1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến sự Syria leo thang, thế giới lo ngại "IS phiên bản 2" trỗi dậy

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), liên minh do người Kurd lãnh đạo, được quân đội Mỹ hậu thuẫn, chịu trách nhiệm bảo vệ khoảng 20 nhà tù giam giữ 10.000 thành viên Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Người Kurd chỉ có 400 người bảo vệ hơn số tù nhân này cùng với hàng chục nghìn thân nhân các tù nhân IS. Vì thế, người ta lo ngại rằng nhân lúc SDF phải dồn quân trên chiến tuyến, IS có thể cướp ngục và tập hợp lại lực lượng và hồi sinh.

Phát động chiến dịch quân sự “Mùa xuân Hòa bình”, chính quyền Ankara tuyên bố muốn xây dựng “vùng an toàn” sâu 30km trên biên giới lãnh thổ Syria. Nếu người Kurd mất phần lãnh thổ đang kiểm soát ở khu vực biên giới phía Bắc Syria, nhiều cơ sở giam giữ sẽ rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ trong khi, kiểm soát tù nhân cũng được cho là một trong những “lá bài mặc cả” cuối cùng của người Kurd. 

Chiến sự Syria leo thang, thế giới lo ngại IS phiên bản 2 trỗi dậy - 1

Lực lượng dân quân người Kurd chỉ có 400 người canh giữ hàng chục nghìn tù nhân và thân nhân IS ở miền Bắc Syria

Cơ hội để IS hồi sinh

SDF vẫn giữ bí mật về nhiều cơ sở giam giữ của họ, chỉ một số ít nhà báo, nhà nghiên cứu và nhân viên cứu trợ nhân đạo nước ngoài được phép tiếp cận. Chỉ biết, trong cuộc chiến kéo dài 5 năm với IS, các chiến binh người Kurd đã tiếp quản các nhà tù của Syria cũng như tận dụng các trường học hoặc trụ sở cơ quan cũ để lập các trại tạm giam để quản lý tù binh IS. 

Theo một báo cáo gần đây của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở tại Washington, các đối tác liên minh phương Tây đã không thể đóng góp nhiều hơn để SDF củng cố các cơ sở giam giữ hiện có. Theo quy định bắt buộc, số tiền mà SDF nhận được từ Mỹ không được sử dụng để xây dựng các cấu trúc mới, bao gồm các nhà tù tốt hơn.

 Trong số gần 10.000 thành viên IS đang bị người Kurd giam giữ, khoảng 2.000 người là các chiến binh nước ngoài đến từ hơn 40 quốc gia. Các tay súng nước ngoài nói chung là những người có tư tưởng cực đoan cứng rắn, so với nhiều người Iraq và Syria tham gia IS vì lý do kinh tế - xã hội hơn là lý do ý thức hệ. Ngoài các trại giam nghi phạm IS, khu trại giam giữ vợ con của các chiến binh IS cũng không thể không cảnh giác. Trong số này, trại Hol - nơi kiểm soát khoảng 70.000 phụ nữ và trẻ em - có thể là một rủi ro đặc biệt, vì nó có chế độ an ninh lỏng lẻo, trong khi một số phần tử nữ cũng có biểu hiện cực đoan và bạo lực.

Trại Hol được bao quanh bởi một hàng rào mỏng và thậm chí không có các biện pháp phòng ngừa an ninh cơ bản như đèn rọi, trang Sly và Ryan đưa tin tuần qua. Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, chỉ huy hàng đầu của SDF, Tướng Mazloum Abdi cho biết, các lính gác người Kurd không thể kiểm soát trại 100%.

Hiện giờ người Kurd cho biết, họ có thể phải rút lính canh từ các cơ sở giam giữ để chống chọi lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới Syria. Ông Jelal Ayaf, một quản lý cấp cao của trại giam tại Ain Issa nói với truyền thông địa phương rằng, ngày 13-10, 859 người đã trốn thoát khỏi khu vực của cơ sở này. Một số ít đã bị bắt lại, nhưng quan chức này cũng cảnh báo rằng những kẻ bên ngoài phối hợp với phần tử IS bên trong tấn công lính canh và mở cổng trại. “Nếu hơn 10.000 tù nhân này nổi dậy, họ có thể dễ dàng khống chế bảo vệ, thậm chí giết bảo vệ rồi bỏ trốn”, một lãnh đạo người Kurd cảnh báo. Một khi tù nhân IS trốn thoát, bọn họ có thể tập hợp lại, xây dựng lại lực lượng và hồi sinh, lúc đó, nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm diệt trừ tận gốc nhóm khủng bố cực đoan này sẽ đổ xuống sông xuống biển.

Chiến sự Syria leo thang, thế giới lo ngại IS phiên bản 2 trỗi dậy - 2

Chiến chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo cơ hội lớn để tổ chức thánh chiến IS hồi sinh

Đông Nam Á có nguy cơ cao

Cách quê nhà hàng nghìn km, hàng trăm chiến binh IS được tuyển mộ từ Malaysia và Indonesia đã bị nhốt trong các nhà tù Syria kể từ khi nhóm khủng bố này sụp đổ hồi đầu năm nay. Nguy cơ các tù nhân IS được tự do và hoành hành trở lại cũng là nỗi lo với Malaysia và Indonesia, vì Malaysia có 65 công dân ở miền Bắc Syria trong khi Indonesia có “vài trăm người”.

Các quan chức an ninh Malaysia cho rằng, có khả năng các chiến binh thánh chiến trốn thoát để đến một nước thứ ba hoặc trở về Malaysia. Nếu họ hồi hương, rất có khả năng họ sẽ tuyển thành viên mới và mở các cuộc tấn công, ông Ayob Khan Mydin Pitchay, người đứng đầu chi nhánh chống khủng bố đặc biệt của Cảnh sát Malaysia cho biết. “Trong số 65 người Malaysia ở miền bắc Syria, 11 người là chiến binh IS hiện đang ở trong tù. Trong số còn lại, 40 người bao gồm cả phụ nữ và trẻ em đã liên hệ với chúng tôi, bày tỏ mong muốn được về nước”, ông Ayob Khan nói thêm.

Đại diện cảnh sát chống khủng bố Malaysia nói rằng, trong số 11 chiến binh IS trở về Malaysia, 8 đàn ông đã bị đưa ra tòa xét xử và bị kết án vì các hoạt động liên quan đến khủng bố. “Những diễn biến mới nhất ở chiến trường Syria sẽ khiến chúng tôi gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc hồi hương công dân của mình. Việc này cần có điều kiện. Họ sẽ phải trải qua một chương trình thẩm vấn và cải tạo khi trở về”, đại diện cảnh sát chống khủng bố Malaysia cho biết.

Trong khi đó, một quan chức chống khủng bố cấp cao của Indonesia cho hay, công dân Indonesia ở Syria có số lượng lên tới hàng trăm người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. “Nếu họ quay trở lại qua con đường bất hợp pháp, chúng tôi sẽ khó phát hiện ra họ. Sự trở lại này sẽ làm hồi sinh mạng lưới khủng bố địa phương và củng cố tinh thần của bọn họ”, nguồn tin này nhận định.

 Hai năm trước, Indonesia đã hồi hương 18 công dân, chỉ có 3 người bị đưa ra xét xử, còn lại đều trải qua một chương trình cải tạo nhằm tẩy trừ tư tưởng cực đoan. Đến nay Jakarta vẫn đang xem xét cách tốt nhất để đối phó với những phần tử IS về nước. Một mô hình có thể tham khảo là Australia, nơi cũng có công dân bị giam giữ trong các trại và nhà tù ở Syria. Gần đây, Australia đã thông qua một đạo luật cho phép Chính phủ cấm bất cứ ai trên 14 tuổi và bị nghi ngờ có liên hệ với khủng bố về nước trong 2 năm.

Giáo sư Zachary Abuza, thuộc Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, người chuyên nghiên cứu về khủng bố và nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là cơ hội lớn cho tổ chức thánh chiến IS. Bởi khi lực lượng người Kurd ngơi ra, chiến binh IS sẽ tìm cách củng cố, xây dựng lại hàng ngũ của mình. Chuyên gia này đánh giá, một số tù nhân Malaysia và Indonesia là những chiến binh cứng rắn với kinh nghiệm chiến đấu và có khả năng chế tạo bom. “Tất cả cần được trả về cho các quốc gia Đông Nam Á một cách có kiểm soát”, ông Abuza nói. 

Tương tự, Ahmet Yayla, Giáo sư Tư pháp hình sự tại Đại học DeSales ở Mỹ cảnh báo: “Bất kỳ cuộc trốn thoát nào của chiến binh IS sẽ thúc đẩy sự hồi sinh của mạng lưới khủng bố. Đó sẽ là phiên bản thứ hai của IS”. Giáo sư Yayla dự đoán, bọn họ sẽ trốn thoát để đến châu Âu và Đông Nam Á nhưng khu vực Đông Nam Á có nguy cơ cao hơn vì trong quá khứ, đội quân IS từng tấn công khủng bố ở Paris và Bỉ nhưng sau đó bị các Chính phủ phương Tây săn lùng ráo riết ở Iraq và Syria.

Tóm lại, IS cần có thời gian để hồi phục, để tự thiết lập lại. Các mối đe dọa đối với Đông Nam Á và châu Âu dự kiến diễn ra trong 6 tháng tới, nhưng đối với Syria, nguy cơ đó là khẩn cấp, nó có thể trở thành hiện thực rất nhanh.

“Tình hình bất ổn này sẽ đem đến cơ hội rộng mở cho quân IS. Bất kỳ cuộc trốn thoát nào của chiến binh IS sẽ thúc đẩy sự hồi sinh của mạng lưới khủng bố. Đó sẽ là phiên bản thứ hai của IS. Bọn họ sẽ trốn thoát để đến châu Âu và Đông Nam Á nhưng khu vực Đông Nam Á có nguy cơ cao hơn vì trong quá khứ, đội quân IS từng tấn công khủng bố ở Paris và Bỉ nhưng sau đó bị các Chính phủ phương Tây săn lùng ráo riết ở Iraq và Syria”

Ông Ahmet Yayla (Giáo sư Tư pháp hình sự tại Đại học DeSales, Hoa Kỳ)

Theo Yến Chi

An ninh thủ đô