1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thư ký Liên hợp quốc trả lời về những vấn đề nóng của thế giới

(Dân trí) - Tổng Thư ký Ban Ki-moon ngày 16/9 đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế trong khuôn khổ cuộc họp báo về kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69, vốn khai mạc hôm qua tại New York, Mỹ. <br><a href='http://dantri.com.vn/the-gioi/ong-ban-kimoon-bo-nhiem-leonardo-dicaprio-lam-su-gia-hoa-binh-944257.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Ông Ban Ki-moon bổ nhiệm Leonardo DiCaprio làm Sứ giả Hòa bình</b></a>

Normal
Ông Ban Ki-moon trong cuộc họp báo ngày 16/9. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phóng viên: Thưa ngài Tổng thư ký, mong ngài cho biết ý nghĩa của cuộc gặp họp thường niên tại New York. Ngài chỉ đề cập 140 lãnh đạo các chính phủ và nguyên thủ quốc gia sẽ tới, mà không đề cập tới những phái đoàn lớn tháp tùng họ, và những chi phí khổng lồ, khó khăn lớn liên quan đến công tác hậu cần. Vậy phải chăng thế giới sẽ tốt hơn nhờ những gì diễn ra tại New York này?

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon: Như tôi đã nói, hơn 140 nguyên thủ và lãnh đạo các chính phủ sẽ tham dự trong phiên họp này. Và khi nói đến cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, chỉ trong một ngày, hơn 120 nguyên thủ và lãnh đạo các chính phủ sẽ góp mặt.

Tất nhiên, cuộc họp cần huy động nhiều nguồn lực từ chính phủ các nước, từ nước chủ nhà cũng như Liên hợp quốc. Nhưng hãy xét tới những vấn đề và các cuộc khủng hoảng chúng ta đang đối mặt, nhiều người đang bị sát hại, nhiều người trở thành người tị nạn và phải rời bỏ nhà cửa. Do đó, việc các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện sự đoàn kết trong lãnh đạo và sự đoàn kết trong hành động với tư cách các lãnh đạo thế giới là rất quan trọng và cần thiết, để đảm bảo rằng thế giới này thịnh vượng hơn, an toàn hơn và ổn đỉnh hơn. Đó chính là ưu tiên số một của Liên hợp quốc. Nếu không có điều đó, chúng ta không thể thúc đẩy, không thể tham gia vào tiến trình phát triển. Chúng ta phải bảo vệ nhân quyền, phẩm giá con người của tất cả những người này. Nhưng trước hết chúng ta phải bảo vệ tất cả họ. Đó là lí do vì sao các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp tại Liên hợp quốc hàng năm. Tôi nghĩ đó chính là dịp quan trọng nhất với thế giới.

PV: Hàng triệu người trên khắp thế giới chỉ biết về Liên hợp quốc trong tuần họp Đại hội đồng. Ngài có thể giải thích cho họ vì sao nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã xuất hiện tại Đại hội đồng trong nhiều năm qua mà thế giới dường như vẫn bất ổn trên nhiều lĩnh vực?

Tổng thư ký LHQ: Tôi nghĩ có nhiều khía cạnh mà mọi người có thể nhìn nhận về Đại hội đồng và Liên hợp quốc nói chung. Chúng tôi vận hành và đáp lại các mong đợi của cộng đồng quốc tế, đối phó với các cuộc khủng hoảng.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khủng hoảng và xung đột nhiều chưa từng có. Trước hết, chúng ta đối mặt với các cuộc khủng hoảng do con người tạo ra và cũng gặp phải nhiều tai họa tự nhiên như đại dịch Ebola. Vì vậy, đây thực sự là lúc Đại hội đồng và tất cả các tổ chức liên chính phủ, Hội đồng Bảo an phải đoàn kết. Chúng ta phải luôn nỗ lực vì sự đoàn kết và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Đây là điều mà Hiến chương Liên hợp quốc trao cho chúng ta và đòi hỏi chúng ta. Đây cũng là điều mà mọi người yêu cầu chúng ta phải làm.

PV: Theo ngài, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có phải phê chuẩn sử dụng vũ lực nếu có các cuộc không kích hoặc bất kỳ sự can thiệp nào khác vào Syria hay không?

Tổng thư ký LHQ: Như mọi người đã thấy Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố hồi tuần trước, tôi hoan nghênh cam kết quyết đoán và kiện định của ông ấy với tư cách là nhà lãnh đạo Mỹ và thế giới nhằm chiến đấu với khủng bố - kẻ thù chung của nhân loại. Chiến dịch quân sự và không kích này, được thực hiện theo đề nghị của chính phủ Iraq, có thể giúp Liên hợp quốc và các tổ chức khác cứu nhiều mạng sống.

Giờ đây, rõ ràng tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới. Tôi biết rằng Tổng thống Obama sẽ chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào ngày 24/9 tới. Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo thế giới và Hội đồng Bảo an sẽ thảo luận rất nghiêm túc vấn đề này, cách thức đối phó với các tay súng nước ngoài và các phần tử khủng bố nói chung. Do đó, tôi đề nghị cộng đồng quốc tế ủng hộ bằng mọi cách để hành động mạnh mẽ nhằm bảo vệ các dân thường. Một lần nữa, tôi hi vọng Hội đồng Bảo an sẽ đứng đầu vai trò đi đầu, để Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế giải quyết tất cả các vấn đề này.

PV: Về vấn đề Syria, ngài có nghĩ là khả năng không kích của Mỹ chống lại IS bên trong Syria, mà không có sự cho phép của Syria, có thể là vi phạm luật pháp quốc tế không?

Tổng thư ký LHQ: Tôi biết vấn đề này là một trong những lo ngại đã được thảo luận nhiều. Nhưng điều đó chưa diễn ra nên hơi sớm để bàn về chủ đề đó. Về các ảnh hưởng chính trị và pháp lý chi tiết, tôi sẽ có cơ hội nói về vấn đề này sau khi việc đó diễn ra. Nhưng trên cương vị Tổng thư ký Liên hợp quốc, tôi đều nói với các nhà lãnh đạo thế giới mỗi khi có các chiến dịch quân sự, là tất cả các chiến dịch này đều phải được thực hiện theo luật pháp quốc tế, bảo vệ dân thường và giảm thiểu tối đa tác động đối với người dân.

PV: Thưa ngài Tổng Thư Ký, trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra như hiện nay, ngài có cho rằng đây là một trong những giai đoạn hỗn loạn nhất mà thế giới phải đối mặt? Và ngài có lo lắng khi trong sự hỗn loạn đó, lãnh đạo của 3 quốc gia lớn là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ lại không có mặt, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu?

Tổng thư ký LHQ: Theo tôi được biết thì Thủ tướng Ấn Độ sẽ có mặt. Mặc dù ông ấy không thể dự cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu như tôi mong muốn, ông ấy sẽ phát biểu trước Đại hội đồng. Nhưng dù sao ông ấy cũng sẽ tới. Đoàn Trung Quốc do một phó thủ tướng đứng đầu. Tôi đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước, và tôi cũng gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh, vào tháng 7. Do đó, tôi đã gặp những lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc. Đáng tiếc là họ không thể tham dự hội nghị lần này, nhưng Trung Quốc đã thu xếp gần như ổn thỏa.

Tôi vẫn chưa được thông báo ai sẽ đại diện cho Nga. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng có những kênh liên lạc khác để lãnh đạo của họ góp mặt tại Liên hợp quốc. Nhưng như tôi đã nói đây sẽ là một trong những cuộc họp quy tụ đông đảo nhất các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là tại cuộc họp về biến đổi khí hậu. Theo tôi nhớ, cuộc họp lớn nhất diễn ra tại Copenhagen, với chưa tới 100 nhà lãnh đạo. Với cuộc họp này, chỉ tính những đại biểu từ cấp thủ tướng trở lên, hơn 120 nhà lãnh đạo sẽ có mặt. Điều đó có nghĩa là các nhà lãnh đạo thế giới rất quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng khác đang diễn ra.

PV: Ngài vui lòng cho biết Iran có vai trò quan trọng ra sao trong việc giải quyết tất cả các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, Li-băng, Syria, Yemen và Iraq? Iran là bên gây ra các vấn đề hay là người kiến tạo hòa bình trong khu vực?

Tổng thư ký LHQ: Như tôi từng nhiều lần khẳng định, Iran là một quốc gia quan trọng với hòa bình, an ninh và hòa hợp trong khu vực. Các nhà lãnh đạo Iran cần thiết phải giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran với P5+1 sớm nhất có thể, và tham gia một cách xây dựng vào quá trình xử lý những vấn đề của khu vực.

Tôi mong sớm được gặp lại Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Javad Zarif khi họ tới New York. Tôi sẵn sàng thảo luận và tham vấn các nhà lãnh đạo Iran.

PV: Vào tuần tới, Tổng thống Ukraine, Ngoại trưởng Nga, Tổng Thống Mỹ đều có mặt tại Liên hợp quốc, ông có kế hoạch tổ chức một cuộc gặp chung giữa các nhà lãnh đạo này để thúc đẩy đối thoại cho Ukraine hay không?

Tổng thư ký LHQ: Tôi hoan nghênh lệnh ngừng bắn tại Ukraine về cơ bản được tuân thủ, dù chúng ta vẫn nhìn thấy bạo lực đang diễn ra. Tôi đã nói với Tổng thống Poroshenko và các nhà lãnh đạo khác rằng họ cần tiếp tục tục tham vấn và đối thoại, một cuộc đối thoại thực chất giữa Ukraine và Nga. Tôi nghĩ giờ đây tất cả các nhân tố đều hỗ trợ cho hòa bình, sự ổn định và lệnh ngừng bắn.

Về phần mình, Liên hợp quốc đã tham gia hỗ trợ nhân đạo và vẫn duy trì nhóm giám sát nhân quyền. Trên cương vị của mình, tôi đã trò chuyện với cả Nga, Liên minh châu Âu và các nhà lãnh đạo Ukraine. Nói chung, tất cả chúng ta nên biết rằng, trong tất cả các cuộc khủng hoảng, không có giải pháp quân sự. Nên có một cuộc đối thoại chính trị cho một giải pháp chính trị. Tôi sẽ hối thúc các nhà lãnh đạo trong khu vực tiếp tục đối thoại.

PV: Chủ tịch tổ chức "Bác sỹ không biên giới" hôm nay khẳng định rằng thế giới phản ứng quá chậm chạp đối với dịch Ebola. Điều này có đúng không? Liệu Liên hợp quốc có sẵn sàng nhận vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống đại dịch này?

Tổng thư ký LHQ: Liên Hợp Quốc hiện đang giữ vai trò lãnh đạo. Đây không còn là một vấn đề y tế mà nó ảnh hưởng tới các mặt kinh tế, xã hội, thậm chí cả bất ổn chính trị. Do đó, Liên hợp quốc trước tiên ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và điều trị những người bị nhiễm, cung cấp những hỗ trợ hậu cần và hỗ trợ nhân đạo để đảm bảo rằng dịch bệnh không lan sang các nước khác.

Tôi đã phối hợp và chủ động thảo luận với lãnh đạo các nước khắp thế giới, từ Mỹ, Anh, Pháp, Liên minh châu Âu, Cuba và Ý, Đức… Tôi thậm chí cũng đã nói chuyện với lãnh đạo của 3 quốc gia có dịch. Tôi hối thúc họ thành lập những trung tâm chăm sóc cộng đồng để khi có người nhiễm bệnh, họ được cách ly ngay lập tức khỏi gia đình để tránh lây lan cho những người khác trong gia đình, và sau đó cung cấp cho họ sự hỗ trợ y tế.

Những quốc gia chủ chốt như Mỹ, sẽ cung cấp những hỗ trợ lớn. Liên hợp quốc đang huy động mọi sự ủng hộ, và tôi đã đề nghị toàn thể lãnh đạo của hệ thống Liên hợp quốc rằng đây không phải là lúc chúng ta cần những sự tham vấn tốn nhiều thời gian hay đi tìm kiếm sự đồng thuận. Giờ là lúc cần hành động nhanh và có chỉ dẫn nhanh.

Tôi cũng đề nghị các hãng hàng không quốc tế, công ty vận tải biển không ngừng cung cấp dịch vụ. Bệnh nhân có thể bị cách ly nhưng các quốc gia không thể bị cô lập.

PV: Về vấn đề biến đổi khí hậu, ngài và nhóm của ngài dự định có bước đi nào để thúc đẩy vấn đề này?

Tổng thư ký LHQ: Mọi người đều nhất trí rằng thay đổi khí hậu là một vấn đề quan trọng trong thời đại của chúng ta. Thay đổi khí hậu có thể ảnh hưởng tới toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống. Liên hợp quốc đang nỗ lực về lĩnh vực này thông qua các chương trình và các quỹ của Liên hợp quốc.

Một thỏa thuận pháp lý, có ý nghĩa toàn cầu về thay đổi khí hậu dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm tới tại Paris. Sau đó, các bước đi tiếp theo sẽ được thực hiện nhằm cắt giảm khí thải.

Thanh Tùng-An Bình
Theo UN