Tổng thống Trump tuyên bố ngừng viện trợ nước ngoài
(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump xác nhận ông đã chỉ đạo ngừng viện trợ của Mỹ cho nước ngoài.
"Vào ngày đầu tiên, tôi đã chỉ đạo mọi thành viên trong nội các của mình huy động mọi quyền hạn có thể để đối phó lạm phát và giảm chi phí sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi muốn hạ giá cả", Tổng thống Donald Trump phát biểu tại cuộc mít tinh ở Las Vegas hôm 25/1.
"Tôi đã áp đặt lệnh đóng băng tuyển dụng liên bang, lệnh đóng băng quy định liên bang, lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài", ông Trump tuyên bố.
Trong số các biện pháp khác nhằm giải quyết lạm phát, ông Trump cũng liệt kê việc thành lập một cơ quan mới của Mỹ, DOGE (Ban Hiệu suất Chính phủ), có nhiệm vụ thúc đẩy hiệu quả của chính phủ Mỹ.
Tổng thống Trump tuyên bố DOGE sẽ đưa ra các khuyến nghị để "giảm bớt quy định không cần thiết, cắt giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang". Tỷ phú Elon Musk, người được ông Trump chọn để lãnh đạo DOGE, cho biết tổ chức này nhắm đến mục tiêu cắt giảm 500 tỷ USD chi tiêu hàng năm của chính phủ liên bang.
Truyền thông Mỹ hôm 25/1 đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã ban hành lệnh tạm dừng chi tiêu đối với hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày.
Theo tài liệu nội bộ được tiết lộ, ông Rubio yêu cầu tất cả các cơ quan ngoại giao và lãnh sự quán ngay lập tức dừng mọi hoạt động phân bổ ngân sách cho các chương trình viện trợ nước ngoài, bao gồm cả các khoản tài trợ đã được chính phủ phê duyệt trước đó.
Lệnh này đưa ra một số ngoại lệ cụ thể, trong đó viện trợ quân sự dành cho Israel và Ai Cập vẫn được duy trì theo cam kết chiến lược lâu dài của Mỹ với 2 quốc gia này. Lệnh này không đề cập cụ thể đến bất kỳ quốc gia nào khác nhận tài trợ quân sự nước ngoài của Mỹ, như Ukraine hay Đài Loan, được miễn đóng băng.
Ngoài ra, lệnh cũng cho phép tiếp tục hỗ trợ lương thực khẩn cấp để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo cấp bách và đảm bảo giải ngân các chi phí hợp pháp đã được cam kết, miễn là phù hợp với điều khoản của các hợp đồng hoặc chương trình đã ký kết.
Theo một số quan chức ngoại giao, đây là bước đi mạnh nhất từ trước đến nay của chính phủ Mỹ đối với viện trợ nước ngoài. Các chuyên gia cảnh báo, động thái này có thể vấp phải thách thức pháp lý.
Lệnh của ông Rubio được cho là vượt xa sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump chỉ yêu cầu đóng băng viện trợ nước ngoài trong 90 ngày để Ngoại trưởng xem xét.
Lệnh của Tổng thống Trump không nêu rõ liệu các khoản viện trợ quân sự đã được phân bổ có bị ảnh hưởng hay không. Trong khi đó, một quan chức hiện tại của Bộ Ngoại giao Mỹ và 2 quan chức của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden chỉ ra, lệnh của ông Rubio có thể ảnh hưởng đến viện trợ cho các đồng minh chủ chốt như Ukraine, Jordan và Đài Loan.
Reuters sau đó đưa tin Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã tạm dừng các dự án liên quan đến việc cung cấp viện trợ cho Ukraine.
Theo Politico, lệnh này "gây sốc" cho các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và dường như áp dụng cho việc tài trợ viện trợ quân sự cho Ukraine.
Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây gần 3 năm.
Theo tính toán của Sputnik, kể từ đầu năm 2022 đến nay, các nước NATO do Mỹ dẫn đầu đã cung cấp cho Ukraine 191,2 tỷ USD. Trong đó, viện trợ quân sự là hơn 133 tỷ USD, viện trợ tài chính 43 tỷ USD và viện trợ nhân đạo 13,4 tỷ USD. Mỹ đóng góp 54%, tương đương gần 104 tỷ USD.