Tổng thống Trump lên tiếng về kho vũ khí hạt nhân của Nga, Mỹ
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông hy vọng sẽ đàm phán với Nga và Trung Quốc về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân.
Trong bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên ở Davos, Thụy Sĩ hôm 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc lại các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020.
"Tôi có thể nói rằng Tổng thống Putin muốn thực hiện điều đó, ông ấy và tôi muốn thực hiện điều đó", ông Trump tuyên bố.
"Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện tốt đẹp với Trung Quốc, họ sẽ tham gia và đó sẽ là điều không thể tin được đối với hành tinh này", ông Trump nói thêm.
Tổng thống Trump cũng chỉ ra rằng, chi phí duy trì kho vũ khí hạt nhân của Mỹ là động lực thúc đẩy ý tưởng hạn chế số lượng vũ khí được triển khai.
"Chúng ta đang chi một khoản tiền khổng lồ cho hạt nhân và khả năng hủy diệt là điều mà chúng ta thậm chí không muốn nói đến", nhà lãnh đạo Mỹ cho biết.
Vào tháng 5/2019, Tổng thống Trump nói rằng ông và Tổng thống Putin đã thảo luận về khả năng ký kết một thỏa thuận mới hạn chế vũ khí hạt nhân, có thể bao gồm cả Trung Quốc, trong một thỏa thuận lớn giữa 3 cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.
Cuộc họp được tổ chức khi hiệp ước "New START" - hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Moscow và Washington, yêu cầu các bên cắt giảm đầu đạn hạt nhân chiến lược đã triển khai xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên - sắp hết hạn vào tháng 2/2021. Hiệp ước được gia hạn thêm 5 năm và hết hạn vào năm 2026.
Tuy nhiên, Nga đã chính thức đình chỉ việc tham gia hiệp ước vào năm 2023 do Washington hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Sau đó, Moscow tuyên bố sẽ tiếp tục tuân thủ các giới hạn được nêu trong hiệp ước.
Kể từ đó, Điện Kremlin cảnh báo việc Mỹ tiếp tục tăng cường quân sự gần biên giới Nga và triển khai tên lửa hạt nhân trên toàn cầu có thể gây ra phản ứng tương xứng.
Moscow có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, mặc dù các quan chức Nga, bao gồm cả Tổng thống Putin, đã nhiều lần tuyên bố họ coi việc sử dụng những vũ khí như vậy là "biện pháp cuối cùng".
Năm ngoái, Nga đã công bố các bản cập nhật cho học thuyết hạt nhân sau khi Mỹ và một số quốc gia phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thố Nga.
Học thuyết sửa đổi hiện nêu rõ rằng, hành động tấn công của một quốc gia phi hạt nhân hoặc của một nhóm quốc gia được một quốc gia hạt nhân hỗ trợ có thể được coi là "cuộc tấn công chung" vào Nga.