TPP - hạt giống cho một tập hợp các thỏa thuận rộng lớn hơn?
(Dân trí) - Các động thái chính sách mới của Mỹ tại APEC 19 được dư luận hết sức chú ý, trong số đó nổi bật là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP) do Mỹ chủ đạo và đã đạt được những tiến triển tại hội nghị châu Á-Thái Bình Dương lần này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ ba từ trái sang) tham dự cuộc họp cấp cao các thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TPP là gì?
"Mỹ muốn ký một hiệp định thương mại với 9 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào cuối năm 2012. Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ vượt ra ngoài phạm vi các giao dịch thương mại bình thường, để trở thành một mô hình, hoặc hạt giống cho một tập hợp các thỏa thuận rộng lớn hơn".
Đó là những tuyên bố mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra ngay trước Hội nghị cấp cao Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) mà Mỹ đăng cai lần đầu tiên sau 18 năm này.
Từ hơn 1 thập niên qua, APEC đã tìm cách xây dựng một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng tại Hội nghị tại Hawaii, Mỹ muốn hối thúc một số quốc gia xúc tiến việc đàm phán về một nhóm mậu dịch nhỏ hơn, đó là nhóm Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương.
TPP nguyên bản có hiệu lực từ năm 2006 chỉ bao gồm Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Năm 2008, Mỹ tuyên bố rằng tham gia đàm phán về hiệp định này.
Ngay sau tuyên bố của Mỹ, Australia, Malaysia, Peru và Việt Nam cũng tham gia vào cuộc đàm phán này. Các nước như Canađa, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc cũng đã thể hiện sự quan tâm đến TPP.
Thông tin mới nhất, hôm qua, 9 quốc gia tham gia TPP bao gồm Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã tuyên bố đạt được một phác thảo tổng quát về một hiệp định nhằm thành lập một khu vực tự do mậu dịch quy tụ các nước ven Thái Bình Dương.
Ngay trước đó, Nhật Bản và Canada đã tuyên bố đồng ý tham gia cuộc đàm phán về TPP với những nước trên.
Lãnh đạo của 9 quốc gia mô tả TPP là một dấu mốc hướng tới mục tiêu nối kết các nền kinh tế liên hệ và tự do hóa các hoạt động mậu dịch và đầu tư trong nội bộ tổ chức này.
Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ tin tưởng rằng hiệp định TPP sẽ giúp tạo công ăn việc làm, cải thiện mức sống, và xóa đói giảm nghèo tại các quốc gia thành viên.
Theo Washington, TPP có một ý nghĩa mang tầm vóc thế giới. Cùng với Nhật Bản, 10 nước tham gia Hiệp định TPP chiếm tới 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn thế giới, lớn hơn rất nhiều so với Liên minh châu Âu, hiện là khu vực tự do mậu dịch lớn nhất, nhưng chỉ chiếm có 26% GDP thế giới.
Về thương mại, các cuộc đàm phán trong TPP hướng tới việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và những cản trở khác trong trao đổi hàng hóa, đầu tư giữa các nước thành viên. Các nước trong TPP cũng dự kiến đàm phán tiến tới sự xích lại gần nhau giữa quy định về thương mại, để đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, hành chính cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các nước thành viên TPP đồng ý thúc đẩy trao đổi thương mại các sản phẩm công nghệ cao, như trong lĩnh vực tin học, các thiết bị liên quan đến năng lượng tái tạo. Bản hiệp định sẽ có những điều khoản nhằm tăng cường bảo vệ môi trường tại các nước thành viên, đặc biệt trong lĩnh vực đánh bắt hải sản, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, các sản phẩm “xanh”.
Đằng sau quyết định của Nhật Bản
Với sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trọng tâm hội nghị cấp cao APEC lần này được nhấn mạnh là TPP. Mỹ hy vọng sẽ có thêm các nước khác tham gia TPP, nhất là những cường quốc như Nhật Bản. Chính vì vậy, quyết định của Tokyo tham gia đàm phán TPP là chi tiết rất được chú ý ngay trước khi cấp cao APEC khai mạc ngày 12/11.
Việc Nhật Bản - phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ các nông dân của mình, vẫn quyết định tham gia đàm phán TPP cho thấy rõ ràng là Tokyo nhận thức được tầm quan trọng của hiệp định thương mại này.
Và trong khi dư luận Nhật Bản có ý kiến phản đối chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda về những nguy cơ khi tham gia TPP, giới phân tích trong nước lại để ý đến một khía cạnh chiến lược khác: Nhật Bản gia nhập TPP nhằm kiềm chế Trung Quốc
TPP có lợi cho các nhà sản xuất của xứ Phù Tang khi thuế nhập khẩu trong thị trường này bị loại bỏ hết. Nhờ thế sản phẩm xe hơi, TV, máy móc và máy điện tử của Nhật Bản sẽ tràn ngập cả thị trường TPP này.
Nhưng thuế nhập khẩu gạo vào Nhật hiện là 778%, lúa mì là 252%, bơ là 360%. Khu vực nông nghiệp nội địa được bảo vệ tối đa. Nay nếu thuế suất này bị san bằng xuống “0” thì nông nghiệp sẽ bị “tiêu diệt” nếu không kịp chuyển đổi cách làm ăn cho có hiệu quả và có sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Noda việc tăng cường quan hệ với châu Á là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững của Nhật Bản, và Nhật Bản cần sớm gia nhập đàm phán thiết lập TPP.
Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đặt mục tiêu coi hiệp định thương mại tự do này là một liên minh quan trọng. Cùng với khuôn khổ an ninh Nhật-Mỹ, liên minh này sẽ là "xương sống" cho sự ổn định trong khu vực.
Tờ Nikkei không giấu giếm khi viết: “Có thể coi việc tham gia đàm phán TPP là một động thái chiến lược nhằm giúp Nhật Bản duy trì cán cân an ninh vốn không vững chắc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng”
Báo dẫn lời một quan chức chính phủ nói: “Việc tham gia các cuộc thương lượng về TPP sẽ giúp tạo ra một môi trường chiến lược mà tại đó, Trung Quốc sẽ coi Nhật Bản là một nước láng giềng không thể dọa dẫm. Nhật Bản cần phải đi tiên phong trong việc hợp tác với Mỹ và thể hiện vai trò lãnh đạo trong khu vực này”.
Mưu cầu gì từ TPP?
Các nước thành viên APEC rất quan trọng đối với thương mại của Mỹ, các nước này mua 60% xuất khẩu của Mỹ, cũng như đối với nền kinh tế toàn cầu. Do đó, Washington đã sử dụng tổ chức này để phát huy ảnh hưởng kinh tế lớn hơn đối với khu vực.
Theo giới phân tích, việc Diễn đàn APEC được tổ chức tại Mỹ và thông báo của Tổng thống Obama về những đường hướng chính của TPP cho thấy Mỹ muốn khẳng định chiến lược củng cố và mở rộng ảnh hưởng của mình tại châu Á-Thái Bình Dương.
Về phía Mátxcơva, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thừa nhận TPP là "một dự án thú vị". Tuy nhiên, ông Medvedev nói rằng những gì sẽ đạt được còn chưa thực sự rõ ràng.
Michael Green, một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và của Đại học Georgetown, thì cho rằng Nhật Bản tham gia TPP bởi lẽ các nhà lãnh đạo nước này cho rằng "đây là một thỏa thuận chiến lược để đảm bảo rằng Nhật Bản là một phần trong tiến trình ra quyết sách".
Còn theo một số nhà phân tích, Hàn Quốc cùng với các nước khác trong khu vực như Canađa, Philippines và Thái Lan sẽ nhận thấy áp lực cần tham gia TPP để đảm bảo rằng họ không bị "đứng ngoài cuộc".
Có điều mà giới phân tích lưu ý là trong bối cảnh châu Âu bất ổn, Mỹ đang dịch chuyển trọng tâm kinh tế sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có tiềm năng tăng trưởng to lớn. An ninh khu vực cũng là một nhân tố để Mỹ theo đuổi hiệp định thương mại tự do này.
Và đó chính là ý đồ khiến Trung Quốc lên tiếng. Một số nhà bình luận ở Trung Quốc khẳng định việc đưa ra đề xuất TPP là một kế hoạch của Mỹ nhằm đẩy Trung Quốc ra khỏi các thỏa thuận thương mại châu Á.
Có chuyên gia Trung Quốc cho rằng TPP cũng có thể tạo ra "một trục thương mại" khiến các công ty không tự nguyện bị lôi kéo vào những va chạm liên quan đến mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Vấn đề lớn nhất đối với Trung Quốc là khu vực quốc doanh sẽ bị đặt lại lên bàn đàm phán về TPP. Mỹ luôn luôn đòi hạn chế khu vực doanh nghiệp Nhà nước để chống bảo hộ thương mại và còn nhiều điều được coi là nhạy cảm đối với Bắc Kinh.
Nguyễn Viết