1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Indonesia:

Tổng thống tái cử với cơ hội cũ và những thách thức mới

(Dân trí) - Chiến thắng áp đảo của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho thấy uy tín của ông, là cơ hội để ông tiếp tục các cuộc cải tổ mà chính phủ cũ đã tiến hành, nhưng cũng đặt ông trước những thách thức mới về an ninh và kinh tế.

Uỷ ban bầu cử  Indonesia hôm qua đã chính thức công bố kết quả bầu cử cuộc bầu cử Tổng thống được tiến hành hôm 8/7, xác nhận tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono được tái đắc cử với gần 61% số phiếu - bỏ xa đằng sau hai đối thủ là cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputri với 26,8% và đương kim phó Tổng thống Jusuf Kalla với 12,4%. Với kết quả này, ông Yudhoyono đã chính thức giành được phần thắng ngay trong vòng một.

 

Hai đối thủ của  ông, bà Megawati Sukarnoputri và ông Jusuf Kalla, không chấp nhận kết quả bầu cử và cho biết là sẽ nộp đơn khiếu nại.

 

Thắng lợi của Tổng thống Yudhoyono, 59 tuổi, cựu tướng lĩnh đã được dự đoán ngay từ chiều ngày bỏ phiếu vòng đầu hôm 8/7. Nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài, như tổng thống Barack Obama, đã gửi điện chúc mừng ông.

 

Đây là cuộc bầu cử tổng thống thứ hai ở Indonesia theo chế độ phổ thống đầu phiếu trực tiếp từ ngày dân chủ được thiết lập tại nước này vào năm 1998. 

 

Cơ hội cũ và thách thức mới

 

Indonesia, với dân số hơn 240 triệu người, là quốc gia có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới. Tái cử ngay trong vòng một sau cuộc vận động bầu cử diễn ra trong không khí yên ổn, không có bạo lực, đã cho thấy rõ uy tín của Tổng thống Yudhoyono.

 

Được đảm nhận vị trí cao nhất trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Yudhoyono sẽ có cơ hội để tiếp tục các cuộc cải tổ mà chính phủ của ông đã tiến hành nhằm giúp cho nền kinh tế Indonesia đạt được nhịp độ tăng trưởng trên 6%, như trong hai năm 2007 và 2008 - một nhịp độ cần thiết để tạo công ăn việc làm cho dân chúng. 

 

Trong cuộc vận động tranh cử, ông Yodhoyono cam kết tiếp tục công cuộc cải tổ, chống tham nhũng, nếu ông đươc thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Ông cũng đã nêu bật thành quả kinh tế: Indonesia là một trong những quốc gia hiếm hoi ở Đông Nám Á còn có thể nói đến tăng trưởng với GDP trong quý I đạt 4,4%. Trong bối cảnh các con hổ như Singapore bị tác động nặng nề do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hay Thái Lan bị suy yếu vừa trên bình diện kinh tế, Indonesia dưới sự lãnh đạo của ông Yudhoyono đang trên đà lấy lại uy thế quốc gia hùng mạnh và ổn định trong ASEAN. 

  

Ông Yudhoyono hiện cũng đang đươc hậu thuẫn của một liên minh rộng lớn bao gồm các đảng phái chính Hồi giáo. Các đảng này đã không đề cử được người ra tranh cử. 

 

Thách thức đầu tiên mà tổng tống đắc cử phải giải quyết là đơn khiếu nại của đảng “Dân Chủ Indonesia – Đấu tranh” của bà Sukarnoputri, hiện vẫn không chịu công nhận kết quả của cuộc bầu cử với lý do là có nhiều điểm không hợp lệ trong cuộc bỏ phiếu. Đối thủ thứ hai là ông Jusuf Kalla cũng cho rằng có một số chuyện không hợp lệ trong cuộc bỏ phiếu vừa qua và cũng có ý định nộp đơn khiếu nại. 

 

Nhưng thách thức thực sự đối với tổng thống là con thuyền kinh tế vẫn còn lênh đênh trên đại dương khủng hoảng chung của thế giới và nhất là vấn đề an ninh lại vừa nổi lên sau loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào thủ đô Jakarta hôm 17/7. 

 

Cách đây chỉ mới một năm, khi giá dầu hoả tăng vọt, uy tín của  Tổng thống Yudhoyono đã tuột xuống mức rất thấp. Còn vụ tấn công hai khách sạn JW Marriott và Ritz-Carlton ở Jakarta, diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống, nhắc nhở là nạn khủng bố sau gần 4 năm lắng dịu vẫn là một thách thức lớn không chỉ đối với riêng Indonesia mà cho ASEAN. Vụ này cũng làm dấy lên nhiều thắc mắc về hiệu quả chiến lược an ninh, chống khủng bố của Indonesia. Cho đến nay, Jakarta vẫn thực hiện một chiến lược trừng phạt nhưng cũng chiêu dụ các phần tử cực đoan. Loạt khủng bố mới cho thấy chiến lược này có lẽ không còn thích hợp nữa.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp