Trạm McMurdo - căn cứ biệt lập lớn nhất của con người ở Nam Cực
(Dân trí) - Trạm McMurdo là căn cứ lớn nhất do con người xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học tại châu Nam Cực. Tuy nhiên, du khách dù có trả nhiều tiền đến đâu cũng không thể vào cơ sở này.
Giữa một vùng băng tuyết lạnh giá, trạm nghiên cứu McMurdo của Mỹ được xây dựng như một căn cứ chính của con người tại Nam Cực. Tại đây, các nhà khoa học trên toàn thế giới tụ hội về để nghiên cứu những bí ẩn nằm sâu dưới lớp băng vĩnh cửu ở châu lục không người sinh sống này.
Lịch sử của trạm McMurdo
Trạm nghiên cứu McMurdo được xây dựng nhằm phục vụ cho Chương trình Nghiên cứu Nam Cực trực thuộc Quỹ Khoa học Quốc gia của Mỹ. Được khánh thành vào ngày 16/2/1956, căn cứ này đặt tại phần cực nam của đảo Ross, một đảo núi lửa từng được New Zealand tuyên bố chủ quyền.
Trạm McMurdo được đặt theo tên của nhà hàng hải người Scotland Archibald McMurdo (1812-1875). Trong cuộc đời bôn ba trên biển của mình, thuyền trưởng McMurdo đã có những cuộc thám hiểm mang tính cách mạng đến khu vực phía bắc vịnh Hudson ở Canada, Nam Cực và bờ biển phía Tây châu Phi.
Nằm ở độ cao hơn 10 m so với mực nước biển, trạm McMurdo được coi là cửa ngõ của cả châu Nam Cực khi nó là trạm trung chuyển chính cho tất cả các chuyến thám hiểm đến khu vực này.
Giữ vai trò như một thị trấn thu nhỏ, trạm McMurdo được xây dựng với tổng cộng 85 tòa nhà cùng nhiều cơ sở vật chất quan trọng như bến cảng, sân bay trực thăng, ký túc xá, khu hành chính, trạm điện, nhà thờ, quán bar, và khu xử lý chất thải.
Cuộc sống của con người tại trạm McMurdo
Khối lượng cơ sở vật chất đồ sộ tại trạm McMurdo cho phép gần 1300 người (đa phần là nhà khoa học và nhân viên kỹ thuật) có thể lưu trú và làm việc trong cùng một thời điểm.
Do đặc thù công việc, khoảng 70% số lượng nhà khoa học và nhân viên của trạm McMurdo là nam. Nhưng những năm gần đây, số lượng nhà khoa học và nhân viên nữ đến nghiên cứu và làm việc tại McMurdo đã tăng lên đáng kể.
Đa phần, việc nghiên cứu tại trạm McMurdo được diễn ra vào mùa hè do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và di chuyển. Vì lẽ đó, các thành viên của trạm thường làm việc ít nhất 6 ngày 1 tuần nhằm tận dụng khoảng thời gian mùa hè ngắn ngủi để hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu.
Việc tiếp tế cho trạm McMurdo được thực hiện bằng cả đường biển và đường hàng không. Thông thường, phần lớn nhu yếu phẩm và thiết bị cho McMurdo được vận chuyển đến Nam Cực trong một chuyến tàu vào tháng 1 hoặc tháng 2 hàng năm.
Trong thời gian mùa hè, khi tuyết tan bớt, quân đội Mỹ và New Zealand có thể thực hiện những chuyến bay bằng vận tải cơ C-17 chở người và hàng hóa đến trạm nghiên cứu này. Ngoài ra, những chuyến bay dịch vụ bằng máy bay chở khách chuyên dụng cũng thường được thuê để bay đến McMurdo. Trước mỗi chuyến bay, một lượng lớn nhân lực từ trạm sẽ được giao nhiệm vụ san ủi nhằm tạo ra các đường hạ cánh dã chiến trên bề mặt băng vĩnh cửu tại đây.
Tuy vẫn có rau xanh và thịt cá tươi, thực phẩm được vận chuyển đến trạm McMurdo đa phần là đồ hộp. Nhờ đặc điểm khí hậu lạnh giá quanh năm, đồ ăn đóng hộp có thể được bảo quản trong một khoảng thời gian rất dài tại McMurdo. Các cựu nhân viên của trạm McMurdo cho biết họ thường xuyên bắt gặp những món đồ hộp đã hết hạn hàng năm trời nhưng chất lượng vẫn đảm bảo.
Với những người từng sống và làm việc tại McMurdo, điểm trừ lớn nhất của trạm nghiên cứu này là hệ thống mạng internet tốc độ thấp. Michelle Endo, một blogger người Mỹ từng làm việc tại khu bếp ở trạm McMurdo cho biết, vào mùa hè, cô sẽ cảm thấy vô cùng may mắn nếu gửi thành công 1 tin nhắn Facebook Messenger trong vòng 10 phút. Chính vì đường truyền không ổn định do vị trí địa lý và điều kiện thời tiết ở đây, liên lạc với đất liền trở nên rất hạn chế và phần lớn được thực hiện qua sóng radio.
Những điều thú vị về trạm McMurdo
Có rất nhiều câu chuyện kỳ thú về một trong những trạm nghiên cứu biệt lập nhất thế giới đặt tại Nam Cực này.
Đầu tiên, ít người biết rằng đã có một nhà máy điện hạt nhân được xây dựng nhằm phục vụ cho hoạt động của trạm McMurdo. Ngày 3/3/1962, Hải quân Mỹ đưa vào sử dụng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ PM-3A nhằm đảm bảo nhu cầu năng lượng cho McMurdo. Nhà máy điện hạt nhân này được sử dụng cho đến năm 1972. Từ đó trở đi, trạm McMurdo sử dụng năng lượng được tạo ra qua hệ thống máy phát chạy bằng dầu diesel.
Trạm McMurdo cũng là nơi đặt trụ sở của trạm cứu hỏa duy nhất của châu Nam Cực. 2 máy rút tiền tự động ATM duy nhất của châu lục này cũng nằm trong khuôn viên của trạm McMurdo. Hai máy ATM này sử dụng dịch vụ của ngân hàng Wells Fargo, Mỹ.
Tiếp đó, trạm McMurdo không phải là một địa điểm du lịch. Du khách dù có trả nhiều tiền đến đâu cũng không thể đặt chân đến trạm nghiên cứu này. Cách duy nhất để có mặt tại trạm McMurdo là đăng ký làm việc tại đây với tư cách một nhà khoa học hoặc một kỹ thuật viên hay nhân viên phục vụ. Đáng chú ý, tất cả những người từng làm việc và phục vụ tại McMurdo đều nhận được huy chương Phục vụ Nam Cực của quân đội Mỹ.
Cuối cùng, do điều kiện sống biệt lập xa gia đình, các nhà khoa học và nhân viên của trạm McMurdo được cho là tiêu thụ khá nhiều đồ uống có cồn trong quá trình làm việc. Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung, khẩu phần rượu và bia đã được áp dụng cho toàn bộ nhân sự tại McMurdo. Theo đó, các nhân viên tại trạm nghiên cứu này được phép mua tối đa 1 chai rượu lớn hoặc 12 lon bia một tuần. Tùy theo mùa, khẩu phần này có thể tăng lên 6 lon bia và 1 chai rượu nhỏ.