1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Top 3 thế giới: Quân đội Mỹ áp đảo toàn diện Nga-Trung

Tạp chí Mỹ National Interest vừa đánh giá là hiện nay quân đội Mỹ vẫn thống trị thế giới cả về Hải, Lục và Không quân.

Top 3 thế giới: Quân đội Mỹ áp đảo toàn diện Nga-Trung - 1

Tạp chí Mỹ National Interest (Lợi ích Quốc gia-NI) mới đây đã có bài viết phân định thứ hạng các cường quốc quân sự thế giới về cả 3 quân chủng hải quân, không quân và lục quân, từ đó đưa ra kết luận về việc nước nào hiện là cường quốc quân sự số 1 thế giới.

Trong danh sách xếp hạng 3 quân chủng, ‘bộ tam” cường quốc Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều chiếm 3 vị trí dẫn đầu. Trong đó, quân đội Mỹ vẫn giữ địa vị thống trị thế giới về cả 3 lĩnh vực, vượt trội 2 nước xếp sau là Trung Quốc và Nga.

Về Hải quân

Theo đánh giá của National Interest, Top 5 nước có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất trên thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Anh và Nhật Bản.

Mỹ hiện có số lượng tàu không lớn, ít hơn cả Trung Quốc nhưng chất lượng và tổng lượng giãn nước thì lớn gấp bội so với cả Nga và Trung Quốc gộp lại.

Hiện hải quân Mỹ đang sở hữu 10 tàu sân bay, trong tương lai có thể lên đến 12 chiếc, cùng với vài chục tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn, có thể mang theo các chiến đấu cơ hiện đại, được triển khai trên khắp các đại dương của thế giới.

Số lượng tàu sân bay và tàu đổ bộ này khiến Mỹ có thể phát huy sức mạnh không quân-hải quân trên khắp các đại dương của thế giới, lực lượng hải quân Mỹ cũng có thể đổ bộ lên bất cứ lục địa nào từ hướng biển - điều mà vài chục năm sau Nga và Trung Quốc vẫn không thể làm được.

Vài chục năm sau, hải quân Nga-Trung vẫn không bằng hải quân Mỹ
Vài chục năm sau, hải quân Nga-Trung vẫn không bằng hải quân Mỹ

Trung Quốc hiện có tốc độ phát triển hải quân nhanh nhất thế giới với sự đầu tư cực lớn cho “Hạm đội Biển xanh”, nhưng chỉ thiên về số lượng. Bắc Kinh hiện cũng không có căn cứ hải quân nào ở nước ngoài, khiến họ không có khả năng vươn xa ngoài vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hiện hải quân Trung Quốc có số lượng tàu nổi và tàu ngầm lớn nhất thế giới nhưng các trang bị này vẫn chưa thể so được với Nga, Mỹ, thậm chí là Anh, Pháp về chất lượng. Đồng thời, khả năng tấn công tầm xa của Trung Quốc hiện vẫn còn hạn chế, không sánh được với các cường quốc trên.

Hải quân Nga cũng sở hữu số lượng lớn các tàu chiến. Hải quân Nga hiện có 79 chiến hạm cỡ lớn, trong đó có một tàu sân bay, 5 ​​tuần dương hạm, 13 khu trục hạm và 52 tàu ngầm.

Về chất lượng, hiện hải quân Nga sánh ngang với Mỹ và vượt trội phần còn lại. Với ưu thế từ hạm đội tàu ngầm hạt nhân hùng mạnh và lực lượng tàu mặt nước (kể cả tàu rất nhỏ) có khả năng tấn công đối hải/đối đất mạnh mẽ, hải quân Nga xứng đáng là đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ.

Về lục quân

Trong danh sách lục quân mạnh nhất thế giới trong bảng xếp hạng của NI gồm có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Anh.

Lục quân Nga đang trong quá trình hiện đại hóa rất nhanh
Lục quân Nga đang trong quá trình hiện đại hóa rất nhanh

Quân đội Mỹ vẫn giữ vị trí lục quân mạnh nhất trên thế giới với ưu điểm lớn nhất là kinh nghiệm tác chiến phong phú, đúc rút từ hàng loạt cuộc chiến trên thế giới. Khả năng chiến đấu cao của quân đội Mỹ sẽ được cung cấp đầy đủ bởi ngành công nghiệp quốc phòng phát triển.

Có thể nhận thấy rằng, quân đội Mỹ vẫn sẽ giữ địa vị độc tôn về phát triển công nghệ quân sự, tuy nhiên Mỹ đã đầu tư sai lầm vào những loại vũ khí quá đắt tiền mà bỏ qua những vũ khí thông thường khiến lục quân Mỹ đang dần đánh mất ưu thế trước lục quân Nga và Trung Quốc.

Mỹ sẽ có những siêu vũ khí nhưng không đủ để bảo vệ lực lượng quân sự của mình trên toàn cầu, trong khi các đối thủ như Nga và Trung Quốc đầu tư hàng loạt loại vũ khí thông thường khác khiến ưu thế trong phạm vi cục bộ nghiêng về phía họ.

Hơn nữa, những áp lực thường xuyên từ nhiều cuộc chiến liên miên mà Mỹ hiện diện ở khắp nơi trên thế giới mang tới rất nhiều mối đe dọa, có thể dẫn tới tình trạng “kiệt sức hoàn toàn”, ví dụ như hậu quả của các chiến dịch quân sự của nước này ở Iraq và Afghanistan.

Lục quân Trung Quốc chỉ được xếp hạng cao nhờ tiêu chí số lượng
Lục quân Trung Quốc chỉ được xếp hạng cao nhờ tiêu chí số lượng

Nga là quốc gia có truyền thống về lục quân, hiện quân số bộ binh Nga lên tới 285.000 quân tinh nhuệ, huấn luyện tốt và luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, bộ binh của Nga đã, đang và sẽ nhận được những thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới theo hướng cơ giới hóa và tự động hóa.

Tác giả tài liệu cũng nhấn mạnh rằng trong hệ trang bị của quân đội Nga sắp tới sẽ có xe thiết giáp độc đáo trên nền tảng khung gầm Armata. Đây sẽ là bước ngoặt đối với lục quân Nga, khiến cán cân lực lượng tác chiến mặt đất trong những năm tới sẽ nghiêng về phía Nga.

Về không quân

Trong bảng xếp hạng Không quân mạnh nhất thế giới, NI chỉ xếp hạng có bốn quốc gia là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, Mỹ hiện dẫn đầu thế giới về số lượng và chất lượng máy bay chiến đấu chiến thuật và cả máy bay ném bom chiến lược.

Với số lượng khoảng hơn 230 máy bay ném bom chiến lược, bao gồm dòng B-52 Stratofortress, B-1B Lancer và đặc biệt là máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit, lực lượng ném bom tầm xa Mỹ hiện vượt trội cả lực lượng không quân chiến lược Nga và Trung Quốc gộp lại.

Trong khi đó, không quân chiến lược Nga có khoảng 138 máy bay ném bom tầm xa, thuộc 3 loại Tu-160 Blackjack, Tu-95MS Bear-H, Tu-22M3 Backfire C. Còn Trung Quốc chỉ có 40 chiếc máy bay ném bom tầm trung, tốc độ dưới âm chuẩn H-6K và H-6M là còn sử dụng được đến năm 2030.

Do đó, xét về cả về số lượng và chất lượng, không quân chiến lược Nga và Trung Quốc đều kém xa Mỹ.

Mặc dù nhỉnh hơn Trung Quốc nhưng không quân Nga vẫn ở khoảng cách rất xa so với không quân Mỹ
Mặc dù nhỉnh hơn Trung Quốc nhưng không quân Nga vẫn ở khoảng cách rất xa so với không quân Mỹ

Về không quân chiến thuật, số liệu trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy, Hoa Kỳ vẫn là nước đứng đầu thế giới về tiềm lực không quân chiến thuật, với tổng số khoảng 2700 máy bay chiến đấu, Trung Quốc và Nga lần lượt xếp thứ 2 và thứ 3 với khoảng trên dưới 1500 chiếc.

Tuy nhiên, đây là chỉ xét riêng lực lượng không quân, còn trên thực tế, số lượng máy bay Mỹ cao hơn nhiều do chúng còn được trang bị trong lực lượng hải quân (trên tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công) và còn trong biên chế của lực lượng vệ binh quốc gia cùng với lực lượng không quân dự bị.

Các chuyên gia ước tính, tổng số lượng máy bay chiến đấu hiện đang sử dụng của quân chủng Không quân, của không quân hải quân, của lực lượng không quân thuộc Vệ binh quốc gia và lực lượng không quân dự bị Mỹ có thể lên tới khoảng trên 4000 chiếc.

Trong thời gian tới, số lượng máy bay chiến đấu của Mỹ có thể giảm đi do những máy bay sản xuất đời đầu thuộc dòng F-15, F-16, F-18 và AV-8B Harrier II sẽ nghỉ hưu hàng loạt.

Tuy nhiên, với sự bổ sung 3 phiên bản chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 là F-35A/B/C, cùng với hàng trăm máy bay không người lái tiên tiến nhất thế giới, xét về cả số lượng và chất lượng, không quân Mỹ vẫn vượt trội so với các nước đứng sau.

Theo Thiên Nam

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm