1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tổng thống Trump và Lầu Năm Góc không nhìn một hướng ở Syria?

Trong khi Tổng thống Trump nói sẽ sớm rút quân khỏi Syria thì Lầu Năm Góc lại công bố kế hoạch gửi thêm lính tới quốc gia Trung Đông này.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Nhà Trắng đã ra lệnh cho Bộ Ngoại giao Mỹ “đóng băng” khoản viện trợ 200 triệu USD cho Syria, đồng thời để ngỏ khả năng rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này. Khoản viện trợ nói trên từng được cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson hứa hẹn khi tham gia hội nghị bàn về các khoản tái thiết Syria được tổ chức ở Kuwait.


Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng rút quân rất sớm khỏi Syria. Ảnh: ky3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng rút quân "rất sớm" khỏi Syria. Ảnh: ky3.

Theo đó, số tiền Mỹ bỏ ra sẽ được dành để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng ở những khu vực do lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát ở Syria. Việc đóng băng khoản viện trợ này có thể sẽ khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump rơi vào thế đối đầu với các quan chức quân đội Mỹ - những người đã nói rằng cuộc chiến chống IS vẫn chưa hoàn thành.

Quyết định ngừng viện trợ cho Syria được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Trump đồng ý với chiến lược của ông Tillerson, bao gồm kế hoạch dài hạn để quét sạch IS và tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột tại Syria.

Tuyên bố của Nhà Trắng hoàn toàn trái ngược với những gì mà Lầu Năm Góc đưa ra vào cùng thời điểm. CNN dẫn nguồn tin từ một số quan chức quốc phòng và an ninh Mỹ cho biết, quân đội nước này có kế hoạch cử hàng chục binh sĩ tăng cường cho chiến trường ở miền bắc Syria.

Các quan chức cho biết, kế hoạch này đã được thảo luận trong nhiều ngày và lần đầu tiên được xem xét trước khi Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố rằng Mỹ “dường như sẽ rất sớm rút khỏi Syria”.

Việc “đóng băng” viện trợ cũng như hiện trạng chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ được thảo luận tại cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia vào tuần tới.

Hệ lụy của việc Mỹ rút quân khỏi Syria

Theo ước tính của Lầu Năm Góc, IS đã mất 98% lãnh thổ chúng kiểm soát ở Iraq và Syria nhưng ông Richard Engel - phóng viên của MSNBC vừa trở về từ Syria cho rằng, giới chức quân sự của Mỹ vẫn quan tâm hơn đến những ý kiến đi ngược với tuyên bố của Tổng thống Trump. Họ cho rằng, việc rút gần 2.000 lính Mỹ sẽ là quá sớm bởi Lực lượng Dân chủ Syria của người Kurd chưa thể đảm nhận vai trò đầu tàu.

“Đây là thời điểm rất nhạy cảm khi Mỹ có thể nhìn thấy con đường kết thúc, và nếu chúng ta rút đi sớm, IS sẽ trở lại đây và đối tác này [lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn ở Syria-ND] sẽ phải chiến đấu chống lại lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải kẻ thù chung của chúng ta”, Engel nhận định.

Rõ ràng, Mỹ vẫn đang bị kẹt giữa xung đột giữa hai đồng minh là người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ trong khi phải cân nhắc nhu cầu duy trì hiện diện quân sự ở Syria nhằm ngăn chặn những mầm mống của IS sinh sôi, nảy nở trở lại.

“Rời khỏi Syria sẽ là quyết định tồi tệ nhất mà Tổng thống có thể làm”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham phát biểu trên tờ Fox News Sunday. “Tôi đã chứng kiến điều này trước đây khi ông Obama làm điều tương tự ở Iraq”.

Trong khi đó, ông Engel tin rằng cả ở Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ rút lui sớm và sau đó sẽ buộc phải quay trở lại. Đặc biệt tại Iraq, việc Mỹ rút quân đã mở ra một khoảng trống cho IS xâm nhập trở lại.

“Nó giống như một khối u di căn”, Engel nói. “Nếu bạn chỉ để lại phần nào đó trong cơ thể, nó sẽ trở lại và lan rộng. Khi ấy, tất cả kết quả đạt được sau những khó khăn, vất vả mà bạn phải đánh đổi bằng cả sự hy sinh, đau khổ sẽ đổ ra sông ra biển”.

Bộ Ngoại giao Mỹ trong một tuyên bố cho biết, tình hình ở Syria đang được xem xét liên tục và các cơ quan hữu quan đang tiếp tục làm việc với các đối tác trên thực địa để ổn định tình hình ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất.

“Mỹ đang làm việc hàng ngày với các đối tác trên thực địa và với cộng đồng quốc tế để giúp ổn định tình hình các khu vực đã được giải phóng khỏi IS và xác định cách thức tiếp theo để tái thiết Syria một khi đã có tiến trình chuyển đổi chính trị ôn hòa từ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.

Tuy nhiên, các quan chức quân đội Mỹ nói rằng tuyên bố của Tổng thống “rất sớm” rút khỏi Syria có thể là quá lạc quan. Các cố vấn quân sự Mỹ đã nói với tờ NPR hồi tháng 2 năm nay rằng, sẽ phải mất ít nhất từ 2-6 tháng nữa để có thể đánh bại IS và thêm 1 năm nữa để ổn định các khu vực được giải phóng thông qua viện trợ nhân đạo.

Theo Hùng Cường

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm