1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trận chiến chưa từng có trên tiền tuyến giao tranh Nga - Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine lần đầu tiên chỉ sử dụng các thiết bị mặt đất không người lái và máy bay không người lái để tấn công các vị trí của Nga trên tiền tuyến.

Trận chiến chưa từng có trên tiền tuyến giao tranh Nga - Ukraine - 1

Một binh lính điều khiển máy bay không người lái FPV khi sư đoàn máy bay không người lái thuộc tiểu đoàn 244, lữ đoàn 112 tham gia tập trận gần Kramatorsk, Ukraine vào tháng 10 (Ảnh: Getty).

Một phát ngôn viên của quân đội Ukraine ngày 20/12 tuyên bố lực lượng Ukraine đã tấn công thành công vào các vị trí của Nga chỉ bằng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) và thiết bị mặt đất không người lái, thay vì triển khai lực lượng bộ binh.

Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, Trung sĩ Volodymyr Dehtiarov, phát ngôn viên của Lữ đoàn Khartiia thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, cho biết "hàng chục đơn vị robot và thiết bị không người lái" với sự yểm trợ của máy bay không người lái trinh sát đã được sử dụng trong cuộc tấn công gần làng Lyptsi, phía bắc Kharkov.

Ông Dehtiarov cho biết các thiết bị không người lái được triển khai trong trận chiến bao gồm các hệ thống mặt đất được trang bị súng máy và máy bay không người lái tự sát FPV.

Bình luận về thông tin trên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết cuộc tấn công đã cho thấy sự thay đổi trong các cuộc giao tranh trên tiền tuyến giữa Nga và Ukraine.

"Các quan chức Ukraine đã nhiều lần nhấn mạnh những nỗ lực của Ukraine trong việc sử dụng công nghệ cải tiến và khả năng tấn công bất đối xứng để bù đắp cho những hạn chế về nguồn nhân lực, trái ngược với việc Nga sẵn sàng chấp nhận tỷ lệ thương vong đáng kể để giành được những lợi ích lãnh thổ nhỏ", ISW nhận định.

Ukraine đang phát triển nhiều loại hệ thống thiết bị không người lái mới.

Trận chiến chưa từng có trên tiền tuyến giao tranh Nga - Ukraine - 2

Robot chiến đấu của Ukraine (Ảnh: Hromadske).

Các nhà phát triển công nghệ quân sự đã tạo ra một loại phương tiện mặt đất không người lái (UGV) mới có khả năng mang thuốc nổ và chạy dưới xe bọc thép, người phát ngôn của dự án, Viktoriia Kovalchuk, nói với trang tin Business Insider hồi tháng 10.

UGV, có tên là Ratel S hoặc Honey Badger, được phát triển như một phần của sáng kiến Brave1 của chính phủ Ukraine.

Sáng kiến này được đưa ra vào tháng 4 để đầu tư vào các cải tiến công nghệ quốc phòng có thể được quân đội Ukraine sử dụng, cũng như đóng vai trò là nền tảng kết nối các bên liên quan.

"Ý tưởng chính là robot (Ratel S) được sử dụng như một đầu đạn di động mang theo mìn chống tăng hoặc các thiết bị nổ khác", ông Kovalchuk cho biết, đồng thời nói thêm rằng nó có thể chạy trong 40-50 phút ở tốc độ trung bình hoặc trong tối đa 2 giờ ở tốc độ chậm hơn.

Nhiều công ty ở Ukraine đã được lập ra để ứng phó với tình hình chiến trường thay đổi nhanh chóng, bao gồm sự xuất hiện của các thiết bị không người lái, đầu tiên là máy bay không người lái (UAV), sau đó là thiết bị trên bộ (UGV) và thiết bị trên biển (USV). Đi kèm sự xuất hiện của các robot chiến đấu là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển, cũng như thiết bị chống vũ khí không người lái.

Halyna Yanchenko, một nhà lập pháp Ukraine, cho biết: "Ngành công nghiệp quân sự của Ukraine là ngành đổi mới nhanh nhất trên toàn thế giới hiện nay".

Tuy nhiên, Nga cũng không ngồi yên trước đà tiến của đối thủ. Hồi tháng 9, Nga cho biết sẽ tăng số lượng UAV sản xuất trong năm nay lên gấp 10 lần để đảm bảo chiếm ưu thế trên chiến trường với Ukraine.

Cả Kiev và Moscow đều tăng tốc trong cuộc đua sản xuất những vũ khí giá rẻ, có thể điều khiển từ xa để tấn công mục tiêu đối phương, gồm cả UAV, UGV và USV. Vào tháng 2, quân đội Ukraine thừa nhận việc UAV Nga chiếm ưu thế trên không khiến Kiev khó di chuyển tự do và xây dựng công sự hơn.

Ukraine hiện có hơn 160 công ty chế tạo UGV. Chúng có thể được sử dụng để cung cấp vật tư tiếp tế, sơ tán người bị thương hoặc mang theo súng máy điều khiển từ xa để tấn công đối thủ.

Nga cũng đã triển khai các robot chiến đấu, thậm chí robot ứng dụng AI ra tiền tuyến với khả năng tự phát hiện và khóa mục tiêu.

Herman Smetanin, Bộ trưởng công nghiệp chiến lược giám sát sản xuất vũ khí thời chiến Ukraine, cho biết tác chiến từ xa, bao gồm cả việc sử dụng AI, đang gia tăng.

"Trong tương lai gần, đây sẽ là hướng phát triển chính, cuộc chiến của robot. Nó liên quan đến mạng sống của con người, chúng ta cần bảo vệ họ", ông nhấn mạnh.

Theo Kyiv Independent