1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Trump có dễ bị phế truất theo Hiến pháp Mỹ?

(Dân trí) - Dù Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachesetts đã kêu gọi các thành viên nội các tước quyền của Tổng thống Donald Trump viện dẫn Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ, nhưng New York Times cho rằng đây là một quá trình rất phức tạp và khó khăn để có thể thực hiện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Ngày 5/9, báo New York Times đăng tải một bài bình luận ẩn danh từ một độc giả tự nhận là “quan chức cấp cao trong chính quyền” và thuộc “phe chống đối Tổng thống Trump”. Tác giả bài viết đã chỉ trích phong cách lãnh đạo của ông Trump, đồng thời hé lộ những thông tin rằng một số thành viên trong nội các của ông Trump từng cân nhắc tới phương án viện dẫn khoản 4 trong Tu chính án 25 để tước quyền lãnh đạo của tổng thống, song họ quyết định dừng lại để tránh “cuộc khủng hoảng hiến pháp”.

Ngày 6/9, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã lên tiếng về sự việc, kêu gọi rằng nếu các quan chức trong chính quyền ông Trump nhận thấy ông không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ thì họ nên làm theo lời tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp Mỹ khi nhậm chức, sử dụng Tu chính án 25 của Hiến pháp để phế truất ông Trump.

Động thái này là chưa từng bao giờ có tiền lệ trong lịch sử và theo New York Times, Tu chính án 25, được ban hành 51 năm trước, đã đưa ra một quy trình đầy phức tạp và khó khăn để có thể loại bỏ đi quyền lực của ông Trump.

Tu chính án số 25 là gì?

Tu chính án số 25 là văn bản được ra đời với mục đích chủ yếu để làm rõ thứ tự kế thừa nhiệm vụ tổng thống Mỹ khi xảy ra vấn đề.

Khoản 1 của văn bản này giải thích điều gì sẽ xảy ra nếu tổng thống qua đời, từ chức hoặc bị phế truất. Khi đó, phó tổng thống sẽ lên nắm quyền và trở thành tổng thống ngay lập tức. Khoản 2 của Tu chính án 25 quy định trong trường hợp vị trí phó tổng thống bị bỏ trống, tổng thống sẽ có quyền đề cử người thay thế và đưa lên lưỡng viện quyết định bỏ phiếu thông qua hay không.

Trong khi đó, khoản 3 nói rằng khi tổng thống có thể tạm thời chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống khi người này không thể thực hiện nhiệm vụ. Quá trình nắm quyền của phó tổng thống sẽ bắt đầu khi tổng thống gửi văn bản tới quốc hội và kết thúc khi tổng thống thông báo với lưỡng viện rằng ông đã sẵn sàng quay trở lại làm nhiệm vụ.

Khoản 4 của tu chính án 25 quy định rằng khi phó tổng thống với sự ủng hộ của đa số quan chức hành pháp cấp cao có thể nộp văn bản lên lưỡng viện tuyên bố rằng tổng thống không thể thực thi quyền lực và nhiệm vụ. Khi đó, phó tổng thống sẽ lập tức nắm quyền tổng thống.

Theo New York Times, sau vụ ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1963, quốc hội Mỹ đã có những băn khoăn về việc lựa chọn phó tổng thống mới, sau khi ông Lyndon B. Johnson trở thành Tổng thống. Và cũng có những quan ngại về việc điều gì sẽ xảy ra nếu như ông Johnson bị bệnh hoặc có bất cứ vấn đề gì trước khi Mỹ có thể tìm ra người thay thế ông.

Vì vậy, quốc hội đã đệ trình dự luật về Tu chính án số 25 vào mùa hè năm 1965. Và văn bản này chính thức trở thành một phần Hiến pháp Mỹ vào năm 1967 sau khi được 38 tiểu bang phê chuẩn vào thời điểm đó. Sau đó, 9 bang khác cũng đã phê chuẩn văn bản này và hiện chỉ còn 3 bang Georgia, North Dakota và South Carolina không thông qua Tu chính án số 25.

Tu chính án số 25 sử dụng thế nào?

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (Ảnh: Reuters)
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (Ảnh: Reuters)

Từ khi trở thành điều khoản trong hiến pháp, 3 khoản đầu tiên của Tu chính án số 25 đã được sử dụng một vài lần. Khoản 1 và khoản 2 đã được sử dụng vào năm 1974 khi cựu Tổng thống Richard M. Nixon từ chức do bê bối Watergate và phó Tổng thống thời điểm đó Gerald Ford đã lên thay vị trí của ông Nixon. Ông Ford đã đề xuất ông Nelson Rockefeller lên làm Phó Tổng thống và được lưỡng viện thông qua.

Với khoản 3, điều luật cho phép tổng thống tạm thời trao quyền cho phó tổng thống đã được cựu Tổng thống Ronald Reagan dùng năm 1985 khi ông trải qua ca phẫu thuật ung thư. Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng sử dụng khoản này vào năm 2002 khi ông tham gia điều trị y tế. Khi đó, quyền tổng thống Mỹ trong vài giờ đồng hồ đã được giao cho Phó Tổng thống Dick Cheney. Năm 2007, ông Bush cũng làm điều tương tự.

Chỉ còn khoản 4 của Tu chính án số 25 là chưa bao giờ được sử dụng.

Trong trường hợp ông Trump, để thực hiện khoản 4, bước đầu tiên là Phó Tổng thống Mike Pence và phần lớn các quan chức trong nội các phải đưa ra một tuyên bố dưới dạng văn bản gửi tới chủ tịch tạm thời của Thượng viện Orrin G. Hatch và Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan với nội dung rằng ông Trump không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ của tổng thống. Ngay lập tức, ông Pence sẽ trở thành quyền tổng thống.

Tuy nhiên, Tu chính án số 25 đồng thời cho phép ông Trump gửi một tuyên bố dưới dạng văn bản khác tới ông Hatch và ông Ryan cho biết ông vẫn có khả năng thực hiện nhiệm vụ. Ngay sau đó, ông Trump có thể lấy lại được quyền lực, trừ khi ông Pence và nội các tiếp tục gửi một thông báo khác lên lãnh đạo 2 viện trong vòng 4 ngày sau đó, tái khẳng định quan điểm của họ về ông Trump. Khi đó, ông Pence sẽ lại tiếp tục nắm quyền tổng thống.

Sau đó, Quốc hội Mỹ sẽ phải họp trong vòng 48 giờ và bắt đầu biểu quyết trong 21 ngày. Nếu 2/3 các nghị sĩ ở lưỡng viện tán thành rằng ông Trump không đủ khả năng làm tổng thống, ông sẽ bị phế truất vĩnh viễn khỏi vị trí này và ông Pence sẽ lên thay thế. Ngược lại, ông Trump sẽ vẫn tiếp tục làm tổng thống.

Theo New York Times, triển khai Tu chính án số 25 là quy trình rất khó khăn. Trong thực tế, việc thực thi điều khoản này còn khó hơn cả việc đưa tổng thống ra quốc hội luận tội. Một tổng thống có thể bị luận tội nếu trên 50% hạ nghị sĩ tán thành và có thể bị phế truất nếu 2/3 số phiếu ở Thượng viện đồng ý. Trong khi đó, quy trình phế truất tổng thống viện dẫn Tu chính án số 25 cần tới 2/3 số phiếu ở cả 2 viện.

Đức Hoàng

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm