Tổng thống Trump không tới Anh, bà Theresa càng bất lợi
Thủ tướng Theresa May trình các dự luật Brexit khá cứng rắn khi lại không giành được sự ủng hộ của Mỹ hay của cả cử tri của mình.
Ngày 21/6, Thủ tướng Anh Theresa May đã trình bày các dự luật đưa Anh ra khỏi EU - còn được gọi là Brexit. Trong 8 dự luật, gồm “Dự luật Hủy bỏ lớn” và các dự luật riêng rẽ về thuế quan, thương mại, nhập cư, ngư nghiệp và nông nghiệp.
Dự luật trên được bà May trình bày trong một chương trình lập pháp được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phát biểu trước Quốc hội. “Dự luật Hủy bỏ lớn” sẽ bãi bỏ Đạo luật năm 1972 về các cộng đồng châu Âu (ECA) - được cho là có vai trò nền móng đối với tư cách thành viên EU của Anh.
Nữ hoàng Anh nhấn mạnh tới việc rời EU vẫn phải đảm bảo một thỏa thuận tốt nhất, đồng thời xây dựng sự động thuận rộng rãi nhất có thể đối với tương lai của đất nước ngoài EU.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Theresa May từ khi nhậm chức đến nay đã tìm mọi cách để tiếp cận các thị trường mới như Mỹ, Trung Quốc thay vì các quốc gia từng là đồng minh trong khối Liên minh châu Âu.
Song một điều đáng chú ý, trong bài phát biểu của Nữ hoàng Anh, không đề cập tới chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự kiến là sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Truyền thông Anh cho rằng, nhà lãnh đạo Mỹ đã không còn muốn tới thăm London vì sự phản đối của dư luận Anh sau khi một đơn kiến nghị hủy bỏ chuyến thăm nhận được hơn 1,8 triệu chữ ký ủng hộ.
Mục tiêu của Chính phủ Anh là tìm các thỏa thuận thương mại thuận lợi nhất với EU nhưng vẫn kiên quyết bãi bỏ Đạo luật năm 1972 về các cộng đồng châu Âu tạo nên dư luận về một cuộc "Brexit cứng" vẫn có thể diễn ra.
Đương nhiên, Anh buộc phải nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận riêng rẽ với Mỹ hay các quốc gia khác nhưng việc Nữ hoàng Elizabeth không đề cập tới chuyến thăm của Tổng thống Trump đã là một tín hiệu mang tới nhiều bất lợi cho quốc gia này.
Từ khi còn là ứng cử viên chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã hết lòng ủng hộ tiến trình Brexit.
Khi trả lời câu hỏi của báo giới về kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016 của Anh, ông Trump đã nói: “Họ đã giành lại được quyền kiểm soát đất nước của họ. Đó là một điều tuyệt vời!”
“Người dân trên khắp thế giới đang giận dữ. Họ giận dữ về đường biên giới, về việc người đến từ nước khác chiếm mọi thứ của họ, về nhiều vấn đề khác nữa”, ông Trump phát biểu.
Ông cũng từng nhiều lần tuyên bố ủng hộ việc Anh rời EU: “Vừa đến Scotland. Nơi này đang phát điên lên vì cuộc bỏ phiếu. Họ đã giành lại quyền kiểm soát đất nước, cũng giống như chúng ta sẽ giành lại nước Mỹ. Không phải là chuyện chơi đâu!”.
Chuyến thăm có thể bị hủy bỏ của Tổng thống Donald Trump đặt trong bối cảnh Đảng Bảo thủ của nữ Thủ tướng May không giành được đa số ghế trong Lưỡng viện đã khiến quá trình Brexit gặp nhiều trắc trở.
Tổng thống Trump rất hài lòng về Anh nhưng chưa có khả năng sẽ tới thăm London.
Hiện Đảng Bảo thủ đã thỏa thuận với Đảng Dân chủ Hợp nhất (DUP) để có thể giúp Chính phủ dễ dàng thông qua được các chương trình nghị sự của mình trước Hạ viện, tuy nhiên đến giờ phút này thỏa thuận cuối cùng giữa Bảo thủ và DUP vẫn chưa đạt được.
Nhiều người cho rằng, với sự thiếu mặn mà của ông Trump, bà May càng khó hơn trong việc nhận được sự chấp thuận về các dự thảo của mình tại Hạ viện.
Trong khi đó, những kế hoạch dự thảo của chính phủ thiểu số của đảng Bảo thủ đã bị các chính đảng khác chỉ trích như quá chú trọng đến Brexit mà không chú ý đến các vấn đề quan trọng khác của đất nước như khủng hoảng các dịch vụ công, thiếu ngân sách cho các hoạt động cảnh sát, y tế và giáo dục công, cũng như chính sách đầu tư cho nước Anh.
Liên quan đến ngân sách quốc phòng và hoạt động chống khủng bố, chính phủ dự kiến vẫn giữ nguyên mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Chính phủ Anh cũng cam kết sẽ xem xét đánh giá lại chiến lược chống khủng bố, tăng cường công tác chống lại chủ nghĩa cực đoan, tăng kết án đối với những tội danh liên quan đến khủng bố và ngăn chặn giảm bớt những tài liệu cổ súy cho hoạt động cực đoan trên mạng.
Theo Ngọc Dương
Báo Đất việt