1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trái ngọt ‘đầu đời’ trong tiến trình hòa bình Syria

Kết quả đạt được tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga chủ trì là những tín hiệu lạc quan đối với tiến trình hòa giải dân tộc Syria thời kỳ hậu chiến trong bối cảnh nhiều vòng hòa đàm về vấn đề Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc không đạt được những đột phá cụ thể.


Ảnh: AP

Ảnh: AP

Những trái ngọt ban đầu

Từ ngày 29-30/1/2018, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria đã diễn ra tại thành phố Sochi (Nga). Kết thúc Đại hội, các bên liên quan đã ra tuyên bố chung gồm 12 điểm vạch rõ lộ trình cho tương lai của Syria thời kỳ hậu chiến.

Trong tuyên bố đưa ra, các bên tham gia bày tỏ sự tôn trọng đối với “chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất tại Syria, đồng thời yêu cầu chính phủ Syria thực thi đầy đủ nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế và khu vực, phù hợp với luật lệ, quy định và mục tiêu của Liên hợp quốc.

Tuyên bố nhấn mạnh, chỉ người dân Syria được quyền quyết định tương lai của quốc gia này thông qua các phương tiện dân chủ và qua các cuộc bầu cử công bằng, minh bạch. Họ có quyền lựa chọn hệ thống xã hội, kinh tế, chính trị của riêng mình mà không cần sự can thiệp hay sức ép từ bên ngoài.

Đặc biệt, tuyên bố nhấn mạnh, chính phủ Syria cần phải xây dựng một lực lượng quân đội quốc gia đoàn kết và vững mạnh, có thể thực thi nhiệm vụ theo hiến pháp và những tiêu chuẩn cao nhất, có chức năng bảo vệ khu vực biên giới, bảo vệ người dân khỏi những kẻ khủng bố. Việc tiến hành các hoạt động quân sự cần phải được thực hiện theo hiến pháp quốc gia.

Ngoài ra, các bên liên quan cũng đạt được sự nhất trí về việc hành lập Ủy ban Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến soạn thảo Hiến pháp. Ủy ban này gồm nhiều thành viên là đại diện của Chính phủ Syria và phe đối lập, với nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp mới cho Syria trong khuôn khổ lộ trình chính trị do Liên hợp quốc bảo trợ.

Tín hiệu lạc quan cho tiến trình hòa bình Syria

Các nhà phân tích về tình hình Syria cho rằng, trong bối cảnh các vòng hòa đàm về vấn đề Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc không đạt được những đột phá cụ thể nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm qua tại quốc gia Trung Đông này, việc Nga đứng ra chủ trì Đại hội Đối thoại dân tộc Syria lần đầu tiên được cho là tín hiệu quan trọng trong tiến trình hòa giải dân tộc Syria thời kỳ hậu chiến.

Đồng thời, Đại hội đối thoại dân tộc Syria cũng có vai trò quan trọng được cho là để lấp khoảng trống sau khi một loạt các cuộc hòa đàm về Syria chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura hoan nghênh kết quả của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria, coi đây là một đóng góp quan trọng đối với tiến trình hòa đàm Syria do Liên hợp quốc bảo trợ.

Đặc biệt, việc Liên hợp quốc công nhận tính hợp pháp của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria là bằng chứng cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức cuộc đối thoại tại Sochi.

Trong khi đó, Nga tuyên bố Đại hội Đối thoại dân tộc Syria là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc ở quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, mục đích của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria là chấm dứt cuộc cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua tại Syria, vạch ra lộ trình cho tương lai của Syria, mang đến một Hiến pháp mới mà dựa vào đó quốc gia Trung Đông này có thể tổ chức các cuộc bầu cử dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Vượt qua những nghi kỵ ban đầu, Nga đã chứng minh được rằng Đại hội diễn ra là vì quyền lợi của người dân Syria và phục vụ cho hòa bình Syria.

Ngày 31/1, tờ Al-Baath được mệnh danh là cơ quan ngôn luận của chính quyền Syria, cho rằng các cuộc đàm phán tại Sochi “khẳng định rằng tiến trình chính trị mà Nga dẫn đầu là cách tốt nhất để đặt dấu chấm hết cho các diễn biến bạo lực dẫn tới đổ máu” tại Syria. Tờ báo này còn cho rằng người dân Syria “đã mất niềm tin vào các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc chủ trì”.

Ông Maher Ihsan, chuyên gia về chính trị người Syria, cho rằng các nỗ lực của Nga tại Sochi là nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc cho các vòng đàm phán mới ở Geneva (Thụy Sĩ).

Như vậy, những kết quả bước đầu đạt được tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria, đã giúp người dân Syria thắp nên hy vọng về một nền hòa bình dài lâu và một tương lai tốt đẹp hơn sau nhiều năm chìm trong khói lửa chiến tranh.

Theo Đức Thức

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm