1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Một Tổng thống Mỹ khó đoán và "giọt nước tràn ly" trong liên minh của Washington

(Dân trí) - Việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan cùng tuyên bố từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được xem là “giọt nước tràn ly” cho mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh lâu năm.

Một Tổng thống Mỹ khó đoán và giọt nước tràn ly trong liên minh của Washington - Ảnh 1.

Tổng thống Trump quay riêng một hướng so với lãnh đạo các nước thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Bỉ hồi tháng 7. (Ảnh: Reuters)

Các đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á từng nghĩ rằng họ đã học được cách thích nghi và cân bằng bản tính thất thường của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, quyết định từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và tuyên bố rút quân khỏi Syria và Afghanistan đầy bất ngờ của ông chủ Nhà Trắng gần đây được xem là "giọt nước tràn ly" trong mối quan hệ của Washington với các đồng minh trên khắp thế giới.

Nhiều nước đang tìm cách định hình lại mối quan hệ với Tổng thống Trump - người xem các đồng minh truyền thống như những đối thủ cạnh tranh, từ Hàn Quốc cho tới Nhật Bản, Pháp, Đức và các nước thuộc liên minh NATO. Quan chức cấp cao của các nước này vẫn đang trao đổi về việc làm thế nào để tự đứng trên đôi chân của mình nhiều hơn và bớt phụ thuộc vào một nước Mỹ vốn chỉ tập trung vào chiến lược "Nước Mỹ là trên hết".

Tuy vậy, họ vẫn đặt niềm tin vào Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Ông chủ Lầu Năm Góc luôn thể hiện vai trò của một người tiếp nối các giá trị đồng minh truyền thống của Mỹ. Ông Mattis cũng luôn nỗ lực để thắt chặt hơn nữa các liên minh này, bất chấp những quan điểm trái chiều tại Nhà Trắng.

Các đồng minh truyền thống của Mỹ coi Bộ trưởng Mattis như một sợi dây kết nối hiệu quả và đồng cảm nhất giữa họ với Tổng thống Trump. Họ cũng xem ông chủ Lầu Năm Góc như "người trưởng thành" cuối cùng trong chính quyền Mỹ - người có thể kiềm chế, cân bằng, thậm chí bỏ qua những ý tưởng bộc phát của một vị tổng thống khó đoán.

"Đây là hồi chuông báo động với châu Âu", cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt bình luận trên Twitter ngày 21/12, đồng thời nhận định Bộ trưởng Mattis là sợi dây gắn kết chặt chẽ cuối cùng kết nối Đại Tây Dương trong chính quyền Trump.

Một Tổng thống Mỹ khó đoán và giọt nước tràn ly trong liên minh của Washington - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) (Ảnh: Reuters)

Đối với cựu quan chức quốc phòng Pháp Francois Heisbourg, đây là thời khắc quyết định của tổng thống Mỹ khi ông phải đối mặt với nhiều sức ép sau quyết định bất ngờ rút quân khỏi Syria và Afghanistan. Quyết định của Tổng thống Trump được đưa ra bất chấp sự phản đối của giới tình báo và quân sự, đồng thời coi nhẹ các đồng minh truyền thống của Mỹ.

"Bây giờ, mọi người sẽ phải hành động dựa trên nhận thức rằng hệ thống liên minh không còn tồn tại nữa. Các tổ chức vẫn còn đó, các hiệp ước vẫn còn đó, các binh sĩ và trang thiết bị vẫn còn đó, nhưng người dẫn đầu không còn ở đó", ông Heisbourg nhận định.

Tổng thống Trump từng nhiều lần chỉ trích mạng lưới các đồng minh đa phương có tuổi đời hàng chục năm của Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng xem các mối quan hệ đồng minh này, vốn ra đời từ sau Thế chiến II ở cả châu Âu và châu Á, là gánh nặng về tài chính đối với Mỹ.

Tất nhiên, các mối quan hệ đồng minh đã tiêu tốn tiền thuế thực sự của người Mỹ, tuy nhiên một khía cạnh khác nữa cần tính đến đó là các liên minh này đã ngăn Mỹ không tham gia vào một cuộc xung đột toàn cầu, hay một cuộc chiến tranh thế giới mới. Ngoài ra, các mối quan hệ đồng minh cũng tạo ra những thị trường ngày càng phong phú cho các sản phẩm nông nghiệp cũng như công nghiệp của Mỹ.

Đổi lại, nhiều đồng minh cũng kề vai sát cánh với Mỹ trong các cuộc xung đột như ở bán đảo Triều Tiên, Iraq hay Afghanistan. Khi tổ chức khủng bố al-Qaeda tấn công nước Mỹ vào ngày 11/9/2001, chính NATO đã kích hoạt Điều 5 trong hiệp ước của liên minh này, trong đó quy định nếu một nước thành viên NATO bị tấn công, tất cả các nước còn lại sẽ cùng tham gia bảo vệ nước này theo cơ chế phòng vệ tập thể.

"Kẻ khóc người cười"

Một Tổng thống Mỹ khó đoán và giọt nước tràn ly trong liên minh của Washington - Ảnh 3.

Lực lượng quân sự Mỹ triển khai hoạt động tại thành phố Manbij, Syria. (Ảnh: New York Times)

Trước hàng loạt thông tin cho thấy sự xáo trộn trong nội bộ chính quyền Mỹ, mỗi nước đưa ra những phản ứng khác nhau. Trong khi các đồng minh truyền thống của Mỹ cảm thấy bất ngờ và chưa kịp xoay sở, các nước như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc thể hiện sự hài lòng. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hoan nghênh quyết định rút quân của Mỹ khỏi Syria, đồng thời cho biết Washington và Ankara nên "hợp tác với nhau".

Tại Bắc Kinh, các lãnh đạo quân sự của Trung Quốc dường như cũng hài lòng. Trong thời gian còn đương chức, để thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với Đài Loan, Bộ trưởng Mattis từng triển khai các tàu chiến tới eo biển Đài Loan 3 lần trong năm nay. Ông cũng công kích mạnh mẽ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông và đưa tàu chiến tới các khu vực nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này.

Theo Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phục Đán, một bộ trưởng quốc phòng mới "nghe lời" Tổng thống Trump có thể là cơ hội tốt với Trung Quốc.

"Chắc chắn ông Trump muốn một bộ trưởng quốc phòng phục tùng hơn. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, ông Trump thường tập trung vào kinh tế, thay vì an ninh hay địa chính trị. Tuy nhiên, quân đội Mỹ luôn thúc đẩy mạnh mẽ các vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Hãy chờ xem điều này có thay đổi không", ông Wu nhận định.

Đối với Pháp và Anh, đã đến lúc hai quốc gia này đặt ra câu hỏi về sự can dự của họ trong các cuộc chiến tại Syria và Afghanistan dưới sự lãnh đạo của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly sáng 22/12 cho biết các lực lượng quân sự Pháp đã hiện diện ở Trung Đông và tham gia cuộc chiến tại Syria trong khuôn khổ liên minh do Mỹ dẫn đầu, nhằm xóa sổ các lực lượng còn lại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria.

"Tuy nhiên rõ ràng quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump đã thay đổi sâu sắc tình hình", bà Parly nói, đồng thời khẳng định IS vẫn chưa tàn lụi như ông Trump tuyên bố.

"Nguy cơ đặt ra là nếu chúng ta không nhổ tận gốc, chúng có thể phát triển trở lại, giành lại địa bàn và tấn công châu Âu. Nhiệm vụ này phải được hoàn thành", bộ trưởng quốc phòng Pháp nhấn mạnh.

Một Tổng thống Mỹ khó đoán và giọt nước tràn ly trong liên minh của Washington - Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) ngồi đối mặt với Thủ tướng Đức Angele Merkel (giữa) và các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Quebec, Canada ngày 9/6. (Ảnh: AP)

Đối với Anh, cựu Đại sứ Ivor Roberts cho rằng lực lượng quân sự của nước này, vốn kề vai sát cánh với lực lượng Mỹ tại Afghanistan, cũng phải định hình lại.

"Đối với các đồng minh của Mỹ, đây là sự hoang mang tột độ. Tại Syria, ông Trump đã trải thảm cho những người mà tôi không nghĩ là Mỹ muốn trải thảm: đó là Nga, Iran và IS", ông Roberts nhận định.

Mỹ từ lâu vẫn được xem là nhân tố không thể thiếu trên bàn cờ địa chính trị thế giới. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng sự thất thường của Tổng thống Trump cũng như việc ông chủ Nhà Trắng không còn coi trọng các đồng minh có thể làm suy giảm quyền lực toàn cầu của Mỹ, nếu Washington không còn được xem là một đồng minh đáng tin cậy.

"Tổng thống Trump dường như cho rằng ông ấy có thể đạt được cả hai. Vừa rút quân Mỹ khỏi các mặt trận, giảm viện trợ tài chính cho các thể chế quốc tế như NATO hay Liên Hợp Quốc, giảm dần vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các tiến trình hòa bình ở những khu vực như Syria, Yemen hay Libya; lại vừa có thể giữ chiếc ghế chủ chốt của Mỹ trên bàn cờ quốc tế", Karin von Hippel, giám đốc Viện nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia tại London, nhận định.

"Tôi e rằng chuyện đó khó có thể đạt được. Chúng ta có thể thấy nhiều quốc gia vẫn đang phát triển mà không cần đến Mỹ, và cũng có những quốc gia như Trung Quốc, Nga hay Iran sẵn sàng lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại. Việc Mỹ rút lui chỉ có thể dẫn tới sự bất ổn toàn cầu, và điều này sẽ tác động tiêu cực tới chính Mỹ cũng như châu Âu", bà Hippel cho biết.

Theo một số nhà phân tích, sự rút lui bất ngờ của Mỹ khỏi Syria và Afghanistan không chỉ khiến các đồng minh bất ngờ, mà động thái này có thể làm suy yếu, thay vì nâng cao, tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Thành Đạt

Theo New York Times