1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Nhật Bản tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương?

(Dân trí) - Ngay trước ngày khai mạc Hội nghị cấp cao APEC tại Hawaii, tối 11/11, Nhật Bản đã tuyên bố quyết định tham gia đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một tin vui với Mỹ và có chiến lược ẩn chứa sau đó.

 
Vì sao Nhật Bản tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương? - 1
Thủ tướng Nhật Bản quyết định tham gia đàm phán TPP, sau một thời gian cân nhắc.


Tại sao Mỹ hoan nghênh?

Từ hơn 1 thập niên qua, APEC đã tìm cách xây dựng một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng nhân dịp Hội nghị tại Hawaii, Mỹ lại đang muốn hối thúc một số quốc gia xúc tiến việc đàm phán về một nhóm mậu dịch nhỏ hơn, đó là nhóm TPP - một nhóm thương mại nhưng chứa đựng nhiều ý định chính trị của Mỹ ở châu Á.

TPP vốn đã có sự tán thành tham gia của 9 quốc gia nằm trong APEC: Mỹ, Chile, New Zealand, Singapore, Australia, Việt Nam, Peru, Malaysia và Brunei.

Mỹ hy vọng sẽ có thêm các nước khác tham gia TPP, nhất là những cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản.

Mỹ lâu nay vẫn hy vọng Tokyo đưa ra quyết định trên vì với tuyên bố mới nhất của Tokyo, và tất nhiên là nếu các cuộc đàm phán đạt kết quả, trọng lượng của khối TPP sẽ gia tăng hẳn lên vì bao gồm hai nền kinh tế thuộc loại lớn nhất hành tinh (Mỹ là cường quốc kinh tế số một thế giới, trong lúc Nhật Bản đứng thứ ba).

Chính quyền Obama hy vọng rằng có thể công bố một bộ khung cho TPP tại hội nghị APEC năm nay, nhưng điều này có thể bị trì hoãn.

Washington hy vọng thoả thuận này sẽ cải thiện các mối quan hệ thương mại xuyên Thái Bình Dương, đặt nền móng cho một chương trình tự do thương mại do Mỹ dẫn đầu và cải thiện quan niệm của châu Á đối với cam kết của Mỹ với khu vực này và nhất là để đối phó với thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng hy TPP là một phương tiện tốt để có thể làm tăng uy tín và hình ảnh của ông ở trong nước, tại thời điểm còn một năm nữa là đến kỳ bầu cử Tổng thống.

Lý do Nhật Bản tham gia TPP

Thủ tướng Nhật Bản Noda Yoshihiko hôm qua cho biết, chính phủ của ông sẽ bắt đầu tiến hành hội đàm với các nước tham gia đàm phán về TPP trước khi chính thức tham gia đàm phán.

Rõ ràng là ông Noda đã chọn cách không lập tức tuyên bố Nhật Bản sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán về TPP đang diễn ra hiện nay. Thay vào đó, ông quyết định sẽ bàn bạc với các nước liên quan trước.

Quyết định này phản ánh thái độ thận trọng trong đảng cầm quyền. Ông Maehara Seiji, người phụ trách chính sách của Đảng, nói với các phóng viên rằng, ông không phản đối quyết định của thủ tướng.

Trước đó, ông Noda phát biểu tại cuộc họp của quốc hội về vấn đề này rằng, Nhật Bản cần cân nhắc sự hiện diện và vai trò của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông nói, cần có quyết định mang tính toàn diện, dựa trên việc cân nhắc xem, liệu Nhật Bản đã hài lòng với vị thế hiện tại hay chưa, hay muốn mở ra một con đường mới cho tương lai của mình.

Giới quan sát bình luận: Mỹ rất cần đồng minh Nhật Bản ủng hộ TPP, trong khi Tokyo chắc chắn cũng muốn thắt chặt quan hệ với Washington để đối phó với những thách thức an ninh trong khu vực, nên sẽ không bỏ lỡ dịp ủng hộ nỗ lực của ông Obama thúc đẩy TPP.

Theo kế hoạch ban đầu, ông Noda sẽ đưa ra quyết định rõ ràng vào ngày 10/11, nhưng việc đó đã phải hoãn lại vì đảng Dân chủ khuyên ông nên thận trọng.

Thủ tướng Nhật Bản nói ông sẽ thảo luận về việc gia nhập khối TPP với các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) bắt đầu ngày hôm nay, 12/11 tại Hawaii.

Ông Noda nói tham gia những cuộc thảo luận là vì quyền lợi quốc gia của Nhật Bản. Ông nói thêm nước ông sẽ bênh vực những gì cần phải bảo vệ và đạt được những gì cần phải đạt tới.

Những nhà xuất khẩu lớn của Nhật Bản nói gia nhập khu vực này đưa họ đến một địa vị bình đẳng hơn với các đối thủ. Tuy nhiên những nông dân Nhật Bản được chính phủ bảo vệ mạnh nói cuộc sống của họ sẽ bị đe dọa vì những sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu rẻ hơn.


Nguyễn Viết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm