1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thư ký ASEAN: COC phải có tính ràng buộc về pháp lý

(Dân trí) - Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) phải có tính ràng buộc về pháp lý để có thể ngăn chặn các “hành động đơn phương” trên Biển Đông.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (Ảnh: Reuters)
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (Ảnh: Reuters)

Reuters dẫn lời Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh hôm nay 28/4 cho biết ASEAN vẫn chưa nhận được bất kỳ sự bảo đảm nào từ Trung Quốc trong các cuộc thảo luận giữa các bên về việc đạt được bộ khung COC trong năm nay. Tuy nhiên, ASEAN hy vọng các bên sẽ thống nhất được một số quy định để ngăn ngừa xung đột cũng như các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông.

“Đối với ASEAN, một bộ khung (COC) phải bao hàm các yếu tố thực chất, và một bộ quy tắc ứng xử như vậy phải có tính ràng buộc về mặt pháp lý”, ông Lê Lương Minh nói.

Các nước thành viên ASEAN có liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông từ lâu đã đặt mục tiêu đưa Trung Quốc vào khuôn khổ của một bộ quy tắc ứng xử mà nước này buộc phải tuân thủ và thậm chí có thể bị cưỡng chế. Việc Trung Quốc gần đây quyết định hợp tác với ASEAN để xây dựng bộ khung COC trong khi nước này vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động bồi đắp phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã đặt ra nhiều nghi vấn về kế hoạch thực sự của Bắc Kinh.

“COC đóng vai trò rất quan trọng khi xét đến những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động bồi đắp cũng như quân sự hóa và tất cả các hành động đơn phương khác. Trong bối cảnh đó, cần thiết phải có một công cụ mang tính ràng buộc về pháp lý, không chỉ có khả năng ngăn chặn mà còn có thể giải quyết các vụ việc trên”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo Tổng thư ký ASEAN, COC cần mang tính toàn diện hơn so với Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), vốn được thông qua từ năm 2002, và phải là một công cụ ràng buộc về pháp lý. Hoàn thiện bộ khung COC là mục tiêu mà tất cả các bên đang kỳ vọng có thể đạt được trong năm nay, trong đó các bên cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm tự do hàng hải và không đưa người lên các đảo cũng như thực thể chưa có người ở trên Biển Đông.

Thành Đạt

Tổng hợp