Tổng thống Trump - người cầm trịch trên “sàn đấu” thương mại Mỹ - Trung
(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định Tổng thống Donald Trump có thể sẽ phải đánh đổi về mặt chính trị khi yêu cầu các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong một bình luận trên Twitter ngày 23/8, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các công ty Mỹ “ngay lập tức xem xét phương án thay thế Trung Quốc”, kêu gọi các công ty này sản xuất hàng hóa tại Mỹ, thay vì Trung Quốc. Ông Trump viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp (IEEPA), trong đó cho phép tổng thống Mỹ đưa ra quyết định nhằm đối phó với các mối đe dọa “bất thường và đáng kể” gây ra với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại hoặc kinh tế Mỹ.
Theo Timothy Stratford, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, Tổng thống Trump có đủ quyền lực để yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc, song ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ phải đánh đổi về mặt chính trị. Ông Stratford nhận định việc ông Trump thực thi quyền lực, yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc, là bước đi cực đoan.
“Tôi nghĩ đó là một bước đi rất cực đoan của ông ấy. Tôi nghĩ sẽ có sự phản đối rất lớn tại Mỹ, bao gồm các lãnh đạo đảng chính trị của ông Trump, đối với động thái này. Do vậy, ông ấy khó có thể đi xa như vậy”, ông Stratford cho biết.
“Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc rất phức tạp. Nó ảnh hưởng tới nhiều công ty và nhiều ngành công nghiệp”, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc nói với CNBC.
Ngay cả khi ông Trump chưa chỉ đạo, các công ty Mỹ cũng đã tính đến chuyện rời khỏi Trung Quốc do tác động của cuộc chiến thương mại.
Theo ông Stratford, “các cuộc đàm phán thương mại càng đình trệ lâu, sự bất ổn càng tăng lên”. Ông Stratford cũng cho rằng, một vấn đề đặt ra với các cuộc đàm phán thương mại là Trung Quốc gặp khó khăn trong việc phán đoán “ý đồ thực sự” của chính quyền Trump.
“Nếu bạn không tự tin rằng bạn hiểu những ý đồ dài hạn của đối phương, khi đó bạn sẽ lo ngại về việc đưa ra cam kết vì bạn không biết cam kết đó sẽ đi tới đâu”, ông Stratford, đối tác quản lý của hãng luật Covington & Burling, cho biết.
Chẳng hạn, khi ông Trump chỉ đạo các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc, nhiều người đặt câu hỏi rằng: “Tại sao ông ấy làm như vậy? Liệu ông ấy chỉ nói đùa, hay thực sự nghiêm túc?”.
Ông Stratford cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “chắc chắn không muốn tỏ ra yếu thế” trước Tổng thống Donald Trump.
“Nếu Tổng thống Trump dồn ép Chủ tịch Tập một cách công khai, chúng ta hiểu rằng ông ấy sẽ không còn đường lùi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách để đạt được thỏa thuận, song cũng cố gắng để không tỏ ra là họ trông quá yếu thế”, ông Stratford nhận định.
Một số chuyên gia cho rằng Mỹ đã chỉ ra những điểm đáng lưu ý về Trung Quốc cũng như các hành vi thương mại của nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, cách chính quyền Mỹ giải quyết những lo ngại liên quan tới Trung Quốc không hiệu quả khi ông Trump thường xuyên công khai chỉ trích Bắc Kinh và dồn Trung Quốc vào bước đường cùng.
Chỉ Tổng thống Trump có thể chấm dứt thương chiến?
Wang Huiyao, một cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, nhận định chỉ Tổng thống Donald Trump mới có khả năng chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay của cuộc chiến thương mại và đạt được thỏa thuận với Trung Quốc.
Theo ông Wang, Trung Quốc đã triển khai “mọi nỗ lực”, bao gồm việc thông qua một đạo luật đầu tư nước ngoài hồi tháng 3 để giải quyết những lo ngại mà cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài thường than phiền khi đầu tư tại Trung Quốc.
Đạo luật mới cấm việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc và tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ. Đây cũng là những vấn đề khiến Tổng thống Trump từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh phải thay đổi.
Ông Wang cho biết đạo luật mới của Trung Quốc cũng cho phép các công ty nước ngoài có vị thế ngang bằng với các công ty nội địa. Động thái này của Bắc Kinh đã xử lý “đúng những quan ngại” của chính quyền Trump.
“Việc thay đổi toàn bộ luật lệ tại Trung Quốc là điều không thể, không nước nào có thể làm như vậy, nhưng chúng tôi đã thông qua một luật mới. Vì vậy, tôi nghĩ vẫn có cơ sở để giải quyết tất cả những lo ngại của Mỹ”, ông Wang nói.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng luật đầu tư mới của Trung Quốc, dự kiến bắt đầu được triển khai vào tháng 1 năm sau, vẫn chưa đủ để làm hài lòng Mỹ.
Chỉ hai tháng sau khi Trung Quốc đưa ra luật mới, Tổng thống Trump đã chỉ trích Bắc Kinh vì đột ngột rút lại một số cam kết mà hai nước đã đạt được trong các cuộc đàm phán trước đó. Ông Trump tố Trung Quốc phá vỡ thỏa thuận và ngay lập tức, Washington nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc.
Kể từ đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang trở lại khi hai bên liên tục áp thuế trả đũa lẫn nhau. Một số chuyên gia dự đoán hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khó có thể đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020.
Wang Huiyao, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa - một viện nghiên cứu đặt trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết việc Tổng thống Trump “hết lần này đến lần khác” nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc đã gây ra “sự mệt mỏi” và tạo ra “tình thế khó xử” cho cả hai bên.
Tuy nhiên, ông Wang khẳng định Trung Quốc luôn sẵn sàng đàm phán. Do vậy, mọi việc sẽ “phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ để thực sự đạt được tiến triển, duy trì sự linh hoạt và từ bỏ lập trường cứng rắn” trong vấn đề thương mại với Trung Quốc.
“Chúng ta không thể có một thỏa thuận hoàn hảo. Bạn có thể thấy rằng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục cởi mở vì lợi ích của Mỹ, chứ không chỉ vì riêng lợi ích của Trung Quốc. Tôi nghĩ đối với Mỹ, họ phải nhìn vào những tiến triển mà Trung Quốc đã làm và có thể tạo động lực để Trung Quốc cởi mở hơn, thay vì đặt Trung Quốc vào thế khó”, ông Wang nói.
Thành Đạt
Theo CNBC