G7 phản đối mạnh mẽ việc quân sự hóa Biển Đông
(Dân trí) - Hội nghị Ngoại trưởng Các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Italy đã ra tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm an ninh hàng hải, trong đó phản đối mạnh mẽ mọi hành động quân sự hóa trái phép trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi thực thi phán quyết do tòa trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016.
Theo Philstar ngày 20/4 đưa tin, ngoại trưởng của 7 nước Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ đã khẳng định cam kết chung trong việc “duy trì trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, bao gồm Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Theo đó, các ngoại trưởng bày tỏ quan ngại về những tranh chấp hàng hải kéo dài hiện nay, và đây cũng là một trong những vấn đề an ninh chính được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp của các ngoại trưởng G7 ở Lucca, Italy hôm 11/4 vừa qua.
“Chúng tôi coi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài theo quy định của UNCLOS là cơ sở hữu ích cho các nỗ lực tiếp theo nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông”, tuyên bố chung của G7 cho biết, đề cập tới phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ở La Hay, Hà Lan hồi năm ngoái.
Được đưa ra sau vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới tranh chấp chủ quyền giữa hai nước trên Biển Đông, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực đã bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý do Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông hòng chiếm tới 80% diện tích vùng biển này. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thừa nhận phán quyết của tòa và vẫn ngang nhiên có các động thái bành trướng trên Biển Đông.
Liên quan tới vấn đề này, các ngoại trưởng G7 kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông cần tránh các hoạt động quân sự hóa tại vùng biển quan trọng này.
“Chúng tôi tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào làm gia tăng căng thẳng như đe dọa sử dụng vũ lực, cải tạo đảo trên quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn cũng như sử dụng chúng vào mục đích quân sự, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thực hiện phi quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp và tuân thủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”, tuyên bố chung nhấn mạnh.
Cũng trong tuyên bố chung, các ngoại trưởng G7 “nhấn mạnh tầm quan trọng căn bản của việc xây dựng lòng tin và an ninh cũng như quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển một cách thiện chí và phù hợp với luật pháp quốc tế, thông qua các cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp đã được thừa nhận rộng rãi, bao gồm cơ chế trọng tài”.
Ngoài ra, trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, các quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới cũng kêu gọi các cuộc đối thoại dựa trên luật quốc tế nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Trước đó, hồi đầu tháng, Quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán về COC.
Thành Đạt
Tổng hợp