1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tổng thống Trump - Putin: "Niềm tin" đặt nhầm chỗ?

(Dân trí) - Từng dành những lời tán dương và để ngỏ khả năng hợp tác với Tổng thống Vladimir Putin trong thời gian tranh cử, song Tổng thống Donald Trump dường như chưa làm được nhiều để đáp ứng kỳ vọng của nhà lãnh đạo Nga sau khi lên nắm quyền điều hành nước Mỹ.

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Đức hồi tháng 7/2017 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Đức hồi tháng 7/2017 (Ảnh: Reuters)

Trong năm đầu nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ bị “phủ bóng” bởi cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ cũng như cáo buộc thông đồng giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump với Moscow. Giới chức tình báo Mỹ từ lâu vẫn cho rằng nhà lãnh đạo Nga đã giúp ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử, trong khi Tổng thống Putin rõ ràng mong muốn ông Trump sẽ thay đổi quan hệ Nga - Mỹ khi lên nắm quyền.

Khi còn là ứng viên tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump không những không chỉ trích mà còn dành những lời tán dương và để ngỏ khả năng hợp tác với Tổng thống Putin. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định tỷ phú New York dường như chưa làm được nhiều để đáp ứng kỳ vọng của nhà lãnh đạo Nga khi lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ.

“Bối cảnh hiện tại rất bất lợi cho người Nga, và điều đó hoàn toàn ngược lại với những gì họ (Nga) muốn được thấy”, Alina Polyakova, chuyên gia Nga tại Viện nghiên cứu Brookings, nói với Newsweek.

Nới lỏng trừng phạt

Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump trò chuyện trong một sự kiện tại APEC ở Đà Nẵng tháng 11/2017. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump trò chuyện trong một sự kiện tại APEC ở Đà Nẵng tháng 11/2017. (Ảnh: Reuters)

Nga được cho là đang gặp khó khăn về tài chính và phải nỗ lực để vận hành ổn định nền kinh tế trong bối cảnh giá dầu giảm và hoạt động xuất khẩu bị hạn chế do các lệnh trừng phạt sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Đó là lý do khiến việc Mỹ và các nước phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa sống còn đối với Moscow.

Các biện pháp trừng phạt từng xuất hiện trong giai đoạn tranh cử của Tổng thống Donald Trump khi con trai lớn của ông là Donald Trump Jr. tổ chức cuộc họp để thảo luận về vấn đề này tại Tháp Trump. Sau khi ông Trump đắc cử, cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từng vướng vào vụ lùm xùm gây xôn xao dư luận khi có cuộc gặp với cựu Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak để trao đổi về việc cắt giảm các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow.

Hiện các động thái của ông Flynn và cuộc gặp tại Tháp Trump vẫn là những vấn đề mấu chốt trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Trong khi đó, việc thuyết phục Mỹ xóa bỏ các lệnh trừng phạt vẫn là một trong những ưu tiên trọng tâm của chính phủ Nga và điều này sẽ trao cho Tổng thống Putin uy tín chính trị rất lớn nếu được giải quyết ổn thỏa.

“Các lệnh trừng phạt cá nhân nhằm vào các nhân vật trong nội các của Tổng thống Putin là mối quan tâm lớn nhất đối với giới lãnh đạo Nga. (Người Nga) vẫn hy vọng rằng chính quyền Trump sẽ cho thấy sự sẵn lòng trong việc tìm kiếm một thỏa thuận để rút lại một số lệnh trừng phạt”, Jeffrey Mankoff, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.

Tuy nhiên, trong năm đầu nhiệm kỳ của chính quyền Trump, các lệnh trừng phạt Nga dường như ngày càng nặng nề hơn. Quốc hội Mỹ đã nhất trí ủng hộ các dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo, buộc Tổng thống Trump phải miễn cưỡng ký thông qua các dự luật này vào tháng 8 năm ngoái.

Các cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội diễn ra sau khi xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy Nga có thể đã can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016. Điều này khiến các nghị sĩ ở cả hai đảng của Mỹ tức giận, đồng nghĩa với việc cơ hội dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow gần như không còn.

“Điều này đã đập tan hy vọng của Điện Kremlin về việc quay trở lại mối quan hệ bình thường với Mỹ. Điều này cũng khiến giới lãnh đạo và người dân Nga càng thêm tin rằng, vẫn luôn tồn tại một nhóm người trong chính phủ Mỹ mang tư tưởng chống Nga và ngay cả Tổng thống Trump cũng không đủ thẩm quyền để vượt qua họ”, Jeffrey Edmonds, cựu giám đốc phụ trách chính sách Nga tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết.

Xung đột Ukraine

Tổng thống Trump phát biểu tại một sự kiện của NATO tháng 5/2017 (Ảnh: Getty)
Tổng thống Trump phát biểu tại một sự kiện của NATO tháng 5/2017 (Ảnh: Getty)

Chính quyền Tổng thống Trump gần đây đã cho thấy sự thay đổi về chính sách đi ngược lại hoàn toàn với mong muốn của chính quyền Tổng thống Putin, đó là tiếp tục triển khai kế hoạch cấp vũ khí cho quân đội Ukraine vào tháng 12 năm ngoái. Đây là bước chuyển biến rõ ràng so với chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama - người từng quan ngại rằng việc Washington trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine để chống lại phiến quân do Nga hậu thuẫn có thể dẫn tới xung đột trực tiếp với Moscow.

“Đó luôn là nỗi sợ hãi của chính quyền Obama. Chúng ta không nên khiêu khích người Nga vì nếu chúng ta cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, điều đó đồng nghĩa với việc chiến tranh với Nga sẽ nổ ra”, Plyakova, tác giả cuốn sách “Mặt tối của Hội nhập châu Âu”, nhận định.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cựu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, từng hé lộ rằng bà sẽ cấp vũ khí cho Ukraine nếu đắc cử. Trong khi đó ông Trump từng không ủng hộ biện pháp này và đội ngũ của ông đã tìm cách để gạt bỏ bất kỳ kế hoạch đưa vũ khí sang Ukraine ra khỏi chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa. Song rốt cuộc, ông đã thay đổi quyết định sau khi nhậm chức.

Liên minh NATO

Theo nhận định của giới phân tích, một trong những mục tiêu của chính quyền Nga là chia rẽ NATO - một liên minh quân sự mà chính ông Trump cũng từng đặt câu hỏi nghi vấn khi còn là ứng viên tranh cử. Ông Trump khi đó cho rằng NATO đang tiêu tốn quá nhiều tiền của Mỹ để bảo vệ châu Âu và dọa sẽ không cấp ngân sách cho tổ chức mà Mỹ đóng vai trò trung tâm này. Khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump từng tỏ ra do dự trong việc ủng hộ cam kết phòng thủ tập thể của NATO, trong đó quy định một cuộc tấn công từ bên ngoài nhằm vào một nước thành viên của liên minh cũng đồng nghĩa với việc tấn công cả liên minh.

Mặc dù vậy, Tổng thống Trump cuối cùng vẫn tái khẳng định cam kết của Mỹ với NATO. Liên minh quân sự này ngày càng mạnh lên, Mỹ vẫn cam kết hỗ trợ cho các đồng minh trong khối và nhiều nước ngày càng phòng thủ tốt hơn. Xét cho cùng, thực tế này đi ngược lại với những gì Điện Kremlin mong muốn.

Thành Đạt

Tổng hợp