1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Putin: Xây dựng quân đội Nga hiện đại, nhiều vũ khí vô đối

Đại tá Lê Thế Mẫu

(Dân trí) - Trong Thông điệp Liên bang năm 2018, Tổng thống Putin lần đầu tiên thông báo Nga đã nghiên cứu phát triển thành công và đưa vào trang bị các loại vũ khí độc nhất vô nhị trên thế giới.

Tổng thống Putin: Xây dựng quân đội Nga hiện đại, nhiều vũ khí vô đối - 1

Tổng thống Vladimir Putin dẫn dắt nước Nga cạnh tranh với Mỹ - NATO (Ảnh: FT).

Tổng thống Vladimir Putin: Sự lựa chọn lịch sử của nước Nga (kỳ 4)

Kết quả cuộc bầu cử 2024 có thể dự báo trước được bởi Vladimir Putin không chỉ là tổng thống mà còn là lãnh tụ của nhân dân Nga. Sau nhiệm kỳ này, nếu đủ sức khỏe cũng như các điều kiện khác, ông hoàn toàn có thể ra tranh cử vào năm 2030 để lãnh đạo đất nước đến năm 2036.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem vì sao ông được người Nga tín nhiệm cao đến thế. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng.

Năm 2015, thay vì trả lời câu hỏi về đồng minh của Nga, Tổng thống Vladimir Putin trích dẫn câu nói nổi tiếng của Nga Hoàng Alexander III trong thế kỷ XIX rằng: "Nga chỉ có hai đồng minh là Lục quân và Hải quân".

Tư tưởng này đã được Tổng thống Putin vận dụng để xây dựng Các lực lượng vũ trang Nga trở thành lực lượng hùng mạnh, sẵn sàng làm lá chắn tin cậy để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngay sau khi bước vào Điện Kremlin năm 2000, ông đã chỉ đạo thực thi nhiều biện pháp chiến lược.

Xây dựng Học thuyết quân sự mới

Biện pháp đầu tiên của ông Putin sau khi bước vào Điện Kremlin là chỉ đạo xây dựng và phê chuẩn Học thuyết quân sự mới của Liên bang Nga vào năm 2000 trên cơ sở điều chỉnh và bổ sung nội dung của phiên bản học thuyết quân sự đã từng được Tổng thống Yeltsin phê chuẩn vào năm 1993 nhưng đã bị lạc hậu.

Đến nay, kể từ khi nhậm chức, Putin đã 4 lần chỉ đạo xây dựng và phê chuẩn học thuyết quân sự vào các năm 2000, 2010, 2014 và 2018 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng thủ quốc gia khi tình hình thế giới và nước Nga có những thay đổi nhanh chóng.

Tuy nhiên, phiên bản Học thuyết quân sự năm 2000 thể hiện tầm nhìn rất xa và sâu sắc của ông về nguy cơ an ninh đối với nước Nga.

Trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, những nguy cơ đó hiện nay càng trở nên hiện hữu như NATO tiếp tục mở rộng và đưa căn cứ quân sự tới bố trí sát biên giới Nga; các mưu toan phớt lờ lợi ích chính đáng và hợp pháp của Nga trong giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế; cản trở Nga củng cố với t­ư cách là một trong những trung tâm ảnh hưởng trong thế giới đa cực; mưu toan của các thế lực bên ngoài phá hoại sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và gây bất ổn chính trị trong xã hội Nga.

Để hóa giải các nguy cơ và thách thức, Học thuyết quân sự năm 2000 và những năm sau đó xác định nhiệm vụ xây dựng Các lực lượng vũ trang Nga hùng mạnh, làm lá chắn tin cậy bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tổng thống Putin: Xây dựng quân đội Nga hiện đại, nhiều vũ khí vô đối - 2

Tổng thống Nga Putin cùng Bộ trưởng BQP Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Gerasimov (Ảnh: Reuters).

Cải cách Các lực lượng vũ trang Nga

Kể từ khi Putin lên nắm quyền vào năm 2000, Liên bang Nga đã có hai chương trình cải cách quân sự. Chương trình thứ nhất từ năm 2004 đến 2008 và chương trình thứ hai từ năm 2008 đến 2020.

Mục đích chính của các chương trình cải cách là tổ chức lại Các lực lượng vũ trang Nga theo hướng tinh gọn, có khả năng phản ứng nhanh, sẵn sàng hóa giải mọi nguy cơ chiến tranh và can thiệp từ bên ngoài. Tính đến năm 2020, quân đội nước này đã đổi mới 70-80% số vũ khí trang bị từ thời Liên Xô, riêng chỉ số này của lực lượng hạt nhân chiến lược đạt 90%.

Tổ chức lại và hiện đại hóa tổ hợp công nghiệp quốc phòng

Trong gần hai nhiệm kỳ của Tổng thống tiền nhiệm Yeltsin, hàng loạt xí nghiệp công nghiệp quốc phòng của Nga bỗng nhiên thuộc sở hữu của nước ngoài. Ngoài ra, quá trình tư nhân hóa ồ ạt đã làm tê liệt hàng loạt xí nghiệp công nghiệp quốc phòng và các viện nghiên cứu khoa học, hủy hoại một cách có hệ thống tiềm lực công nghiệp quốc phòng của đất nước.

Trong đó, hàng trăm vũ khí trang bị chiến lược của Nga bị hủy hoại, thậm chí cả các hệ thống vũ khí độc nhất vô nhị trên thế giới như tên lửa đường đạn vượt đại châu mang nhiều đầu đạn.

Có tới 92% xí nghiệp luyện kim màu - cơ sở cực kỳ quan trọng của công nghiệp quốc phòng - bị tư nhân hóa. Thậm chí nhà máy luyện kim nikel trị giá hàng nhiều tỷ USD đã bị bán cho công ty nước ngoài với giá nửa triệu USD!

Nhiều dây chuyền sản xuất máy bay và tàu chiến bị đình trệ, lĩnh vực vũ trụ bị cắt giảm 80% ngân sách, hàng loạt công trình nghiên cứu phát triển quốc phòng đều bị đình chỉ hoặc bỏ dở do không được bảo đảm kinh phí hoạt động.

Sau khi bước vào Điện Kremlin, ông quyết định tổ chức lại toàn bộ tổ hợp quốc phòng của Nga theo hướng nhà nước nắm quyền quản lý. Quyết định đầu tiên của Tổng thống Putin là ký sắc lệnh thành lập nhiều công ty công nghiệp quốc phòng chuyên ngành thuộc sở hữu nhà nước.

Theo đó, Nga đã xây dựng 50 công ty công nghiệp quốc phòng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo và sản xuất các loại vũ khí trang bị chiến lược, chiến lược - chiến dịch, chiến dịch - chiến thuật, tạo cơ sở vật chất để hiện đại hóa Các lực lượng vũ trang Nga.

Các công ty công nghiệp quốc phòng Nga không chỉ nghiên cứu chế tạo và sản xuất vũ khí trang bị đủ để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Các lực lượng vũ trang Nga mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đưa Nga trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu và có uy tín bậc nhất thế giới. Nga đã xuất khẩu vũ khí tới 65 nước và ký hiệp định hợp tác kỹ thuật - quân sự với 89 nước.

Tổng thống Putin: Xây dựng quân đội Nga hiện đại, nhiều vũ khí vô đối - 3

Hai chiếc Su-34M hiện đại hóa của Không quân Nga trong quá trình chuẩn bị cất cánh hôm 1/6/2023 (Ảnh: UAC).

Sở hữu các loại vũ khí độc nhất vô nhị trên thế giới

Trong Thông điệp Liên bang năm 2018, Tổng thống Putin đã từng cảnh báo đối với những thế lực đang mưu toan phát động chiến tranh nhằm vào Nga. Theo ông, xuất phát từ nhận định cho rằng nước Nga là "kẻ thất bại" trong Chiến tranh lạnh, bị suy yếu đáng kể nên không có đủ tiềm lực kinh tế, quân sự để chạy đua với Mỹ và rút cuộc sẽ phải chấp nhận sự sắp đặt của Washington trên bàn cờ chính trị quốc tế, nhưng toan tính đó đã thất bại.

Tổng thống Putin cho biết, Nga có tiềm lực và khả năng quân sự ngày càng lớn, với mức độ trang bị hiện đại tăng gấp 3,7 lần so với đầu những năm 2000.

Trong đó, Nga đã đưa vào trang bị 300 loại vũ khí, trang bị mới; 80 tên lửa hạt nhân chiến lược có tầm vượt đại châu; 120 tên lửa hạt nhân chiến lược phóng từ tàu ngầm; 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới; 12 trung đoàn tên lửa được trang bị tên lửa đường đạn thế hệ mới; tăng 30 lần số lượng tên lửa hành trình có độ chính xác cao; tăng 12 lần số lượng phương tiện mang vũ khí điều khiển chính xác cao tầm xa.

Đặc biệt, toàn bộ không phận và biên giới của Nga được phủ sóng radar để sẵn sàng phát hiện và cảnh báo mọi cuộc tấn công bằng tên lửa từ bất cứ hướng nào. Ngoài ra, Nga đã thành lập Trung tâm quốc gia về chỉ huy và quản lý quốc phòng để sẵn sàng nắm bắt mọi diễn biến quân sự diễn ra trên thế giới.

Trong Thông điệp Liên bang năm 2018, Tổng thống Putin lần đầu tiên thông báo Nga đã nghiên cứu phát triển phát triển thành công và đưa vào trang bị các loại vũ khí độc nhất vô nhị trên thế giới. Sau đây là một số vũ khí trong số đó.

Tên lửa đường đạn xuyên lục địa Avangard có thể hành trình với tốc độ siêu vượt âm 27 Mach, nghĩa là bay nhanh hơn tốc độ âm thanh 27 lần, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân có sức công phá vô cùng mạnh, tương đương 2 triệu tấn thuốc nổ TNT. Đặc biệt hơn nữa và Avangard liên tục thay đổi hướng bay và độ cao khi di chuyển qua khí quyển, khiến mọi hệ thống đánh chặn tên lửa hiện có của các đối phương tiềm tàng trở nên vô dụng.

Tên lửa chiến dịch - chiến thuật siêu vượt âm Kinzhal có thể bay với tốc độ siêu vượt âm tới 20 Mach, được lắp đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Loại tên lửa này đã được Nga sử dụng để tấn công tiêu diệt các mục tiêu quân sự quan trọng của Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tổng thống Putin: Xây dựng quân đội Nga hiện đại, nhiều vũ khí vô đối - 4

Tiêm kích MiG-31K Nga mang tên lửa siêu vượt âm Kinzhal (Ảnh minh họa: Telegram).

Tên lửa đối hạm siêu vượt âm Zircon được đánh giá là vũ khí đối hạm độc nhất vô nhị trên thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ cần 4 tên lửa Zircon của Nga đủ để tấn công hủy diệt một cụm tàu sân bay hiện đại nhất trên thế giới.

Tên lửa hành trình Burevestnik được lắp động cơ hạt nhân gọn nhẹ có sức đẩy cực mạnh, có tầm xa vượt gấp hàng ngàn lần tầm xa tên lửa hành trình Tomahawk hiện đại nhất của Mỹ, hoàn toàn có khả năng né tránh mọi hệ thống đánh chặn tên lửa và phòng không hiện có trên thế giới.

Tàu ngầm không người lái Poseidon được lắp động cơ hạt nhân, có thể lặn sâu vài trăm mét mà không một tàu ngầm nào trên thế giới có thể đạt tới, có thể di chuyển trên cự ly toàn cầu với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với các tàu ngầm hiện có, có thể tấn công hủy diệt tàu sân bay, tàu chiến nổi, tàu ngầm và hạ tầng cơ sở ven biển của đối phương.

Vũ khí lade Peresvet phóng ra chùm "đầu đạn ánh sáng" bay với tốc độ 300.000 km/giây có khả năng làm "mù", "điếc", thậm chí phá hủy bất kỳ khí tài bay nào, kể cả các vệ tinh bay trên vũ trụ của đối phương.

Theo Tổng thống Putin, đây là các loại vũ khí độc nhất vô nhị trên thế giới. Phải sau 10-15 năm nữa, ai đó mới có thể sở hữu các loại vũ khí tương tự, nhưng khi đó Nga sẽ phát triển các loại vũ khí tiên tiến hơn. Vậy đó là loại vũ khí gì?

Theo giới phân tích kỹ thuật quân sự, khi đó Nga có thể phát triển thành công một loại vũ khí nguyên lý mới, gọi là vũ khí lượng tử hoặc vũ khí phản hấp dẫn. Loại vũ khí này một khi được sử dụng sẽ không gây ra tác động tàn phá khủng khiếp như vũ khí hạt nhân mà chỉ vô hiệu hóa mọi loại vũ khí hiện có trong trang bị của quân đội các nước trên thế giới. Với vũ khí lượng tử, có thể ngăn ngừa được chiến tranh hạt nhân trong tương lai.

Theo Tổng thống Putin, các loại vũ khí hiện đại nhất của Nga không nhằm tấn công bất cứ quốc gia nào mà chỉ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Nga và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.

Năm 2002 Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa có giá trị vô thời hạn ký với Liên Xô năm 1972 để theo đuổi tham vọng xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa trên phạm vi toàn cầu nhằm vô hiệu hóa tiềm lực tên lửa hạt nhân chiến lược của Nga.

Thực hiện tham vọng đó, Mỹ đã triển khai xây dựng các hệ thống đánh chặn tên lửa ở Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đánh chặn tên lửa đường đạn hạt nhân chiến lược hiện có của Nga.

Với các loại vũ khí siêu vượt âm, Nga hoàn toàn có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ. Chính vì thế, ông Putin tuyên bố rằng, xét về khả năng kỹ thuật quân sự, Nga đã sẵn sàng đáp trả một cuộc chiến tranh hạt nhân của đối phương.   

Sức mạnh quân sự không chỉ là lá chắn tin cậy để bảo vệ an ninh quốc gia mà còn là trụ cột quan trọng của chính sách đối ngoại của Nga. Thí dụ điển hình là quân đội Nga đã thực hiện thành công cuộc chiến tiêu diệt các tổ chức khủng bố quốc tế ở Syria từ năm 2015 đến năm 2017, giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad bảo vệ được chủ  quyền quốc gia và thể chế chính trị.

Chiến thắng này của Nga đã góp phần nâng cao đáng kể uy tín chính trị của Nga ở Trung Đông.

(Còn tiếp)  

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine