1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Putin: Nga sẵn sàng cho cựu Giám đốc FBI tị nạn

(Dân trí) - Trong cuộc đối thoại trực tuyến chiều nay 15/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải đáp câu hỏi liên quan đến phiên điều trần của cựu Giám đốc Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử. Tổng thống Putin hài hước rằng, Nga sẵn sàng cho ông Comey tị nạn chính trị nếu cần thiết.


Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: RT)

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: RT)

Sau gần 4 tiếng đồng hồ, Tổng thống Putin đã kết thúc buổi đối thoại với lời cảm ơn gửi gắm tới người dân Nga và rằng ông không thể trả lời tất cả câu hỏi song những buổi đối thoại như này vô cùng có ý nghĩa với ông để lắng nghe ý kiến của người dân.

Về người kế nhiệm

Một lần nữa, ông Putin khẳng định, chỉ có người dân Nga mới có quyền quyết định ai sẽ là tổng thống tiếp theo của họ. Cho đến nay, Tổng thống Putin vẫn chưa tiết lộ liệu ông có ý định tái tranh cử vào năm sau hay không.

Những chia sẻ về cuộc sống đời thường

Trong cuộc đối thoại, Tổng thống Putin cũng trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến cuộc sống đời thường của ông như con cá to nhất ông từng câu được nặng 20kg, hay ông có thói quen tắt điện khi ra khỏi phòng.

Kế hoạch của Nga ở Syria

"Hoạt động của quân đội Nga ở Syria cho phép chúng ta thử nghiệm các loại vũ khí mới. Chúng ta đã triển khai các vũ khí hiện đại tới Syria và xem chúng hoạt động ra sao. Đối với quân đội của chúng ta, đây là một trải nghiệm quý giá, mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga đã nâng lên một tầm mới. Chúng ta mong muốn một tiến trình chính trị hòa bình ở Syria", Tổng thống Putin nói.


(Ảnh: RT)

(Ảnh: RT)

Nga sẵn sàng cho cựu Giám đốc FBI tị nạn

Tổng thống Putin nói: "(Cựu Giám đốc FBI) Comey không đưa ra bất cứ băng chứng nào chứng minh Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ. Mỹ đang cố nhào nặn dư luận".

Ông Putin cũng nói rằng, việc cựu Giám đốc FBI James Comey tiết lộ chi tiết cuộc nói chuyện với Tổng thống Donald Trump là "lạ lùng". Ông ví hành động này giống như việc cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiết lộ bí mật quốc gia.

"Nếu có bất cứ sự ngược đãi nào, chúng tôi sẵn sàng cho ông Comey tị nạn chính trị", ông Putin nói.


Cựu giám đốc FBI James Comey. (Ảnh: Reuters)

Cựu giám đốc FBI James Comey. (Ảnh: Reuters)

Nga không coi Mỹ là kẻ thù

Tổng thống Putin nói rằng, Nga không coi Mỹ là kẻ thù và ông hy vọng mối quan hệ này sẽ bình thường hóa trở lại.

Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định lại sự cần thiết hợp tác trong mối quan hệ Nga-Mỹ. "Chúng ta cần hợp tác với Mỹ. Nga có rất nhiều lĩnh vực hợp tác với Mỹ, nhưng kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt, vấn đề Triều Tiên, chống đối nghèo. Với các vấn đề khủng hoảng Syria, vấn đề Trung Đông, sẽ không đạt được kết quả gì nếu không có sự hợp tác. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ giúp chúng tôi giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine".

Về tình hình Ukraine

Tổng thống Putin đã trả lời câu hỏi của một công dân từ Kiev về việc tại sao Nga không hỗ trợ thêm những người Ukraine ủng hộ Nga. Ông Putin nói rằng, động thái như vậy có thể gây tổn thương cho những người dân Ukraine bất đồng với chính phủ về đối sách với Nga.


Buổi đối thoại thu hút sự chú ý rộng rãi. (Ảnh: RT)

Buổi đối thoại thu hút sự chú ý rộng rãi. (Ảnh: RT)

Câu hỏi về đời tư

Trả lời câu hỏi đời tư đầu tiên liên quan đến cháu ngoại, Tổng thống Putin tiết lộ các con gái và cháy ngoại của ông hiện sống ở Nga. Ông cũng cho biết thêm, con gái ông không tham gia vào các công việc chính trị, còn một trong các cháu ngoại đã đi mẫu giáo, cháu ngoại thứ hai mới sinh gần đây. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng nói rằng, ông không muốn tiết lộ nhiều về các cháu ngoại vì muốn chúng có một cuộc sống hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác.

Phản ứng việc Mỹ mở rộng trừng phạt Nga

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Mỹ mở rộng trừng phạt Nga, Tổng thống Putin nói rằng, Nga đã "sống chung" với các lệnh trừng phạt từ khi Nga có vị thế quan trọng với thế giới.

"Chúng ta biết Thượng viện Mỹ quyết định thắt chặt trừng phạt, nhưng chúng ta không biết lý do tại sao. Đó có thể là dấu hiệu của sự đấu đá chính trị ở Mỹ", ông Putin nói. Người đứng đầu điện Kremlin cũng nhấn mạnh, lệnh trừng phạt chắc chắn tác động đến kinh tế Nga nhưng không đáng kể.

Để đối phó với các lệnh trừng phạt này, Nga sẽ mở rộng hơn nữa ngành nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Nền kinh tế Nga tăng trưởng đều đặn 3 quý qua


Khán phòng nơi Tổng thống Putin đối thoại trực tuyến. (Ảnh: Sputnik)

Khán phòng nơi Tổng thống Putin đối thoại trực tuyến. (Ảnh: Sputnik)

Đúng 12h trưa nay theo giờ Moscow, Tổng thống Putin bước vào phòng đối thoại và bắt đầu với những nhận định lạc quan về tương lai của nước Nga như kinh tế Nga đã tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, người đứng đầu chính phủ Nga cũng đề cập đến những vấn đề tồn đọng như thu nhập của người dân.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin nói rằng các vấn đề như cấu trúc nền kinh tế, năng suất lao động thấp, thu nhập bình của người dân giảm vẫn là những vấn đề đáng lo ngại.

Câu hỏi đầu tiên

Tổng thống Putin đã trả lời câu hỏi đầu tiên được gửi đến từ một công dân ở khu vực Irkustk về vấn đề giáo dục.

Để hỗ trợ người thu nhập thấp, chính phủ Nga sẽ tăng mức lương tối thiểu cũng như mức lương hưu, ông Putin cho biết thêm.


Các điện thoại viên trực câu hỏi của người dân gửi tới (Ảnh: Sputnik)

Các điện thoại viên trực câu hỏi của người dân gửi tới (Ảnh: Sputnik)

Cuộc đối thoại lần thứ 15

Theo hãng thông tấn TASS, buổi truyền hình trực tiếp "Đối thoại với Tổng thống Valdimir Putin" sẽ được phát sóng lúc 12h trưa hôm nay 15/6 theo giờ Moscow (16h giờ Việt Nam). Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các vấn đề kinh tế xã hội trong nước sẽ tiếp tục là chủ đề chính trong cuộc đối thoại hôm nay.

Cũng theo ông Peskov, vài ngày gần đây, Tổng thống Putin đã lưu tâm đặc biệt đến việc chuẩn bị cho buổi đối thoại. Tổng thống Putin đã có các cuộc tham vấn với quan chức cấp cao Điện Kremlin và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.

Hình thức đối thoại này được Tổng thống Putin thực hiện từ năm 2001 và đến nay ông đã tiến hành 14 cuộc. Cuộc đối thoại đầu tiên diễn ra vào ngày 24/12/2001 với số lượng câu hỏi gửi về trung tâm tiếp nhận là 400.000 câu hỏi. Lượng câu hỏi liên tục tăng theo từng năm và đạt kỷ lục 3,25 triệu câu hỏi vào năm 2015. Năm nay, một ngày trước khi diễn ra buổi đối thoại, khoảng 1,6 triệu câu hỏi đã được gửi đến trung tâm tiếp nhận.

Năm nay, đây là lần đầu tiên cuộc đối thoại được tổ chức vào mùa hè, thay vì tháng 4 hay tháng 12. Giống như mọi lần, chương trình đối thoại sẽ không giới hạn thời gian, khung thời gian mỗi cuộc đối thoại sẽ tùy vào quyết định của Tổng thống Putin. Buổi đối thoại dài nhất là vào năm 2013 với thời lượng 4 tiếng 48 phút. Năm ngoái, thời lượng đối thoại là 3 tiếng 39 phút.

Minh Phương

Theo TASS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm