Ông Putin và kế sách "bất chiến tự nhiên thành" trong ván bài Ukraine-Kì 2:
Tổng thống Putin nghĩ gì và muốn gì?
Để có được cái nhìn toàn cảnh về khủng hoảng ở Ukraine, ngoài ý đồ can dự của Mỹ, cần phải hiểu quan điểm của Nga. Nói cách khác cần phải thấy rằng giới lãnh đạo Nga nói chung và Tổng thống Vladimir Putin nghĩ gì và muốn gì?
Ở đây vai trò lãnh đạo của Putin giữ vai trò nổi bật, bởi chính ông là người đại diện cho khát vọng của dân tộc Nga, muốn xác lập lại vị thế từng có trong lịch sử. Câu nói “Không có Putin, không có nước Nga” có thể là một sự phóng đại, thế nhưng cách diễn đạt “điều mà Putin muốn cũng là điều mà nước Nga muốn” mô tả đúng những gì đang diễn ra ở Nga.
Là người từng có 15 năm lãnh đạo nước Nga trên cương vị Tổng thống và Thủ tướng, trong một cục diện mà Mỹ luôn muốn áp đặt thế bá quyền, đương nhiên ông chủ Điện Kremlin là người hiểu rõ nhất bản chất cuộc chơi, nắm rõ đối thủ. Trong cuộc so găng với Mỹ, Nga luôn điều chỉnh tầm mức đối đầu phù hợp, trên cơ sở đánh giá đúng và kiểm soát tốt tình hình, “biết người, biết ta”.
Moskva đã không ra mặt phản ứng trước cách mạng sắc màu ở Ukraine giai đoạn 2000-2002. Nước Nga phản đối, nhưng không can dự trực tiếp vào các cuộc “đảo chính” ở Gruzia (11/2003-01/2004), ở Ukraine (11/2004-01/2005). Thế nhưng đến năm 2008, Nga quyết định can thiệp bằng vũ lực ở Ossetia và Abkhazia (Gruzia) và năm 2012, Nga không lùi bước trước Mỹ và các đồng minh phương Tây trong vấn đề Syria. Sau chính biến Maidan ở Ukraine (2/2014), Moskva công khai đối đầu với Mỹ.
Điểm lại các diễn biến trên để thấy rằng, bất kì thời điểm nào Tổng thống Putin quyết định can dự đối đầu với Mỹ, ông luôn hiểu rõ một điều nước Nga có thể làm chủ cuộc chơi. Nếu Moskva quyết chơi đến cùng, thì điều đó có nghĩa là ông Putin tin rằng, trong các cuộc chiến tranh bao vây cấm vận, chiến tranh kinh tế, chiến tranh thông tin, trong cuộc nội chiến ở Ukraine… khả năng nước Nga giành chiến thắng là rất cao. Nó đưa tới một kết luận: Điều mà Tổng thống Putin mong muốn là không để nước Nga thất bại. Moskva hành xử không theo cách ngồi nhìn sức ép của Mỹ, mà là phản kháng trên cơ sở nắm trong tay cơ hội chiến thắng rõ ràng.
Quyết định “ngáng đường” Mỹ không phải mới xuất hiện năm trong năm 2014, 2013 gắn với khủng hoảng ở Ukraine, mà là từ việc Nga can thiệp vũ trang ở Nam Ossetia tháng 8/2008. Trong cuộc xung đột này, Mỹ đã không thể làm gì để cứu giúp đồng minh Gruzia, nó cho thấy rằng siêu cường Mỹ cũng có lúc bị “tổn thương”. Giai đoạn 2008 - 2010, sức mạnh kinh tế, quân sự của Mỹ suy giảm do hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ lĩnh vực cho vay thế chấp dưới chuẩn. Cùng lúc, tiềm lực của Nga không ngừng gia tăng. Mục tiêu chính mà Moskva theo đuổi tại thời điểm này là tích lũy ưu thế và không để đối đầu với Mỹ rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Theo thời gian, nước Mỹ suy yếu, Nga mạnh lên và tiến trình này sẽ đưa đến một thực tế rằng nếu không xuất hiện đối đầu gay gắt, vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ sẽ chấm dứt vào khoảng thời gian 2020 - 2025.
Đến đây, điểm thứ hai mà giới lãnh đạo Nga nói chung và Tổng thống Putin nói riêng muốn đạt được là: duy trì hình thái hòa hoãn (hoặc ít ra là dưới vỏ bọc hòa hoãn) càng lâu càng tốt. Hòa bình giúp Nga có ưu thế, vì Moskva không phải trả mức giá quá lớn mà vẫn đạt được các mục tiêu đề ra, trong một bối cảnh địa chính trị tốt đẹp hơn. Điều này giải thích tại sao Nga liên tiếp có động thái “chìa nhành olive” ra trước đối thủ. Đó là đề xuất hòa bình cho khủng hoảng tại Syria, không cho Mỹ có cơ hội tấn công quân sự. Đó là việc tạo cơ hội để Kiev có được thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông sau khi quân chính phủ đã thất bại gần như toàn diện trong chiến dịch quân sự mùa hè năm 2014. Bằng cách này, Moskva đã hành xử tựa theo nguyên tắc của binh pháp Tôn Tử: Đánh và thắng là hạ sách, không đánh mà thắng là thượng sách.
Dĩ nhiên, Mỹ không chịu ngồi yên. Họ hiểu nước Nga không có ý định “tiêu diệt” Mỹ, sẵn sàng hợp tác với Mỹ trên quan điểm là các đối tác bình đẳng. Chỉ có điều giới tinh hoa ở Washington trong vòng 25 năm qua đã quá quen với hình ảnh nước Mỹ giữ vị thế “bá chủ thế giới”, không chịu chấp nhận đàm phán với bất kì ai trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, không muốn bị thách thức. Vì thế, nếu Nga muốn hòa bình, thì Mỹ lại thích chiến tranh. Hai thái cực này va chạm, tạo ra hình thái “xung đột đông cứng” ở Ukraine hiện nay.
Theo Hoài Thanh/I.C.H/baotintuc.vn