không thể tránh khỏi gặp khó khăn lớn với Mỹ, EU và NATO.

Mỹ rút quân khỏi Syria thì đương nhiên Nga được rảnh tay hơn và thắng thế ở Syria. Nhưng một khi Thổ Nhĩ Kỳ vượt quá giới hạn của thoả thuận với Nga về hành lang an ninh ở dọc biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria thì sẽ không còn là chuyện hợp tác nữa mà trở thành đối địch nhau giữa hai bên ở nơi này.

Nga sẽ khó có thể đạt được yêu cầu đặt ra cho Thổ Nhĩ Kỳ và cũng đã được Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận là chính phủ Syria chứ không phải Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát và quản lý vùng lãnh thổ của Syria giáp biên với Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cần thúc đẩy quá trình soạn thảo hiến pháp mới cho Syria trong khi chiến sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và YPG làm trì hoãn, gây thêm khó khăn và thậm chí còn có thể cả huỷ hoại tiến trình này.

Và rủi ro an ninh đối với tất cả là tình hình chính trị an ninh càng biến động phức tạp, càng hỗn độn và bạo lực, các bên càng chống đối và kèn cưah nhau nhiều hơn chứ không hợp tác thì càng có điều kiện và tiền đề thuận lợi cho các tổ chức và phần tử khủng bố cực đoan, kể cả IS hồi sinh và lại trỗi dậy ở Syria và khu vực.

Theo Dịch Dung

Thế giới & Việt Nam